> Đồng thanh 'tố' thủy điện
> Đề nghị loại bỏ dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Cả hai phía ủng hộ và phản đối đều đang căng như dây đàn. Để rộng đường dư luận, Tiền Phong xin nêu quan điểm của cả hai phía.
Chủ tịch HĐQT Đức Long Gia Lai: Không phạm luật
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai – chủ đầu tư dự án, tin tưởng dự án không phạm luật.
Ông cũng tin tưởng Quốc hội công tâm sau chuyến thị sát địa điểm dự kiến đặt hai đập thủy điện ĐN6&6A của đoàn giám sát thuộc Ủy ban Khoa học Công nghệ&Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội.
Ông đánh giá thế nào buổi làm việc sáng 23/4 của Ủy ban KHCN&MT và các bộ ngành liên quan với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về thủy điện ĐN6&6A?
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào trách nhiệm và sự công tâm của hội đồng thẩm định cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Trường hợp dự án gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến môi trường mà không có giải pháp nào có thể khắc phục được, Chính phủ quyết định dừng thì chúng tôi chấp hành và không có ý kiến gì. Còn ngược lại thì rất khổ và tội cho doanh nghiệp Ông Bùi Pháp |
Ông Bùi Pháp: Tôi ngạc nhiên tại sao báo chí chỉ khai thác thông tin bất lợi cho chủ đầu tư. Ông Đỗ Đức Quân- Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Bộ Công thương, nhận định, với sản lượng điện gần 1 tỷ Kwh/năm, doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm, hai dự án ĐN6&6A có thể giúp giảm trên năm trăm ngàn tấn than đá (bốn triệu tấn than một năm ) lẽ ra nếu sản xuất nhiệt điện.
Ông Võ Đại Hải, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, khẳng định một lần nữa hai dự án ĐN6&6A đã được đưa vào quy hoạch chuyển đổi mục đích sử sụng đất từ đất lâm nghiệp sang xây dựng công trình thủy điện và đề nghị Thủ tướng chấp thuận sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt.
Môt số vướng mắc đã được điều chỉnh sau khi tách thành dự án hai bậc thang vừa tăng công suất vừa giảm tác động môi trường. Ông Hải cho rằng hai dự án có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, hoạt động bảo vệ rừng, tuy nhiên không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu, nội dung xác lập VQG Cát Tiên, nhất là khu vực ngập nước Bàu Sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.
Ông bình luận gì quanh ý kiến của tỉnh Đồng Nai về vấn đề pháp lý chưa đảm bảo, các tác động tiêu cực của dự án đến văn hóa bản địa, xã hội, môi trường?
Hai dự án vẫn trong quy hoạch đã được phê duyệt. Dự án công khai minh bạch toàn bộ thông tin, đảm bảo thủ tục pháp lý và thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đã và đang được các cơ quan quản lý nhà nước thẩm định.
Thế ông không nghĩ phần diện tích VQG Cát Tiên được sử dụng để xây dự án, doanh nghiệp không làm trái luật sao?
Hoàn toàn không. Khoản 2, Điều 25 Luật Đa dạng Sinh học, quy định: “Việc sử dụng đất và việc chuyển mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Theo đó, trước khi xây dựng dự án thủy điện, nhà nước cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là có thể đảm bảo yếu tố pháp lý cho việc xây dựng hai dự án này.
Tại cuộc họp ở Đồng Nai, nghe nói đại diện Ủy ban KHCN&MT không có ý kiến gì?
Lãnh đạo Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, cho rằng muốn phát triển kinh tế phải có điện và đánh giá cao lợi ích kinh tế mà hai dự án mang lại, mặt khác cũng cần xem xét tổng hòa các yếu tố môi trường, văn hóa, xã hội để đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài. Sau chuyến công tác này tôi mong chờ một báo cáo công tâm của Uỷ ban KHCN&MT.
Theo ông, Đoàn Đại biểu Quốc Hội (ĐBQH) Đồng Nai có khách quan không?
