'Sài Gòn', kênh đã thành sông…

'Sài Gòn', kênh đã thành sông…
TP - Dòng kênh Bến Nghé chia Sài Gòn làm đôi. Nửa phía Bắc của kênh Bến Nghé gồm trung tâm thành phố và Gò Vấp, Củ Chi cao ráo, người ta sống với nước mưa, nước ngầm. Nửa phía Nam với các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn thường chìm đắm trong thủy triều mặn lợ đổi theo từng giờ.
Một ngôi làng xã Hiệp Phước nằm bên dòng nước lớn
Một ngôi làng xã Hiệp Phước nằm bên dòng nước lớn.

Bắc thành phố với độ cao từ 10 đến 30 m so với mực nước biển, người dân ít khi biết đến bến thuyền. Nam thành phố, nơi cao nhất chỉ 5 m, trung bình 1 m, nhiều nơi bình độ 0,5 m so với nước biển.

Phố thành kênh

Thủy triều dâng cao, nước thủy triều từ biển lớn tràn sâu vào huyện lỵ, dân thường gọi là “triều cường”. Giờ nói tới triều cường ô nhiễm, tắc xe, tai nạn, nhưng anh Tiến, một thợ câu cá ở quận Tư nói rằng xưa người ta mong nước lên. Chài lưới, buông câu, bắt được những loại tôm cá lớn.

Những năm giữa thế kỷ trước người ta có thể bắt được tôm hùm hàng kilôgam ngay trong thành phố. Đứng bến Bạch Đằng câu cá biển dăm bảy ký về ăn. Đàn cá theo triều vào kiếm đồ rơi vãi của mấy nhà hàng.

Sông Sài Gòn sâu vài chục mét, cá lớn vào ra dễ lắm. Một miền huyện Cần Giờ toàn cây bần, cây đước, chẳng mấy bóng người, các loài cá biển muốn tìm món lạ trong đất liền tìm tới.

 Có nhà đang đêm thấy đất rung, kêu nhau chạy ra, sau đó nghe rầm một cái, nước đã cuốn đi cái nhà.

Anh Tuấn - một người dân ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè

Anh Phương một người chạy đò cười bảo rằng: “Mọi sinh hoạt của người dân chúng tôi không tính theo đồng hồ mà tính theo con nước. Đi thuyền, giăng lưới, thả câu, ma chay, cưới hỏi. Sống theo con nước, chết cũng phải đi theo con nước”. Nước lớn không chừng, đôi khi hai giờ sáng. Món quà thiên nhiên bất ngờ. Câu lưới mặc sức thả. Lúc triều rút, tôm cá thu đầy thuyền.

Nhưng, khi ấy giao thông dựa nhiều vào đường thủy. Anh Dũng nguyên giáo viên dạy ở Cần Giờ còn nhớ “những năm 1990, mỗi ngày chỉ vài chuyến xe chở khách đi về huyện, lắm hôm thầy giáo đứng mấy chục cây vì xe hết chỗ ngồi. Tôi thường phải đi thuyền, lên bờ đi bộ mấy cây số mới tới trường. Học sinh đều đi bộ cả”.

Thiên nhiên vẫn vậy, triều dâng đều đặn mỗi tháng, mỗi ngày, riêng thành phố đã khác xưa. Người đông, nhà cửa mọc lên khắp nơi. Năm 1996 tôi vào Sài Gòn tá túc trong nhà cố thi sĩ Lưu Trọng Lư bên kia cầu Khánh Hội.

Con đường làng hàng dừa soi bóng xuống dòng kênh như trong tranh lụa. Bây giờ phần đất ấy đã được cắt lập quận 7. Nhà cửa mọc khang trang, dân cư sống sung túc. Nhưng … dòng kênh thơ mộng hầu như đã biến mất, hàng dừa không còn nữa.

Lắm hôm trời xanh ngắt mà nước trên đường ngập nửa cái xe máy. Nước từ dưới đất chui lên. Biển ở dưới chân con người và vẫn nhắc nhở con người về sự tồn tại của nó. Đường đã hóa thành kênh.

Hồi chúng tôi mới vào Sài Gòn sống ở quận 7, đang đêm không mưa thấy nước dâng lên, sợ quá phải nâng nền nhà lên nửa mét. Cái ngõ thành suối, dân góp tiền, nâng lên. Nhà hàng xóm làm nền nhà cao hơn mặt ngõ cả mét, mỗi lần họ lao xe máy từ trên xuống như thể ta xuôi đèo… Tây Bắc.

Kênh đã thành sông

Sức người làm sao chống được thủy triều? Nước triều vẫn dâng. Lấp chỗ này nước sẽ trào dâng chỗ khác. Nước triều như con rồng vẫy vùng trong thế bị giam hãm. Thầy Công, một giáo viên tiểu học ở huyện Nhà Bè, gia đình sống ở xã Hiệp Phước “không tin vào trí tưởng tượng của mình”.

Anh Công chứng kiến kênh biến thành sông
Anh Công chứng kiến kênh biến thành sông.

Dòng kênh trước nhà thầy năm xưa rộng chừng 100 m, có cầu dây nhỏ vắt ngang qua. Giờ đây thủy triều lớn và tàu bè qua lại nhiều đã phá nát hai bên bờ, cuốn đi vô số đất cát. Dòng sông giờ rộng gần 300 m, phải làm cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua. Người dân nay gọi tên dòng kênh là sông Cầu Kênh.

Người dân ấp của thầy Công cứ lùi dần, lùi dần trước dòng nước lớn. Anh Chi, hàng xóm, thậm chí đã khóa nhà đi nơi khác ở.

Ven bờ sông được quy hoạch lộ giới 50 mét, sau thu lại 30 mét. Trong lộ giới ấy dân không được xây dựng gì kiên cố, nếu xây lên mà bị cuốn đi, chẳng biết ai bồi thường. Một cái kè đang được xây dựng như bức tường, nhằm ngăn không cho nước phá nhà dân. Dòng sông dài nên chỉ nơi nào đông dân mới xây một đoạn tường phòng thủ. Cái bờ tường chống thủy triều có móng hai lớp cọc cừ sâu 25 mét, trên xây tường bê tông cao mấy mét.

Cao ốc mọc trên kênh. Ảnh: T.N.A
Cao ốc mọc trên kênh. Ảnh: T.N.A .

Ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè có mương Chuối. Tên gọi của nó gợi khung cảnh nguyên thủy một con mương nhỏ, nhưng giờ đây mương Chuối rộng thênh thang, đứng từ bên này bờ nhìn qua bên kia xa ngái, gọi nhau không nghe thấy. Sông vẫn lở dữ dội. Nó không lở một bên như lẽ thường xưa nay bên bồi bên lở mà phá cả hai bên tả hữu.

Ước có khoảng 300 dòng kênh mương lớn nhỏ nối với nhau để thông thoát nước triều vùng Nam thành phố, tổng chiều dài hàng trăm cây số, nhiều dòng kênh bị thu hẹp thậm chí bị lấp đi. Áp lực thủy triều bào mòn những dòng chảy còn lại. Người ta cũng phải thường nạo vét thông những con kênh còn lại nhằm tăng sự tiêu thoát nước.

Bờ trái mương Chuối đã được xây kè. Bờ kè nom thật bé nhỏ trước dòng sông lớn. Bờ phải người ta đổ không biết bao nhiêu bao cát, bao đá, mà bờ vẫn lở. Cái quán nhậu đóng cửa bởi nước đã vỗ ngay dưới nền.

Anh Tuấn, một người dân ở đây kể: “Có nhà đang đêm thấy đất rung, kêu nhau chạy ra, sau đó nghe rầm một cái, nước đã cuốn đi cái nhà”. Một đoạn kênh xóm thôn sầm uất giờ tiêu điều bởi con nước, bến thuyền bỏ hoang.

Vùi lấp thiên nhiên?

Khi ngược lên quận 7, nơi đô thị hóa tốc độ nhanh, người ta dễ dàng nhìn thấy những dòng kênh tiêu thoát nước tự nhiên và nhân tạo của thiên nhiên và người xưa để lại đang chết dần.

Những tòa nhà to đẹp, lộng lẫy, dường như vô tình đè lên các dòng kênh uốn lượn mềm mại giữa các rừng dừa nước cổ xưa. Thậm chí có người còn “tư duy ngược” rằng thành phố nhiều kênh rạch quá nên việc tiêu thoát nước khó khăn. Bởi nhiều đoạn kênh bị lấp vùi hóa thành những ao tù, suối cạn, khiến nước tù đọng, ô nhiễm.

Những năm giữa thế kỷ trước người ta có thể bắt được tôm hùm hàng kilôgam ngay trong thành phố. Đứng bến Bạch Đằng câu cá biển dăm bảy ký về ăn. Đàn cá theo triều vào kiếm đồ rơi vãi của mấy nhà hàng. Sông Sài Gòn sâu vài chục mét, cá lớn vào ra dễ lắm. Một miền huyện Cần Giờ toàn cây bần, cây đước, chẳng mấy bóng người, các loài cá biển muốn tìm món lạ trong đất liền tìm tới.

Đứng bên một tòa nhà cao tầng mới xây, thấy phần sân của tòa nhà chiếm non nửa dòng kênh. Kè được xây lên, thực chất để lấn ra dòng sông mà tăng thêm diện tích sử dụng có lẽ không nằm trong quy hoạch, sổ sách. Dòng kênh biến thành tài sản riêng của một số người. Dòng kênh nước tù đọng bồi lấp tới mức người ta có thể đứng trên bờ dùng máy xúc để xúc cát để làm công trình.

Thầy Công có người bố đã già. Ông cụ nằm liệt trên giường. Họ sống trong ngôi nhà gỗ cấp bốn. Nằm trong lộ giới không được xây dựng sửa chữa lớn. Bố con thầy đã sống bên lộ giới và những dòng kênh lở vài chục năm nay, sống cùng con sóng vỗ bờ mà không biết phải làm gì.

Anh Tuấn ở mương Chuối nói câu chuyện tức cười nhưng có thật: “Công ty đang làm kè. Nghe nói một mét đất lở dân chúng tôi sẽ được bồi thường 4 triệu đồng. Đất cứ lở còn tiền bồi thường chưa thấy. E rằng, khi địa chính đến đo đất bồi thường cho dân họ sẽ chỉ thấy dòng nước trắng xóa, hỏi còn đâu đất để mà đo!”.

4/2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG