Giải cứu nền kinh tế: Chấp nhận bội chi?

Giải cứu nền kinh tế: Chấp nhận bội chi?
TP - Trao đổi với Tiền Phong, TS Trần Du Lịch (ĐBQH TPHCM) (ảnh nhỏ trong bài) cho biết: “Bây giờ không thể đổ lỗi cho một ngành hay một ông nào được. Muốn cứu nền kinh tế thì phải chữa từ nguyên nhân”.

Công cụ lãi suất không còn nhiều tác dụng

Năm 2012 tại Quốc hội, ông đã cảnh báo về “cục máu đông” gây nghẽn nền kinh tế. Mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu lên rằng “dòng tiền đóng băng” khiến nền kinh tế không thể có tăng trưởng?

Hiện nay tình hình kinh tế đã có khác một chút. Vào thời điểm này năm ngoái kinh tế bắt đầu nghẽn, do nợ xấu tăng và chính sách tín dụng thắt chặt để phục vụ cho mục tiêu kìm chế lạm phát, trước đó từ năm 2011, chúng ta đã hạn chế cho vay bất động sản.

Vì mục tiêu kìm chế lạm phát và đối phó nợ xấu làm tín dụng 2012 khó khăn. Cuối năm ngoái, chúng ta kêu gọi giảm lãi suất cho DN vay, nhưng giờ này công cụ lãi suất không còn nhiều tác dụng nữa. Thực tế, nhiều DN hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 8-9%/năm nhưng họ lại không có nhu cầu vay. DN đã bị yếu đi rất nhiều, khả năng hấp thụ vốn rất kém.

Như vậy, để xử lý tình hình hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào công cụ lãi suất thì không đủ, vì năm nay dư địa chính sách tiền tệ không còn lớn nữa.

Vậy để phá băng dòng vốn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất trong lúc này cần có những giải pháp gì?

Trong tình hình hiện nay, muốn vực dậy nền kinh tế, ngăn chặn tình trạng DN tiếp tục thua lỗ, phá sản, chúng ta phải nghĩ đến chính sách tài khóa. Đây là một quyết định rất khó khăn, nhưng tôi sẽ đề xuất với Quốc hội vấn đề này.

Ví dụ, chúng ta có chấp nhận tăng bội chi trong điều kiện hiện nay nữa hay không? Phải bội chi đủ để các địa phương có tiền trả nợ các dự án XDCB (đang nợ DN). Con số nợ XDCB theo tôi biết tuy chưa chính thức có thể lên đến 90 ngàn tỷ đồng hoặc hơn, nếu xử lý được vấn đề đó sẽ gỡ được một phần dòng vốn, tạo lan tỏa cho nền kinh tế.

Thứ hai, chúng ta có mạnh dạn đối với những công trình XDCB đã đầu tư năm, bảy chục phần trăm rồi đang thiếu vốn, chúng ta có tiếp tục không (?!).

Dĩ nhiên áp dụng biện pháp khó khăn này cần sự giám sát rất chặt chẽ của QH. Tại sao tôi nói là khó khăn, vì nợ công đã báo động rồi, bội chi đã lớn, nhưng nên áp dụng biện pháp này như là một biện pháp đặc biệt cho năm 2013-2014 để cùng với nó xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp.

Mặt khác, Chính phủ phải tập trung làm hiệu quả gói giải pháp theo Nghị quyết 02 ban hành đã gần nửa năm, trong đó có hỗ trợ tín dụng 30 ngàn tỷ đồng cho phân khúc nhà ở trung bình. Đây là phân khúc nhà phổ thông cho Hà Nội, TPHCM ở mức dưới 1 tỷ đồng, các địa phương khác dưới 500 triệu đồng. Loại nhà này nếu có thì chắc chắn có thị trường. Chúng ta không hy vọng cứu được thị trường bất động sản, nhưng sẽ có một phân khúc có thể làm ấm lại, tạo tiền đề dài hạn cho các năm sau.

Lui nợ để đòi nợ

Như vậy chính sách tài khóa phải triển khai ra sao, thưa ông?

Chính sách tài khóa có hai việc: Thứ nhất là sửa luật thuế TNDN ở mức thuế suất giảm xuống còn 20%. Bây giờ các DN đầu tư và đến lúc đó sẽ hưởng được mức ưu đãi thuế này, ngân sách cũng không thất thu nhiều. Còn ngắn hạn, cần một quyết định khó khăn, dũng cảm - tức là chấp nhận bội chi trong 1-2 năm tới, để trước mắt có số tiền trả nợ đọng XDCB từ ngân sách. Tôi nghĩ không còn phương thuốc nào nữa để kích thị trường như cách này.

Để làm tăng tổng cầu, ngoài gói hỗ trợ bất động sản, thưa ông chúng ta có nên bổ sung thêm gói nào khác?

Tôi nghĩ không nên. Bây giờ chúng ta chỉ hỗ trợ thị trường phần nào đó chứ chúng ta không làm thay thị trường. Chúng ta cũng không quá nóng ruột hay dùng những biện pháp làm méo mó thị trường nữa, phải để thị trường tự điều chỉnh. Mục tiêu năm nay, theo tôi ngoài gói 30 ngàn tỷ đồng cho bất động sản, phải xem lại theo phương thức tôi tạm gọi là lui nợ để đòi nợ. Dĩ nhiên ở đây cũng có hạn chế, phải tính toán. Nhưng phải lui nợ để đòi nợ như vậy mới đảm bảo từ nay đến cuối năm có thể tăng tín dụng mà không gây lạm phát.

Cảm ơn ông!

Tái cấu trúc quá chậm

TS. Trần Du Lịch
TS. Trần Du Lịch.
 

Bây giờ nếu đổ cho một ngành nào khiến nền kinh tế yếu kém kéo dài thì rất khó, bởi hiện nay có sự chồng chéo trong quản lý vĩ mô. Cái bất ổn này từ cơ cấu, từ gốc của vấn đề, cái đáng nói đó là chúng ta tái cấu trúc quá chậm.

 

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.