Sau chuyến công tác của đoàn Ủy ban KHCN&MT, tôi tin rằng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sẽ có nhiều thông tin thêm các vấn đề tại khu vực dự án liên quan đến hiện trạng rừng, tác động môi trường, dòng chảy hạ du, cộng đồng dân cư, di sản và di tích, đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc K’Ho, Châu Mạ, Stieng trong khu vực lân cận vùng dự án và các vấn đề tác động theo dư luận trong thời vừa qua
Sáu tháng qua, chúng tôi tổ chức lấy ý kiến của 32 xã thuộc bốn tỉnh chịu ảnh hưởng Kết quả tất cả đều ủng hộ xây dựng dự án, trong đó có chín xã ở Đồng Nai. Ngay cả 18 trạm bơm nước ven sông cũng ủng hộ.
Hôm đoàn Ủy ban KHCN&MT khảo sát, các ông đưa họ đi những đâu? Lãnh đạo Đồng Nai có ai đi cùng không?
Chúng tôi đưa họ đi khảo sát suốt hai ngày trời. Về phía Đồng Nai có phó giám đốc một số sở. Ai cũng thấy tại khu vực lân cận địa điểm xây dựng các dự án này có cả người sinh sống ngay trong vườn quốc gia. Cả một vùng mênh mông của rừng đã chuyển đổi sang trồng điều, đấy là vườn quốc gia …điều chứ làm gì còn rừng tự nhiên nữa.
Đại diện Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN): Phạm luật
Đại diện cho bảy nhà khoa học ở Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), Th.S. Lâm Thị Thu Sửu - Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Phát triển Xã hội, khẳng định dự án thủy điện ĐN6&6A vẫn phạm luật.
Tại cuộc họp với đoàn giám sát của Quốc hội ngày 23/4, lãnh đạo Đồng Nai tiếp tục đề nghị dừng hai dự án ĐN6&6A. Ảnh: Lý Hoa. |
Thưa bà, chủ đầu tư cho hay dự án không phạm luật, cụ thể là Luật Đa dạng Sinh học (ĐDSH)?
Th.S. Lâm Thị Thu Sửu: Điều 7 Luật ĐDSH Số 20/2008/QH12 ghi rõ những hành vi bị nghiêm cấm về ĐDSH, trong đó có việc “xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh”. Hai dự án ĐN6&6A không phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nên việc xây dựng hai công trình này vi phạm Điều 7 nói trên.
Nhưng trước khi xây dựng dự án thủy điện, chủ đầu tư chỉ cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất là có thể đảm bảo yếu tố pháp lý cho hai dự án?
Cũng Luật ĐDSH, Điều 11 có đoạn “Trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, trường hợp có sự khác nhau giữa quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch ngành, lĩnh vực, trừ quy hoạch quốc phòng, an ninh thì ưu tiên thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học”.
Chúng tôi cho rằng quy hoạch xây dựng thủy điện là thuộc quy hoạch ngành, do đó phải ưu tiên quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Ở đây, VQG Cát Tiên là quy hoạch bảo tồn ĐDSH đã có của cả nước. Như vậy, việc Bộ NN&PTNT điều chỉnh đất của VQG để làm thủy điện là vi phạm Điều 11 nói trên.
Các công văn và tờ trình liên quan đến chủ trương đầu tư ĐN6&6A sau thời điểm hiệu lực của Luật ĐDSH, tháng 7/2009, lẽ ra phải tham chiếu và điều chỉnh theo luật này. Nói cách khác, dự án ĐN6&6A đã bị vô hiệu do vi phạm Luật ĐDSH.
Đấy là chưa kể, cho đến thời điểm này, dự án ĐN6&6A chưa được Quốc hội Việt Nam thông qua chủ trương đầu tư. Cả thủy điện ĐN6 và ĐN6A, mỗi dự án đều có diện tích chiếm dụng vườn quốc gia trên 50 ha. Như vậy, chúng cần được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết Quốc Hội số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010.
Tuy nhiên báo cáo ĐTM mới nhất của chủ đầu tư vẫn không nêu căn cứ pháp lý này. Thay vào đó, báo cáo lại khẳng định “Chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư và quyết định đầu tư trên cơ sở kết quả thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của Bộ Công Thương”.
Quốc Dũng