Tránh tư duy theo lối nhiệm kỳ

Tránh tư duy theo lối nhiệm kỳ
TP - Các chuyên gia trong bảo tàng khuyến cáo cần hết sức thận trọng nếu không muốn để xảy ra tình trạng tiền đầu tư rất nhiều mà khách vắng như Chùa Bà Đanh.

> Cần nhưng có vội?
> Bảo tàng Khoa học Đồng Nai: 1.400 tỷ có khả thi?

Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh bảo tàng hiện nay, GS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chia sẻ một thực tế phần lớn các bảo tàng ở Việt Nam, đặc biệt là các bảo tàng ở địa phương đều thưa vắng khách, thậm chí có bảo tàng gần như không có khách thăm quan. Số lượng bảo tàng hút khách ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay trong tổng số hơn 130 bảo tàng của cả nước.

Nhiều bảo tàng không được đầu tư đúng mức, đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất không có. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác, theo GS Huy, chính là tư duy theo lối nhiệm kỳ.

Đó là tư duy ăn xổi phục vụ các ngày kỷ niệm, chạy đua với thời gian mà không chú trọng đến phương án trưng bày, công tác sưu tầm hiện vật, đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề. Đây là cách tư duy rất nguy hiểm, gây lãng phí lớn.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cũng cho hay xây dựng một bảo tàng khoa học là việc nên làm nhưng phải hết sức thận trọng giữa cái cần, cái phát huy, cái đầu tư . Vấn đề không phải là bao nhiêu tiền mà là câu chuyện dùng số tiền ấy như thế nào, làm sao để đạt được hiệu quả.

GS Huy cho hay chỉ nên làm bảo tàng với một tư duy hoàn toàn mới từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên. Còn với tư duy phổ biến như bây giờ ở những người chủ quản công tác bảo tàng, những người làm bảo tàng hiện nay thì chưa đáng đầu tư.

Xây dựng bảo tàng không đơn thuần là xây dựng một công trình kiến trúc. Để bảo tàng hoạt động hiệu quả phải tổ chức toàn bộ hệ thống có hiệu quả. Quan trọng nhất là con người. Phải đào tạo được đội ngũ cán bộ, trong đó có các nhà khoa học làm bảo tàng khoa học.

Bên cạnh đó là việc hoạch định nội dung trưng bày, kế hoạch sưu tầm tư liệu hiện vật, xây dựng mô hình trưng bày, phương án trưng bày. Tất cả những việc đó, theo GS, cần một kế hoạch dài hơi với một lộ trình cụ thể.

Chúng ta phải tính đến những dự án 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm cho một bảo tàng. Phải chia ra nhiều giai đoạn. Bảo tàng Dân tộc học phải chuẩn bị 15-20 năm mới hoàn thành. Vì thế, theo GS Huy, lộ trình đến năm 2018 có bảo tàng khoa học sẽ khó trong bối cảnh Việt Nam chưa có bảo tàng khoa học nào.

GS.TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hà Nội, bày tỏ: “Mỗi năm Việt Nam đầu tư cho KHCN khoảng một tỷ USD. Nhiều nhiệm vụ KHCN trọng tâm đang cần vốn đầu tư. Kinh tế lại đang khó khăn. Vì thế, việc xây dựng bảo tàng có thể hoãn lại để chọn một thời điểm phù hợp hơn chăng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG