> TVQH nghe báo cáo lấy phiếu tín nhiệm
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định về biểu tình đã có từ Hiến pháp năm 1946. Nếu tính từ Hiến pháp 1992, thì chúng ta cũng đang nợ nhân dân Luật Biểu tình, vì quy định biểu tình đã được hiến định và Thủ tướng cũng đề nghị phải xây dựng luật này. “Cần đưa Luật Biểu tình, Luật Trưng cầu dân ý vào chương trình xây dựng luật năm 2014” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, không chỉ người dân mà cơ quan chức năng cũng mong có một Luật Biểu tình để giúp cho việc quản lý nhà nước tốt hơn, người dân thực hiện được quyền của mình tốt hơn. Các quy định hiện nay đều đã lỗi thời, dễ đánh đồng các hoạt động tụ tập đông người, khiếu kiện với biểu tình. Có những vụ biểu tình thể hiện bức xúc của dân vì tinh thần yêu nước do lãnh thổ bị đe dọa, nhưng chúng ta chưa có luật để quản lý.
Cùng đó, ĐB Nghĩa cũng kiến nghị theo sáng kiến của ông, năm 2015 QH nên đưa “Luật Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia” vào chương trình.
Không hạn chế dân bằng hộ khẩu
Thảo luân về Luật Cư trú, một số ĐBQH cho rằng không nên biến hộ khẩu - một thứ giấy tờ có tính chất quản lý hành chính thành một loại giấy phép con. “Xin học, điện, nước...cái gì cũng cần phải có hộ khẩu. Vì vậy người ta mới phải gian lận. Thế nhưng, ngược lại, có người không cư trú nhưng tên trong hộ khẩu vẫn không bị xóa, gây khó khăn cho công tác quản lý” - ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) nói.
“Nếu cần hạn chế dân cư thì nên có những biện pháp khác như tăng thuế nhà đất, phí môi trường, không nên dùng hộ khẩu để quản lý dân cư” – ĐB Trần Du Lịch kiến nghị.