Phát biểu 'không hợp làm ĐBQH' là thiếu trách nhiệm

Phát biểu 'không hợp làm ĐBQH' là thiếu trách nhiệm
TP - Chiều qua, thảo luận tại tổ Hà Nội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng cần bổ sung vào Dự thảo quy định miễn nhiệm ĐB QH nếu đại biểu đó không còn muốn tham gia QH vì lý do sức khỏe hay lý do nào khác. Bởi vừa qua có ĐB QH đã nói, nếu biết trước thì đáng lẽ mình không nên vào QH.

> Tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến nhân dân
> Ý kiến đại biểu Quốc hội trước phiên khai mạc

Trao đổi với Tiền Phong, bà Hà nói:

Qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mới nhất, tôi thấy, tất cả quy định cụ thể liên quan đến đại biểu dân cử trong Dự thảo thì chỉ có quy định về bãi nhiệm, còn miễn nhiệm thì chưa có quy định. Trong khi đó, Điều 57, Luật Tổ chức QH hiện hành nêu: ĐB QH có thể xin thôi làm nhiệm vụ ĐB QH vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.

Do vậy, trong Hiến pháp đã quy định bãi nhiệm thì cần bổ sung cả việc miễn nhiệm. Tôi thấy rất cần quy định việc xin thôi làm ĐB QH. Bởi vừa qua, khi theo dõi báo chí có cá nhân ĐB QH đã nói rằng, nếu biết làm ĐB QH mà phức tạp như thế này thì mình đã không tham gia QH.

Cá nhân tôi thấy, phát biểu như thế là thiếu trách nhiệm. Từ đó, tôi thấy càng cần thiết quy định trong Hiến pháp để các ĐB QH nếu tự mình thấy không đủ khả năng, trách nhiệm, phù hợp thì xin thôi làm ĐB QH.

Hiện nay nhiều ĐB QH kiêm nhiệm, phải chăng vì sức ép về thời gian, sức khỏe, công việc mà có đại biểu đã phát biểu như vậy?

Đại biểu kiêm nhiệm thì dành 1/3 quỹ thời gian để hoạt động QH. Việc cân đối là tùy từng cá nhân ĐBQH để đảm nhiệm được vai trò của mình. Tôi nghĩ không phải vì công việc nhiều quá mà có thể đại biểu đó có những áp lực khác.

Nhưng dù áp lực nào đi nữa, nếu tự thấy mình không đủ quỹ thời gian, không đảm đương được thì chủ động xin thôi tham gia QH, chứ phát biểu như vừa qua thì ảnh hưởng đến trách nhiệm đại biểu.

Thực tế là trước khi ứng cử thì đại biểu QH phải tìm hiểu về hoạt động QH, vai trò và trách nhiệm đại biểu dân cử?

Đúng như vậy. Để ứng cử, người đó phải tìm hiểu về hoạt động QH. Càng làm ĐB QH thì tôi thấy mình càng lớn lên, hiểu biết nhiều hơn. Tuy nhiên, trước khi quyết định ứng cử ĐB QH là phải tìm hiểu và biết sơ bộ chứ không thể không biết chút gì mà tự ra ứng cử và có thể thuyết phục được cử tri bầu cho mình.

Làm ĐB QH đối với bà có khó khăn lắm không?

Cá nhân tôi thấy khó là thiếu quỹ thời gian, thiếu hiểu biết để làm trọn vẹn trách nhiệm, kỳ vọng của cử tri đối với một đại biểu dân cử. Tôi tâm niệm mình phải cố gắng nhiều hơn.

Trước đó, trả lời báo chí, một ĐB QH đoàn TPHCM nói: “Nói thật, đáng lẽ tôi không nên vào QH. Hồi xưa, tôi không nghĩ làm ĐBQH là làm chính trị gia, cái số của tôi không hợp làm chính trị gia.

Với lại, tôi cũng muốn thể hiện quyết tâm cho mọi người thấy: đã tham gia thì phải tham gia đến cùng. Còn đóng góp cho xã hội thì ở đâu cũng đóng góp được. Nói thật là tôi sợ lắm rồi, kỳ tới sẽ không nghĩ đến chuyện tham gia QH nữa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG