Quanh Hồ Gươm lại bàn chuyện Vua Lê

Quanh Hồ Gươm lại bàn chuyện Vua Lê
TP - Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê...Có lẽ thi sĩ Chế Lan Viên viết câu ấy trong một tâm trạng bi phẫn và cả giận dỗi nữa?
Tượng đài Vua Lê. Ảnh: X.B
Tượng đài Vua Lê. Ảnh: X.B.

Quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê/ Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ... Chắc cái thuở thi sĩ chưa được giác ngộ, chưa có ánh sáng trên đầu mà phải lựa thay đổi sắc phù sa (sáng tác) đó thôi!

Làm sao lại không bàn chuyện Vua Lê cho được khi sáng sớm ngày Rằm tháng Tư âm lịch - ngày cuối cùng của lễ Phật Đản - ghé chỗ đứa cháu ở nhà Tầm Tầm (tên gọi cũ khu tập thể báo Tiền Phong) thấy trống đại hẳn hoi thúc rợn mé bên tượng đài Vua Lê. Hỏi ra mới biết bên ấy bữa nay có Hội. Hội kỷ niệm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2013).

Cứ 5 năm quanh tượng Vua Lê thì lại trọng thể một lần chiêng trống như thế.

Thì đã mấy lần dự Hội ấy đấy thôi. Có lẽ lần to là dịp năm chẵn, 580 năm do thành phố chứ không phải cấp quận Hoàn Kiếm như sáng nay. Ngờ ngợ không biết kịch bản đại Lễ Vua Lê đăng quang tác giả là ai? Liệu có sắm được một bản sao cái sớm ngày Vọng (Rằm) Tháng Tư Âm lịch năm 1428 ấy.

Giở sử thấy hùi hụi tiếc cho tổ biên sử, làm sử của sử thần Ngô Sĩ Liên, tiếc chi thêm ít hàng chữ nữa để chi tiết thêm lễ đăng quang năm ấy của vua Lê Thái Tổ? Với lại có biên chi tiết ra thì sợ gì ông cháu nội của Lê Thái Tổ là vua Lê Thánh Tông biên tập? Vậy nên chỉ ngắn ngủi ít dòng trong Toàn thư là “Mùa Hạ, tháng 4, từ điện tranh ở Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Kinh. Ngày 15, vua lên ngôi ở Đông Kinh, đại xá, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (tức Thăng Long - Hà Nội).

Các đoàn đại biểu tham gia lễ hội kỷ niệm 585 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2013). Ảnh: Minh Tuấn
Các đoàn đại biểu tham gia lễ hội kỷ niệm 585 năm ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang (1428-2013). Ảnh: Minh Tuấn.

Cái đoạn nhà vua bơi thuyền ở hồ Lục Thủy dứt khoát phải là phần Hội sau thủ tục phần Lễ ( thủ tục đăng quang)? Đơn vị đo thời gian thời trước đâu cứ một canh giờ là 2 tiếng đồng hồ bây giờ.

Vậy là mấy giờ, từ 10 đến 12 giờ trưa ngày Rằm năm ấy? Thời khắc Rùa vàng trong hồ nổi lên bơi theo thuyền ngự của Vua và Lê Thái Tổ thấy thanh gươm bên mình cứ động đậy liên hồi bèn rút ra thả xuống để rùa vàng đớp lấy rồi lặn hút mất. Nhìn theo hồi lâu vẫn thấy một vệt sáng rực le lói dưới mặt nước hồ xanh. Giờ phút mà hồ trong thành Đông Quan mang tên hồ Hoàn Kiếm ấy là vào giờ nào nhỉ?

Cứ lẩn thẩn nghĩ quẩn ra như thế chứ trong việc giáo dục truyền thống mà sắm sanh được một cái Hội cứ 5 năm một lần diễu tưng bừng quanh Hồ Gươm phỏng theo dấu xưa tích cũ của sử.

Hội là thứ nhắc thêm cho hậu thế huân công rực rỡ vĩ đại cuộc chiến tranh vệ quốc đánh thắng giặc Minh xâm lược cùng sự kiện lên ngôi vua của Bình Định Vương Lê Lợi là nên, là đáng lắm. Cần chi những đủ đầy cùng cầu toàn một sao chép sự kiện cách đây gần 6 thế kỷ?

