Người miền Nam điêu đứng vì mất điện

Người miền Nam điêu đứng vì mất điện
TP - Sự cố hi hữu khi phần ngọn của cột cây dầu cao 10m từ xe cẩu chạm đường dây (ĐD) 500 kV xảy ra chiều hôm qua, 22/5, khiến toàn khu vực miền Nam mất điện trong nhiều giờ. Mọi hoạt động tại nhiều tỉnh, thành bị xáo trộn nghiêm trọng.

> Mất điện toàn miền Nam vì một xe cẩu
> Đứt đường dây 500 KV, cúp điện toàn miền Nam

Vào lúc 13 giờ 52 phút, ngày 22/5, theo ghi nhận của Tiền Phong, TP Hồ Chí Minh đột nhiên mất điện. Ngay sau đó, thông tin từ các nơi báo về cho biết toàn bộ các tỉnh thành khu vực phía Nam cũng cùng lúc mất điện.

TPHCM: Công sở ngưng trệ, sinh hoạt đảo lộn

Mất điện đột ngột khiến tình hình giao thông tại TPHCM trở nên hỗn loạn vì hệ thống đèn tín hiệu bị tê liệt. Các phương tiện từ các ngả đường dồn về các giao lộ trong tình trạng không kiểm soát, gây ùn tắc kéo dài.

Tại ngã tư MK (quận 9), xe container nối đuôi từ xa lộ Hà Nội rẽ vào đường song hành chặn các hướng lưu thông khác làm hàng nghìn phương tiện bị “chôn chân”. Tại khu vực trung tâm, các giao lộ Nguyễn Thị Nghĩa - Lê Lai, Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học, Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đinh Tiên Hoàng, ngã sáu Phù Đổng (quận 1) chật cứng, nhiều người tìm lối thoát ra nhưng bất lực.

Sự cố mất điện đang làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của người dân. Tại nhiều chung cư, cao ốc, hệ thống thang máy tạm ngưng hoạt động, người dân phải leo cầu thang bộ, cán bộ nhân viên phải bỏ ra ngoài vì nóng.

Đại diện một số cửa hàng bán thức ăn nhanh cho biết mất điện khiến các máy pha chế bị ngưng hoạt động. Không chỉ không có hàng giao cho khách, một số nguyên liệu, thực phẩm có nguy cơ hư hỏng vì tủ đông ngưng hoạt động.

Mất điện cũng khiến hoạt động của nhiều công sở bị tê liệt, bệnh viện ngưng trệ hoạt động.

“Bình thường, trên thế giới cũng xảy ra như thế”?

Kẹt xe đường Nguyễn Thái Học, TPHCM. Ảnh: Năm Sài Gòn
Kẹt xe đường Nguyễn Thái Học, TPHCM. Ảnh: Năm Sài Gòn.

Đến 17 giờ cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo báo chí cho biết, lúc 14h19 đã xảy ra sự cố trên ĐD 500kV Di Linh - Tân Định.

Sự cố đường dây 500kV trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam, dẫn tới hệ thống điện miền Nam mất điện toàn bộ (khoảng 9.400 MW).

Thông cáo báo chí cho biết, qua điều tra sơ bộ, sự cố do xe cần cẩu trồng cây trong khu vực Thành phố mới Bình Dương chạm vào đường dây 500 kV ở khoảng trụ 1072-1073 gần trạm biến áp 500kV Tân Định. Hiện xe cần cẩu (biển kiểm soát 81B-3745) đã bị lực lượng chức năng lập biên bản và tạm giữ.

Thông cáo báo chí cũng cho biết, vào lúc 15h54, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đưa vào vận hành trở lại đường dây 500kV Bắc - Nam và từng bước khôi phục hệ thống điện miền Nam. Dự kiến trong chiều và tối ngày 22/5, hệ thống điện miền Nam sẽ được khôi phục toàn bộ.

Ông Nguyễn Anh Vũ-Trưởng ban Quan hệ cộng đồng, Tổng Cty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN SPC) cho Tiền Phong biết: Đến 14g34 phút cùng ngày, đã bắt đầu tái lập điện cho một số phụ tải quan trọng.

Theo dự kiến, Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam sẽ ưu tiên khôi phục, cung cấp điện cho TPHCM ngay trong chiều 22/5.

Khi tôi đang cẩu cây dầu cao hơn 10 m tại vườn thì phần ngọn cây chạm vào dây điện và phát ra tiếng nổ lớn. Sau khi nhảy ra khỏi xe, tôi đã bị choáng váng rất lâu, không biết có phải do điện truyền vào người không, còn cây dầu thì khô héo hết, bánh xe trước thì bị nổ tung

Tài xế Ngô Tấn Thảo (ngụ Thuận An, Bình Dương), người điều khiển xe cẩu

Khoảng 18giờ 30 phút, ông Lê Xuân Thái-Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết, cho đến thời điểm hiện tại tất cả các trạm 110 kV cấp điện cho các tỉnh đã được đóng điện và các tỉnh đã có điện toàn bộ gồm Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Các tỉnh thành có điện một phần gồm Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu.

