> Người Việt mưu sinh ở Angola: Giàu sang & nước mắt
> Cả ngàn người Việt lao động 'chui' ở Angola
Khổ vì phải đi chui
Theo thống kê của Cục Xuất nhập cảnh và Người nước ngoài (Angola), hiện có hơn 45.000 người Việt Nam đang cư trú và làm việc tại Angola. Đây là thị trường lao động phong phú, NLĐ chủ yếu làm các nghề giản đơn (như photocopy, xử lý ảnh, sửa chữa ô tô...), nhưng cho thu nhập 1.000-1.500 USD/tháng.
Bắt đầu từ năm 2009, nhiều lao động xây dựng Việt Nam đã được đưa sang Angola làm việc theo hình thức tự phát (tiểu ngạch). Tại thời điểm đó, có những ngày, hàng trăm NLĐ Việt Nam đặt chân đến Angola theo thị thực lao động. Tuy nhiên, trong số này, vẫn có một số người vì muốn sang Angola nhanh nên đã xin thị thực bình thường (thị thực du lịch).
Như vết dầu loang, ở nhiều vùng quê nghèo ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An, số thanh niên đăng ký đi Angola ngày một gia tăng. Nhà ít cũng phải có từ 1-2 người; nhà nhiều có từ 3-4 người tham gia. Thậm chí, tại Hà Tĩnh, bắt đầu xuất hiện nhiều khái niệm “làng Angola”, “xóm Angola” vì mọc lên nhiều căn biệt thự bạc tỷ từ nguồn tiền Angola gửi về.
Giám đốc một Cty chuyên lo thị thực đi Angola (tại Hà Nội) cho biết, chi phí để NLĐ sang Angola làm việc từ 6.000 đến 7.000 USD/người. Phần lớn lao động đi Angola là thanh niên (tuổi từ 18 đến 35).
Những tuyên bố của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH càng tạo cớ để cho các cơ quan chức năng Angola xua đuổi lao động Việt Nam ráo riết hơn. Tình cảnh khốn khổ của NLĐ Việt Nam hiện nay tại Angola là một vấn đề đáng quan tâm Ông Nguyễn Kiếm, nguyên Chánh văn phòng Bộ KH&ĐT |
Ông T.T (xin được giấu tên), giám đốc một Cty chuyên làm thủ tục cho NLĐ sang Angola cho PV Tiền Phong biết, vì Bộ LĐ-TB&XH chưa cấp phép nên việc đưa NLĐ sang Angola (dưới con mắt của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH) vẫn là “bất hợp pháp”. Theo ông T.T, thực tế, có nhiều Cty của Angola và Việt Nam muốn đưa lao động (Việt Nam) sang làm việc tại nước này, nhưng chưa có đơn vị nào được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép. Do đó, họ phải sử dụng môi giới để đưa lao động sang Angola.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện có nhiều Cty của Angola và Cty của Trung Quốc tại Angola đang đứng ra làm dịch vụ xin chỉ tiêu lao động cho người Việt Nam. Mức phí thường dao động 500-1.500 USD/người.
Các Cty này thường liên hệ với người Việt Nam (hoặc người Việt Nam liên hệ với họ) lập danh sách NLĐ cần sang Angola. Sau khi xin được giấy phép, họ chuyển cho người Việt Nam cùng toàn bộ hồ sơ của Cty để nộp vào Sứ quán Angola tại Bắc Kinh (trước đây) và tại Hà Nội (bắt đầu từ tháng 7/2012). Thực chất, các Cty này chỉ làm dịch vụ đưa NLĐ vào Angola, còn công việc của NLĐ họ không lo được.
Ngoài ra, vì Chính phủ Angola chỉ ưu tiên cấp thị thực xây dựng nên NLĐ Việt Nam sang Angola (để kinh doanh dịch vụ, xử lý ảnh, sửa chữa ô tô, xe máy...) đều lấy thị thực này và rủi ro cũng xảy ra từ đây.
Vì theo luật xuất nhập cảnh Angola, lao động làm việc sai địa chỉ (trong thị thực) sẽ bị coi là bất hợp pháp, bị bắt và thậm chí bị trục xuất về nước.
Bộ chủ quản đứng ngoài
Tại huyện nghèo Kỳ Anh, Hà Tĩnh mọc lên nhiều ngôi nhà bạc tỷ từ tiền NLĐ làm việc tại Angola gửi về. Ảnh: Anh Tuấn. |
Nhiều lao động cho PV Tiền Phong biết, khi tới Angola, các Cty xin giấy phép lao động chỉ chịu trách nhiệm đón NLĐ ra khỏi sân bay Quốc tế Luanda (Angola).
Việc gia hạn thị thực sau 365 ngày sẽ được Cty xin giấy phép lao động đứng ra thu xếp thông qua người môi giới với mức phí từ 1.000-2.000 USD/lần. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp NLĐ không biết được Cty xin giấy phép lao động cho mình có tồn tại hay không và địa chỉ ở đâu nên đành chấp nhận thông qua dịch vụ với chi phí rất đắt đỏ.
Hiện, việc làm của hơn 4,5 vạn NLĐ Việt Nam tại Angola đang bị đe dọa vì bị cho là làm việc chui. Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH vẫn đang đứng ngoài cuộc. Chính vì bị thả nổi, không được quan tâm đúng mức, nên gần đây đã xảy ra nhiều sự cố đau lòng liên quan đến NLĐ Việt Nam tại Angola.
Dư luận thắc mắc, tại sao một thị trường tốt, cho thu nhập cao như Angola, NLĐ đã đi làm việc hàng chục năm nay, nhưng Bộ LĐ-TB&XH lại không cấp phép cho bất cứ một Cty nào tham gia. Ông Nguyễn Kiếm, nguyên Chánh văn phòng Bộ KH&ĐT cho biết, vấn đề đáng bàn là NLĐ tuy đi bằng con đường tiểu ngạch, nhưng họ phải làm hộ chiếu, phải có hồ sơ pháp lý, phải có thị thực...
Chẳng lẽ khi NLĐ làm các công đoạn đó lại có thể qua mặt được tất cả các cơ quan chức năng. Buồn hơn, khi xảy ra sự cố, thay vì bảo vệ NLĐ, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH lại lên tiếng nói rằng “chưa bao giờ cấp phép cho họ” hoặc “giữa hai quốc gia chưa có ký kết hợp tác lao động”.
Còn nữa
Vì lao động Việt Nam sang Angola làm ăn giỏi nên đã xuất hiện nhiều ông chủ đứng ra thuê đất, nhận thầu các công trình, thành lập các Cty xây dựng, Cty sửa chữa, lập các hãng taxi, mở các cửa hàng dịch vụ... tạo việc làm cho đông đảo lao động Việt Nam và Angola. |