> Tăng đối thoại giải quyết bức xúc của dân
> Tăng cường đối thoại, tiếp dân tại cơ sở
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, phạm vi điều chỉnh của luật này là cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên chức năng nhiệm vụ chỉ dừng lại ở “tiếp để chuyển”, nghĩa là các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị chỉ tiếp nhận ý kiến của dân và chuyển tới các cơ quan liên quan để xem xét giải quyết, còn trách nhiệm, thẩm quyền thì đã có các luật khác điều chỉnh.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc Hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho rằng quan trọng là tiếp dân rồi có giải quyết được việc hay không, hay lại chỉ như “chim đưa thư”.
Nên có quy định cụ thể trách nhiệm của nhóm chủ thể tiếp dân. Theo đó, các cơ quan hành pháp, tư pháp khi tiếp nhận đơn thư của người dân là phải giải quyết vụ việc cho đến tận cùng.
Đại biểu dân cử tiếp công dân là để lắng nghe thông tin, thu thập thông tin để từ đó tiện cho công việc giám sát, chất vấn, thậm chí phục vụ cho khâu bỏ phiếu cán bộ. Đại biểu dân cử không có chức năng đứng ra giải quyết các vụ việc, nhưng phải giám sát người tiếp công dân và việc xử lý các khiếu nại.
Theo ông Hùng, vấn đề ông ấp ủ từ ngày làm Chủ tịch QH là phải sửa Luật Giám sát để nâng cao năng lực, quyền hạn giải quyết vấn đề của đại biểu dân cử. Như vậy công tác tiếp dân mới đạt hiệu quả thiết thực thay vì chỉ có chức năng “kính chuyển”.
Về “trụ sở tiếp công dân”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “trụ sở thì không thiếu, vấn đề là tiếp rồi có giải quyết không?”. Theo ông, thiết kế trụ sở tiếp dân ba cấp là Trung ương, UBND và sở như thế là đúng. Ông cũng lưu ý: “Lập cơ quan tiếp dân rất to để ra tiếp nhưng không giải quyết gì thì rất phản cảm”.