Sáu lần kiến nghị về ô nhiễm vẫn không kết quả: Tại anh, tại ả?

Sáu lần kiến nghị về ô nhiễm vẫn không kết quả: Tại anh, tại ả?
TP - Do chưa đưa hệ thống xử lý chất thải tiêu chuẩn vào vận hành nên nước thải của Công ty Cổ phần Diêm Thống Nhất và nhiều đơn vị thuê nhà xưởng (phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) chảy từ khu vực sản xuất qua cống đen ngòm, ngấm qua tường rào thành vũng lênh láng đường đi của khu dân cư...

> Lập trạm quan trắc trăm tỷ: Vẫn ô nhiễm
> Xây 17 trạm quan trắc ở sông Nhuệ, Đáy và Đồng Nai

Nước thải xả vào khu dân cư

Bà Nguyễn Thị Hạnh, tổ trưởng tổ dân phố số 12 thuộc phường Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) dẫn chúng tôi đi chứng kiến thực trạng ô nhiễm do Công ty CP Diêm Thống Nhất (DTN) gây ra cho người dân suốt thời gian qua.

Ngay trước cửa nhà ông Vũ Mạnh Dũng là nước thải bốc mùi chảy từ nhiều khe tường của Công ty DTN tràn ra lênh láng trên mặt đường đi lại của khu dân cư.

Ông Dũng cho biết, những ngày nóng nực, nước thải từ các phân xưởng sản xuất tràn ra ngoài mùi bốc lên nồng nặc. Dọc theo chân tường của Cty DTN tiếp giáp với đường dân sinh, hai đường thoát nước thải đen ngòm và hôi thối chảy ra từ chân tường của Cty DTN.

Điểm ô nhiễm nhức nhối cả chục năm qua đối với hàng trăm hộ dân tại đây là khu vực ao Dầu rộng khoảng 7.000 m2 - phần đất thuộc quyền sử dụng, quản lý của Cty DTN.

Tại đây, đã thực sự biến thành bãi rác khổng lồ, với đủ loại rác thải chất đống cao hơn đầu người. Bà Hạnh khẳng định, do chất thải từ Công ty DTN và các đơn vị thuê nhà xưởng của Cty DTN xả ra hàng chục năm qua nên nơi đây đã trở thành một cái ao “chết”.

“Hơn chục năm trước ao rất sạch, thanh thiếu niên vẫn bơi lội. Nhưng bây giờ thành nơi xả rác thải của cả Cty DTN và khu dân cư, thậm chí là nơi con nghiện lộng hành tiêm chích” -bà Hạnh quả quyết.

Theo quan sát của chúng tôi, hàng chục hộ dân thuộc tổ 12 bị ô nhiễm không khí và tiếng ồn do chỉ cách khu vực sản xuất của Cty DTN một ngõ đi rất nhỏ... “Vào ngày mưa, nước thải nhà máy chảy ra xối xả, nước cống dềnh lên ngập ống chân”-một gia đình sát nhà máy diêm phản ánh.

Đá ném ao bèo

Nước thải đen ngòm hôi thối chảy ra từ Cty CP Diêm Thống Nhất
Nước thải đen ngòm hôi thối chảy ra từ Cty CP Diêm Thống Nhất.
 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Diêm Thống Nhất khẳng định đã cử cán bộ kiểm tra xử lý tình trạng nước thải ngấm qua tường xả vào khu dân cư. Ông Tùng cũng cho hay, đơn vị gây ô nhiễm là Cty Giấy Hoàng Hà – đơn vị thuê lại nhà xưởng của Cty DTN.

Cũng theo ông Tùng, đường ống thoát nước thải ra ao Dầu là đường thoát chung của cả Cty Diêm Thống Nhất và cả các đơn vị thuê nhà xưởng. Hiện nay, có 6 đơn vị đang thuê đất của công ty để sản xuất, làm kho bãi và đều đang sử dụng chung hệ thống thoát nước của công ty xây dựng từ năm 1956 đến nay.

“Trước đây chúng tôi chỉ có các trạm lắng cơ học bình thường thôi rồi đẩy nước ra ngoài, giống như những cái hố ga”- ông Tùng thừa nhận. Đại diện lãnh đạo Cty DTN cho biết, sau khi bị thanh tra môi trường xử phạt hơn 10 triệu đồng do chưa có hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn, Cty DTN đã đầu tư 1,3 tỷ đồng xây hệ thống xử lý nước thải mới và trong năm 2013 sẽ đưa vào vận hành.

Lãnh đạo Cty Diêm Thống Nhất cho hay, doanh nghiệp đã đặt nhà máy tại đây được gần 60 năm, khu dân cư sát nhà máy mới hình thành sau này, trong đó có những hộ lấn chiếm đất. Khu vực ao Dầu thuộc quyền quản lý của công ty nhưng do đã có quyết định thu hồi đất của thành phố để làm đường giao thông nên công ty không đầu tư xử lý ô nhiễm.

Hiện nay, công ty đã có phương án cụ thể di dời nhà máy về Yên Phong (Bắc Ninh) nhưng do kinh tế khó khăn nên tạm lùi lại... Bà tổ trưởng tổ dân phố số 12 cho biết đã không dưới 6 lần kiến nghị lên Hội đồng nhân dân phường Đức Giang mà không có kết quả. “Đại diện lãnh đạo quận Long Biên đã về kiểm tra sự việc nhưng sau đó ô nhiễm vẫn không được khắc phục”-Bà Hạnh nói.

Bà tổ trưởng tổ dân phố số 12 cho biết đã không dưới 6 lần kiến nghị lên Hội đồng Nhân dân phường Đức Giang mà không có kết quả. “Đại diện lãnh đạo quận Long Biên đã về kiểm tra sự việc nhưng sau đó ô nhiễm vẫn không được khắc phục” - Bà Hạnh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG