Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola: Nhiều chuyện tế nhị, khó nói

Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola: Nhiều chuyện tế nhị, khó nói
TP - Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đọc loạt bài trên của Tiền Phong họ thấy rất thấm thía vì đã nói lên được nhiều điều mà doanh nghiệp bởi “thấp cổ, bé họng” không thể nói ra. Chưa kể còn nhiều chuyện tế nhị, khó... nói.

> Bơ vơ 4,5 vạn người Việt: Mong Angola sớm ký hiệp định
> Angola sẵn sàng ký Hiệp định lao động với Việt Nam

Qua sông phải lụy đò

Để tìm hiểu căn nguyên sâu xa vì sao doanh nghiệp không được cấp phép tham gia thị trường Angola, PV Tiền Phong đã nhiều lần liên lạc, điện thoại trực tiếp cho một số giám đốc doanh nghiệp nhưng đều nhận được lời từ chối.

 “Từ xưa đến nay, Cục QLLĐNN chỉ loanh quanh với việc cấp-đổi giấy phép, thanh- kiểm tra doanh nghiệp..., còn làm sao để mở thị trường, bảo vệ NLĐ và doanh nghiệp khi có vấn đề nước sôi lửa bỏng thì rất hiếm. Nhiều vấn đề báo chí phanh phui mới vào cuộc nhưng rất chậm chạp”. 

Một chuyên gia XKLĐ

Một số người cho biết, rất muốn đồng hành cùng Tiền Phong nhưng “vuốt mặt phải nể mũi”. “Dù muốn hay không, đã tham gia vào lĩnh vực XKLĐ, ai cũng muốn được qua sông. Nhưng để qua sông chắc chắn phải lụy đò”, giám đốc một doanh nghiệp nói.

Tỏ vẻ chán nản, Tổng giám đốc một doanh nghiệp XKLĐ từng muốn tham gia thị trường Angola cho biết, ông đã sang Angola để tìm hiểu thị trường. Vì thấy tiềm năng, Cty ông đã đề nghị lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ LĐ-TB&XH để được cấp phép đưa lao động sang Angola. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sau đó Cty đã không tham gia.

Theo lãnh đạo một Cty khác, đúng lẽ, Bộ LĐ-TB&XH phải vào cuộc để hỗ trợ NLĐ. Bộ LĐ-TB&XH phải thấy rằng, dù chưa cấp phép, nhưng NLĐ vẫn sang được Angola.

“Trong câu chuyện này, rõ ràng NLĐ bị thiệt thòi vì chưa được quan tâm đúng mức. Nhưng để nói lên sự thật, thực lòng tôi không dám. Có nhiều chuyện tế nhị lắm”, vị lãnh đạo nói.

Cũng theo ông, bản thân doanh nghiệp rất muốn thị trường Angola được khơi thông nhưng vì tế nhị và thấp cổ bé họng nên không thể nói ra căn nguyên ngay lúc này.

Trả lời câu hỏi vì sao hồ sơ của Cty chưa được cục phê duyệt, vị lãnh đạo cho biết: Chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Cục QLLĐNN. Nhưng suốt từ năm ngoái đến nay, chúng tôi chỉ biết chờ.

Đáng lẽ, cục phải có văn bản trả lời cho biết lý do vì sao doanh nghiệp không được làm. Nhưng mỗi lần hỏi, họ cứ trả lời là đang thẩm định, đang chờ lãnh đạo thông qua.

Họ cứ nói thị trường Angola phức tạp, trấn lột, cướp bóc..., trong khi NLĐ vẫn kéo nhau đi ầm ầm. “Nói thẳng, lao động Việt Nam ở thị trường nào cũng có vấn đề (kể cả thị trường tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc). Do đó, trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH là phải giúp NLĐ hạn chế rủi ro chứ không thể cứ phát ngôn là đổ hết lỗi cho NLĐ như thế”, vị lãnh đạo nói.

Phái đoàn của bộ sang Angola không chính thống?

Sau khi đọc loạt bài, giám đốc một doanh nghiệp gọi điện cho PV Tiền Phong nói: Đáng lẽ để tìm hiểu thị trường Angola, Bộ LĐ-TB&XH phải làm công hàm gửi Đại sứ quán Angola tại Việt Nam nhờ trợ giúp. Có như vậy, Đại sứ quán họ mới sẵn sàng liên hệ với các kênh bên Angola để làm việc, giúp tìm hiểu thị trường.

“Đằng này, các ông đi Angola gần như không chính thống. Liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để nhờ giúp đỡ nhưng chính Đại sứ Đỗ Bá Khoa cũng mới sang Angola nên chưa thể nắm được nhiều. Do đó, phái đoàn của Bộ LĐ-TB&XH chỉ đến một số nơi và tiếp xúc với một số ít lao động nên không có cái nhìn tổng thể về thị trường Angola”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp trên, để khai thông thị trường Angola, cuối năm 2012, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp và mời đại diện 10 doanh nghiệp (Lod, Oleco, Cienco8, IMS...) và lãnh đạo Cục QLLĐNN. Tại cuộc họp này, lãnh đạo hiệp hội thông báo những tín hiệu tích cực về việc các doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập được thị trường Angola.

Ông này cũng cho biết, tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng QLLĐNN chỉ nói sơ qua về đoàn công tác sang Angola gặp những khó khăn gì, tiếp xúc và được NLĐ đề đạt nguyện vọng ra sao. “Ông ấy chủ yếu nêu lên những khó khăn chứ không cho biết giải pháp nào để khơi thông thị trường và lộ trình trong năm 2013 có khơi thông được không”, vị giám đốc nói.

Ngày 29/5, trao đổi với PV Tiền Phong, một Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết, rất đồng tình với cách tiếp cận vấn đề của Tiền Phong về vấn đề thị trường Angola. “Với thị trường này, việc tuyên truyền để có một định hướng tốt là rất quan trọng. Để làm tốt và khơi thông được thị trường, Bộ LĐ-TB&XH, doanh nghiệp phải đồng quan điểm và phải cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ”, ông nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG