Sông Chà Và ô nhiễm nặng, dân tái nghèo

Sông Chà Và ô nhiễm nặng, dân tái nghèo
TP - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (BR-VT) Trần Ngọc Thới, cùng đại diện các sở, ngành, địa phương vừa nghe Viện Môi trường và Tài nguyên báo cáo về thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu).

> Bỏ nhà đi ở thuê vì nhà máy gây ô nhiễm
> Khách sạn 5 sao gây ô nhiễm

Thời gian qua, tại xã đảo Long Sơn liên tục xảy ra việc cá chết bất thường tại các lồng bè trên sông Chà Và. Nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm.

Ngoài thủ phạm chính là nước thải từ các nhà máy chế biến hải sản (khoảng 20 nhà máy), thì việc nuôi hàu bằng tấm lợp phế thải làm bằng amiang và lốp xe cũ là mối đe dọa ô nhiễm nguồn nước và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khi tấm lợp amiang được cho là có thể gây ung thư.

Khu vực nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và được UBND tỉnh BR-VT quy hoạch từ năm 1997 với diện tích hơn 750ha, trong đó, gần 69ha phù hợp để nuôi cá lồng bè. Năm 2011, có 10 hộ dân nuôi cá bớp và cá chim bị chết; riêng từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 3 vụ cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, làm thiệt hại hàng tỷ đồng.

Lốp xe cũ dùng để nuôi hàu hết hạn sử dụng được tống thẳng xuống sông Chà Và
Lốp xe cũ dùng để nuôi hàu hết hạn sử dụng được tống thẳng xuống sông Chà Và.

Trước hiện tượng cá lồng bè bị chết và gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, HĐND tỉnh BR- VT cùng các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định là do các nhà máy chế biến hải sản và việc khai thác cát (không kiểm soát được vị trí, khối lượng khai thác) gây ô nhiễm nguồn nước.

Các nhà khoa học về môi trường còn cho rằng, ngoài hai nguyên nhân chính gây ô nhiễm nêu trên, nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản tại Long Sơn còn bị đe dọa bởi nghề nuôi hàu do dùng tấm lợp fibro xi măng có chất amiang và lốp (vỏ) xe phế thải.

Theo những người nuôi hàu tại Long Sơn, trước đây, người nuôi hàu chủ yếu dùng cọc tre, gỗ cắm xuống nước cho hàu bám vào. Sau này, phát hiện hàu thích bám vào tấm lợp fibro xi măng, người dân đã đổ xô đi mua tấm lợp fibro xi măng phế thải để về nuôi hàu.

Tuy nhiên, cách nuôi này không duy trì được lâu, vì fibro xi măng dễ bị phân hủy trong môi trường nước. Khoảng 3 năm gần đây, người dân Long Sơn lại nuôi hàu bằng lốp xe phế thải.

Sử dụng lốp xe bền hơn do khó bị phân hủy trong môi trường nước, nên người dân lại đổ xô mua lốp xe cũ về để khai thác hàu. Sau khi thu hoạch hàu, những loại vật liệu này không dùng được nữa, người dân “tống thẳng” xuống bãi nuôi hoặc vứt thành đống ven sông.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sĩ, Trung tâm Công nghệ môi trường Viện Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khi đến khảo sát tại đây đã đưa ra cảnh báo: Việc ngâm tấm lợp fibro xi măng và lốp xe cũ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng môi trường sinh thái của các loại thủy, hải sản.

Cụ thể, lốp xe cũ và phế thải fibro xi măng khi ngâm trong nước sẽ tạo ra chất lưu huỳnh và một số hóa chất độc hại khác. Việc chôn lấp và thải bỏ không đúng quy định làm ảnh hưởng dòng chảy của sông, dùng nuôi hải sản.

Lãnh đạo xã Long Sơn cho hay, việc ô nhiễm sông Chà Và khiến sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn sụt giảm nghiêm trọng, nhiều hộ bị cụt vốn, nợ ngân hàng không trả được và tái nghèo.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phùng Chí Sĩ, Trung tâm Công nghệ môi trường Viện Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khi đến khảo sát tại đây đã đưa ra cảnh báo: Việc ngâm tấm lợp fibro xi măng và lốp xe cũ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng môi trường sinh thái của các loại thủy hải sản.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.