Nhân đương cơn biên chép không thể không trích ra đây một nhận xét mà tôi cho là lạnh lùng nhưng khách quan của nhà bác học Hoàng Xuân Hãn.

Ấy là năm Bính Thìn 1976, trong thư chúc Tết Thủ tướng Phạm Văn Đồng, giáo sư (GS) Hoàng Xuân Hãn thẳng thắn rằng, Việt Nam có nhiều cuộc chiến tranh giải phóng nhưng thực sự chỉ có hai cuộc giải phóng đất nước từ ách chiếm đóng của nước ngoài. Đó là, năm 1418 - 1427 của Lê Lợi và Nguyễn Trãi; năm 1945 - 1975, Bác Hồ và các anh! Và nữa Cụ Lê Duẩn cũng có lý khi nói “nước ta thời Trần đánh giặc giỏi, nhưng lúc ấy có nước có quân, còn Lê Lợi đánh giặc chỉ có dân”.

Ở trên đương nói đến cái nhà Tầm Tầm nơi khu tập thể báo Tiền Phong tiếp quản sau năm 1954. Pháp chiếm Hà thành đuổi dân, xây các công sở như nhà Phó Toàn quyền (nay là trụ sở báo Nhân Dân), nhà hàng Thuộc địa (nay là trụ sở báo Giao thông) và sở Tầm Tầm. Năm 1896, Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải (về hưu từ năm 1893) cũng góp phần xây dựng tượng đài Vua Lê Thái Tổ này.

 Cho đến giờ, trăm năm hơn, vẫn chưa biết tác giả bức tượng độc đáo ấy?

Tượng đài vua Lê là một công trình kiến trúc độc đáo trong khuôn viên số nhà 16 phố Lê Thái Tổ từng là trụ sở Hội Khai Trí Tiến Đức thời Pháp rồi sau này là Câu lạc bộ Thống Nhất thời 1945 - 1954 và nay là Cục Văn hóa thông tin cơ sở.

Tượng mặc áo long bào, lưng đeo đai. Đây được cho là kiểu áo của các vua thời Nguyễn sau này. Trên thân áo được đúc nổi đầy các hình trang trí như rồng chầu với thân nhỏ, tạo vẩy nổi rõ như vẩy cá chép, các đao mác. Vây rồng, râu rồng được tỉa khá kĩ, rõ từng chiếc một, trên nền vân mây. Thân áo tạo thành nhiều nếp lượn chạy xuôi theo vạt mép, vạt áo tạo lượn kiểu biên lá sen, tay trái của tượng chống vào hông. Các vạt áo ở cánh tay chảy và tạo dáng hơi bay vát. Tay phải của tượng cầm thanh kiếm trong tư thế hơi chúc xuống.

Cho đến giờ, trăm năm hơn, vẫn chưa biết tác giả bức tượng độc đáo ấy?

Cũng cần nói thêm, trước khi Pháp chiếm và làm cái việc xây cất như thế, không thấy sử hay tài liệu nào chép việc phá Đền Lê Thái Tổ? Vị trí Đền nghe đâu nằm ở cạnh bức tượng đài này? Các danh sĩ như tiến sĩ (TS) Vũ Tông Phan và TS Ngụy Khắc Tuần, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, Hoàng giáp Lê Đình Diên… còn để lại những bài thơ vịnh ngôi đền này ở trên bờ phía tây của hồ Hoàn Kiếm.

Chúng tôi cũng đã tìm thấy bài văn của TS Phạm Quý Thích (1760- 1825) tế Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế, sau đề bài có lời dẫn: “Từ tại Kiếm Hồ, trắc Báo Khánh thôn” (đền ở hồ Hoàn Kiếm, cạnh thôn Báo Khánh) và câu đối của ông, từng treo nơi đây Hồ tâm dạ phát linh kim khí/Miếu mạo xuân hàm dị mộc hương (tạm dịch: Lòng hồ đêm đêm vẫn phát ra khí gươm linh thiêng/Mặt miếu ngày xuân vẫn thấm đượm hương gỗ kì lạ - theo tài liệu của nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi).

Là hàng xóm nhiều năm của Cục thông tin cơ sở đóng ngay dưới chân tượng Vua Lê, tôi được chứng kiến lần ấy, khi kíp thợ xây dựng làm nền để xây hệ thống sân khấu ngoài trời đã phát hiện ra một số gạch ngói cổ, chứng tỏ ngày trước ở đây đã có công trình. Thay vì dừng lại cho giới nghiên cứu vào việc, có thể đây là dấu tích Đền Vua Lê đã bị phá? Nhưng người ta cứ thi công.

Không biết cơn cớ gì, hai cậu công nhân bất đồ bị cảm sùi bọt mép không nói được phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ngày hôm sau, một cậu lớ quớ thế nào, đất bằng là thế mà oạch một phát, gẫy chân. Mấy bà nhà bên đình Nam Hương thờ thần Bạch Mã và Linh Lang (ngay phía sau tượng đài) nói nhỏ với ông phụ trách nên có hương hoa cúng kiếng chi đó ở đình.

Rồi việc xây cất sân khấu, một công trình nham nhở ngó rất chuế với cảnh quan cũng hoàn thành.

Rất tình cờ phó GS-TS khoa học Hà Đình Đức xuất hiện. Chắc bạn đọc đã quá quen thuộc với nhà Rùa học Hồ Gươm này trên các phương tiện truyền thông. Nhưng ít người biết, Người khóc rùa Hồ Hoàn Kiếm này cũng chính là người nhiệt thành cổ xúy đeo bám thúc giục để Hà Nội tổ chức thành nếp lễ hội ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang.

Ngước lên tượng đài Vua Lê lần nữa để cố thấm thêm cái đẹp cái độc đáo của kiến trúc, của điêu khắc mà người ta từng nắc nỏm. Nhưng tôi mang máng thấy Ngài đầu trần chít khăn, hông mang gươm ngó uy dũng khoáng đạt như bức tượng Bình Định Vương Lê Lợi trước trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa và có chi đó gần gụi hơn là khi chiêm bái Vua Lê Thái Tổ mũ bình thiên chĩnh chiện tay trỏ gươm xuống hồ này? Hay là thuở 10 năm nằm gai nếm mật của Bình Định Vương Lê Lợi, thời ấy dẹp giặc ấy nó hoành tráng bi hùng hơn quãng thời gian làm vua với những thảm án Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Ngân, vv...?

Chợt câu cổ nhân Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong (Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vứt bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết) thoáng nhanh trong trí nhớ.

Không hề lãng quên lẫn rêu phong chuyện cũ. Mà không chỉ bên Hồ Gươm bây giờ lại bàn chuyện vua Lê mà có lẽ còn dài dài nữa dân Nam ta còn bàn còn luận nhiều đến nhân vật lịch sử kiệt xuất độc đáo này?

Ngày Phật Đản năm Quý Tỵ

Theo PGS Hà Đình Đức thì ngày 5/2/1996 ông Trần Hoàn nguyên là Bộ trưởng Bộ Văn hóa và ông Đỗ Quang Trung Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch có soạn công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ phá cái sân khấu ấy đi và cái bệ ngồi ở phía đường nay là Cục Văn hóa thông tin cơ sở, làm nhà dịch vụ văn hoá và cho người nước ngoài thuê, với diện tích 762,7m2.

Khi có thông tin đó thì ngày 15/3/1996, PGS Hà Đình Đức viết thư lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. PGS Hà Đình Đức cho rằng, nếu làm nhà dịch vụ đó thì sẽ vi phạm Pháp lệnh về bảo vệ di tích. Khu tưởng niệm Vua Lê được công nhận là Di sản văn hóa từ Quyết định số 65 ngày 25/1/1995.

Ngày 18/3, PGS Đức lại viết thư lên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Sau đó ông nói với ông Dương Trung Quốc và ông đã làm công văn cho Hội khoa học lịch sử ngày 25/3/1996 gửi lên Chính phủ. Ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Trần Tiêu ký một công văn quyết định không thực hiện dự án này nữa nên bây giờ mới có Khu tưởng niệm Vua Lê khang trang như bây giờ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.