> Lại trách ông trời
> Chưa mùa khô, đã khát vì thủy điện
> Đòi lại nguồn nước từ thủy điện Đăkmi 4
Thủy điện Đăkmi 4 không xả nước sang Vu Gia theo lệnh Phó Thủ tướng vì chưa có quy trình (ảnh lớn). Ông Nguyễn Ngọc Quang (trái) và ông Huỳnh Vạn Thắng (ảnh nhỏ) Ảnh: Nam Cường. |
Cuộc họp ngày 31/3 tại Đà Nẵng, dưới sự chứng kiến của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) bàn cách giải quyết vấn đề khô hạn vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn vẫn chưa ngã ngũ bởi lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam có quan điểm trái chiều. Cuối cùng chỉ là một giải pháp tạm thời được đưa ra.
“Trời làm khó ta"
Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay, mới chớm mùa khô nhưng hạ du sông Vu Gia đã thiếu nước nghiêm trọng nhất trong 40 năm trở lại đây.
Ngoài việc dành nước cho sinh hoạt, hiện Đà Nẵng còn phải tập trung cứu 3.000 ha lúa, trong đó, hơn 1.000 ha lúa bị hạn rất căng thẳng và gần như mất trắng nếu Đăkmi 4 tiếp tục giữ lập trường cắt nước Vu Gia.
Tính toán cho thấy, lưu lượng chảy tự nhiên của sông Đăkmi (chảy qua Đăkmi 4) là 30 – 40m3/s, vậy thì không lý gì Đăkmi 4 không chia nước. Nếu các ông cố tình không chấp hành, chúng tôi kiến nghị Chính phủ lấy lại toàn bộ nước của Đăkmi 4 sang Vu Gia, các ông chịu nổi không?. Theo ông Nguyễn Trường Ảnh - Giám đốc Cty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng |
Theo ông Nguyễn Trường Ảnh- Giám đốc Cty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng: Nguồn nước sông Cầu Đỏ tại Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ bị nhiễm mặn kéo dài từ đầu năm đến nay.
Nhà máy ngừng lấy nước tại đây và toàn bộ nước thô được lấy tại Trạm bơm An Trạch để cấp cho các nhà máy với khoảng 180.000m3/ngày. “Nếu sử dụng nước ở An Trạch thường xuyên sẽ hay xảy ra sự cố do NMN Cầu Đỏ quá tải, mà vụ mất nước 3 giờ toàn Đà Nẵng vào ngày 29/3 là một ví dụ”.
Theo ông Thắng, trước khi có Nhà máy thủy điện Đăkmi 4, NMN Cầu Đỏ khoảng 5 năm nhiễm mặn 1 ngày, 10 năm mới nhiễm mặn 3 ngày, còn bây giờ thì như cơm bữa. Đến nay, Đà Nẵng và Quảng Nam cần phải bắt buộc Đăkmi 4 xả 25m3/s qua hệ thống Vu Gia.
Ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Chúng ta ngồi đây bàn với nhau một giải pháp hài hòa, chứ biết trách ai. Có trách thì trách ông trời. Ông trời làm khó chúng ta chứ chúng ta không làm khó nhau”.
Ai ra lệnh xả?
Tranh cãi về việc lãnh đạo Nhà máy thủy điện Đăkmi 4 không chịu xả nước qua sông Vu Gia tiếp tục gay gắt khi ông Huỳnh Vạn Thắng lên tiếng: “lãnh đạo Nhà máy Đăkmi 4 viện dẫn chưa có quy trình điều tiết nước cho mùa kiệt (quy trình này phải do Bộ TN&MT ban hành – PV). Các ông nên phát ngôn cẩn thận bởi chúng tôi chưa bao giờ đòi các ông xả khi hạ du đủ nước. Ngược lại, mùa kiệt, các ông cần phải tuân thủ Luật Tài nguyên nước. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và cách kiểm soát lượng nước tự nhiên chảy vào hồ các ông là bao nhiêu. Trước mắt, các ông cần phải tạm ngưng phát điện, tích nước để đến mùa khô phải xả về sông Vu Gia”.
Lãnh đạo nhà máy thủy điện cũng có nỗi khổ của họ. Xả nước sang sông Thu Bồn thì còn phát điện, đẻ ra tiền chứ xả sang sông Vu Gia thì coi như xả không. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Phía Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Quang phản bác: “Ai ra lệnh xả 25m3/s? Hỏi quanh chả biết ông nào ra lệnh cả. Xả 25m3/s không phải cứ là đóng cắt cầu dao đâu, còn liên quan nhiều thứ mà hiện nay vẫn chưa có quy trình. Nói thế tội cho thủy điện chứ”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Xuân Yến – Giám đốc Cty CP thủy điện Đăkmi 4 cho hay, ngoài thỏa thuận với Quảng Nam không xả về Vu Gia, đúng là Đăkmi 4 không thể thực hiện xả 25m3/s vì chưa có quy trình nào ban hành. Hiện tại cứ như thế, lúc nào có quy trình hẵng hay.
Dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Tĩnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi, cuối cùng một phương án tạm thời được đưa ra: Chặn dòng sông Quảng Huế (chia nước Vu Gia sang Thu Bồn) bằng bao cát, tập trung nước về Ái Nghĩa (sang Đà Nẵng). Thủy điện Đăkmi 4 xả toàn bộ nước (vẫn qua cửa sông Thu Bồn) với lưu lượng 50m3/s từ ngày 15 đến 30/5 tới để gieo sạ vụ hè thu.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, tất cả chỉ là tạm thời, sắp tới Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu phương án lâu dài.