Lúc 19 giờ 5 phút, ông Hồ Quang Ái-Phó Tổng giám đốc EVN SPC, người chỉ huy mọi hoạt động tái lập lưới điện 21 tỉnh thành phía Nam cho Tiền Phong biết, trước đó ít phút, khi xảy ra sự cố lưới điện 500KV Di Linh-Tân Định, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) bị “ngắt khỏi hệ thống”.

Khoảng nửa giờ tới, Nhà máy sẽ hòa lưới điện trở lại và khi cả 3 tổ máy của nhà máy này hòa hết vào lưới điện quốc gia thì sẽ cấp điện bình thường cho tất cả các tỉnh thành trong phạm vi sự cố.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, vì sao chỉ một sự cố lại làm rã lưới toàn bộ hệ thống điện miền Nam, ông Ái nói: “Vì hiện nay lưới điện đang vận hành liên kết giữa Bắc-Nam với công suất rất cao nên khi sự cố xảy ra thì tất cả (nguồn phát điện- NV) phải “văng ra”.

Sau khi giải trừ sự cố ở đường dây 500 kV Di Linh-Tân Định A2 mới tiến hành tái lập từ từ. Ông Ái cũng cho rằng, điều này là hết sức bình thường, trên thế giới cũng xảy ra như thế.

Ông Ngô Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, cho biết, đến 22h40’ ngày 22/5, toàn bộ 22 tỉnh, thành phố ở miền Nam đã được cấp điện trở lại.

Bệnh viện cuống cuồng do cúp điện

TP - Trong lúc đang mổ cho bệnh nhân bỗng dưng cúp điện đột ngột, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 đã nhanh chóng chuyển sang dùng phương án điện dự phòng để cuộc phẫu thuật không bị trì hoãn.

Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, Nhân dân Gia Định, Ung bướu TPHCM…cũng gặp sự cố do ảnh hưởng của cúp điện.

Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, hệ thống quạt điện bố trí tại các hành lang trước ngưng hoạt động, điện dự phòng chỉ cung cấp vừa đủ hoạt động bên trong phòng khám nên nhiều bệnh nhi và người nhà hết sức vất vả.

ĐBSCL: Cuộc sống đảo lộn

Tại tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ, giao thông ở nhiều ngã tư, ngã năm trở nên hỗn loạn vì cúp điện mà không có cảnh sát giao thông.

Ở tỉnh Bến Tre, anh Đặng Anh Quốc Cường, thợ làm tóc của tiệm tóc Ánh Minh (phường Phú Khương, TP Bến Tre) nói: “Đang làm tóc cho khách thì đột ngột cúp điện, thật là dở khóc dở cười”.

Ở tỉnh Long An, ông Lê Văn Bảy (ở xã Hướng Thọ Phú, TP Tân An), cho biết, khi cúp điện “phải ra vườn đứng dưới tán cây cho đỡ nóng”. Ở tỉnh Tiền Giang, bà Lê Thị Cẩm Nhung, chủ tiệm kem bán sỉ và lẻ ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, than thở, điện cúp mà không báo trước, kem và sữa chua của bà cũng không dám bán cho khách, vì mỗi lần mở cửa tủ ra thì hơi nóng vào làm chảy kem. “Tôi phải lấy thùng giấy che bên ngoài các tủ kem để giảm sức nóng trong tủ. Đến 17 giờ 30 điện có trở lại, mới hết lo”, bà Nhung nói.

Tại Sóc Trăng, bác sĩ Nguyễn Hoàng Các, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, cho biết: “Do cúp điện nên bệnh viện phải sử dụng máy phát điện để duy trì các hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, chi phí cho chạy máy phát điện quá cao so với sử dụng điện lưới. Cụ thể, mỗi giờ đồng hồ chạy máy phát điện hết 80 lít dầu, tính ra cũng gần 2 triệu đồng”. Ở huyện Mỹ Xuyên, ông Nguyễn Thanh Hùng, nông dân nuôi tôm, than thở: “Gia đình tôi sử dụng điện lưới cho việc chạy máy tạo khí ở 6 ao tôm. Bị cúp điện phải chạy máy dầu, tốn hàng trăm ngàn đồng mua dầu so với dùng điện”.

Đến khoảng 17 giờ 30 phút chiều qua, hầu hết địa phương có điện trở lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG