> Sáu đập thủy điện trên sông Sêrêpôk
> Vỡ thủy điện Đăk Mek 3: Xe ben bị oan!
Nhiều nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của thủy điện. |
Đa số du khách đến với Đăk Lăk đều đặt trước tour cưỡi voi ngắm rừng và chèo thuyền trên sông Sêrêpôk để cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, sự hùng vĩ của con sông đầy ghềnh thác có dòng chảy trôi ngược về phía Tây.
Sêrêpôk- dòng sông lớn thứ hai trên Tây Nguyên bắt nguồn từ lũng núi phía Nam Trường Sơn hiện đã có 6 đập thủy điện lớn chắn ngang dòng. Hậu quả của mùa hạn kéo dài suốt 6 tháng trên cao nguyên kết hợp với việc tích nước cho hồ chứa các nhà máy để xả theo giờ phát điện đã khiến phía hạ nguồn, lưu lượng của con sông không còn liên tục tuôn chảy mà trở nên thất thường, khi tràn bờ, khi khô khát.
Ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch HĐQT Cty Du lịch Sinh thái Bản Đôn rầu rĩ than: Mùa hạn năm trước doanh thu của Cty giảm 40%, còn năm nay mất hẳn 80% do khách chẳng còn hào hứng lưu trú, nằm trong nhà sàn chờ đêm về cũng chẳng mấy khi nghe tiếng thác đổ... |
Nghe nhiều cơ sở du lịch bên sông kêu cứu, chúng tôi vào tận nơi để xem hư thực thế nào. Tổn hại lớn nhất, là Cty Du lịch Sinh thái Bản Đôn, nơi đã chọn điểm đầu tư hàng chục năm qua tại khu vực Thác Bảy Nhánh thuộc buôn N’DRêch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần bốn mươi cây số về hướng Tây. Đây là một trong những thắng cảnh đẹp nổi tiếng, một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
Dòng Sêrêpôk chảy đến nơi này thì va vào một ghềnh đá lớn, đành chia thành 7 nhánh chảy quanh 6 hòn đảo nhỏ tươi xanh. Từ máy bay nhìn xuống, có thể thấy trọn vẹn hình thác trông như bàn tay khổng lồ có bảy ngón xòe ra, nơi rộng nhất đôi bờ cách nhau tới gần 2 km.
Các nhánh thác gần bờ bên này rợp mát bóng si già, là nơi Cty Du lịch Sinh thái Bản Đôn đã xây dựng hệ thống cầu treo cho du khách dạo trên những nhịp cầu đong đưa nhún nhảy ra tận bãi cát vàng giữa sông để chơi đùa, nhâm nhi rượu cần với cơm lam gà nướng, thưởng thức những món ngon độc đáo núi rừng như kiến vàng bóp cải xanh, canh chua cá mõm trâu nấu với lá giang và chụp ảnh lưu niệm. Nếu cưỡi voi, thì lội hết nhánh thác thứ bảy sang bên kia bờ sẽ đến rừng nguyên sinh do Vườn Quốc gia Yok Đôn quản lý.
Bên bờ sông này, nhiều lần huyện đã tổ chức lễ hội voi và cồng chiêng. Tại đó, những con voi Bản Đôn đồ sộ được công chúng cổ vũ nồng nhiệt khi hăng hái chạy nhanh về đích, thi ném gỗ, hoặc khéo léo đá banh vào khung thành. Còn trên mặt sông chảy xiết, các nhóm thủy thủ vạm vỡ gò lưng chèo những con thuyền độc mộc cắm cờ đỏ rực trong tiếng reo hò của hàng nghìn du khách…
Nhưng những sinh hoạt lành mạnh, vui nhộn đó không còn nữa vào mùa này, khi mặt sông khô trơ đáy, mỗi nhánh thác trở thành một dải đá tảng lổm ngổm voi không thể qua, thuyền không thể chèo, rặng si không còn đủ nước để soi bóng. Lưu lượng nước được các đập chặn dòng chừa lại chỉ đủ chảy chậm trong nhánh thác thứ bảy nhỏ hẹp tận bên kia sông.
Ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch HĐQT Cty Du lịch Sinh thái Bản Đôn rầu rĩ than: Mùa hạn năm trước doanh thu của Cty giảm 40%, còn năm nay mất hẳn 80% do khách chẳng còn hào hứng lưu trú, nằm trong nhà sàn chờ đêm về cũng chẳng mấy khi nghe tiếng thác đổ...
Ông Lê Hoàng Cơ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đăk Lăk cho biết: Hiệp hội từng làm việc với một số nhà máy thủy điện trên thượng nguồn. Do các nhà máy chỉ xả nước khi phát điện theo giờ huy động nguồn của ngành Điện, nên không thể có lịch xả nước theo đúng định kỳ để chia sẻ khó khăn với ngành du lịch.
Vài tháng nữa, khi nước 20 km sông ở đoạn này bị dẫn luôn sang kênh đào nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4A, e rằng hoạt động du lịch kiểu truyền thống khó tồn tại ...