Đề xuất thành lập Tòa án Hiến pháp

Đề xuất thành lập Tòa án Hiến pháp
TP - Hôm qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến của ngành tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến của ngành tư pháp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, các cơ quan thuộc Bộ, thuộc ngành tư pháp đã góp ý rất chi tiết, tập trung vào các nội dung đang được dư luận quan tâm sửa đổi, bổ sung.

> Hiến pháp phải thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân
> Hội đồng hiến pháp phải có thực quyền

Về Chương X, trong đó có quy định Hội đồng Hiến pháp, theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, đã có 251 ý kiến đóng góp, trong đó tỷ lệ tán thành với toàn bộ dự thảo của Chương là rất thấp, 35/251 ý kiến.

Sở Tư pháp Sóc Trăng và Sở Tư pháp Bà Rịa - Vũng Tàu cùng quan điểm cho rằng Hội đồng Hiến pháp theo dự thảo cũng chỉ như cơ quan “tham mưu” cho Quốc hội, vì chỉ có kiến nghị, không thể hiện rõ ràng sự kiểm soát quyền lực.

Quy định như dự thảo chưa đủ mạnh để Hội đồng Hiến pháp thực sự có chức năng bảo hiến. Hội đồng Hiến pháp phải có quyền đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp.

Sở Tư pháp Quảng Bình và Nghệ An đề xuất thành lập Tòa án Hiến pháp và cơ quan này phải có chức năng phán quyết chứ không chỉ nêu kiến nghị chung chung. Chẳng hạn khi kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, nếu thấy nó vi hiến là phải bãi bỏ ngay chứ không phải kiến nghị.

Tham gia góp ý tại Hội nghị, Ths. Trần Ngọc Định, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng phương án tối ưu nhất là đổi thành Tòa án Hiến pháp. Nếu còn có ý kiến băn khoăn về việc tư pháp kiểm soát lập pháp thì có thể định danh theo mô hình Hội đồng Bảo hiến.

“Hội đồng Bảo hiến cần được giao quyền tài phán hay nói cách khác là quyền ra phán quyết đối với các vi phạm hiến pháp trong các hoạt động lập pháp, hành pháp. Tư pháp cần độc lập và có thể được giám sát theo cơ chế khác thông qua Quốc hội hiện nay”- Ths. Định đề xuất.

Đề nghị Chủ tịch nước có quyền miễn nhiệm thành viên Chính phủ

Theo Dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến của ngành tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nội dung Chủ tịch nước (chương VI) cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp (90 ý kiến).

Nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện các quyền và trách nhiệm của Chủ tịch nước.

Sở Tư pháp Quảng Ninh đề nghị bổ sung quy định (tại Khoản 1 Điều 93): “Chủ tịch nước, trong thời gian Quốc hội không họp, theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, có quyền miễn nhiệm, cách chức các chức danh của Chính phủ do Chủ tịch nước bổ nhiệm như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Để đảm bảo vị trí, vai trò của Chủ tịch nước được thực quyền hơn, Sở Tư pháp Lâm Đồng đề nghị cần xây dựng một số quy định về quyền của Chủ tịch nước đối với cơ quan hành chính, toà án, viện kiểm sát, tạo cơ chế đầy đủ, toàn diện đối với việc kiểm soát quyền lực giữa hệ thống các cơ quan.

“Cần bổ sung quyền của Chủ tịch nước được chủ trì, yêu cầu Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC họp giải trình về việc giải quyết các vấn đề bức xúc trong xã hội”- Sở Tư pháp Lâm Đồng đề xuất.

Các ý kiến cũng đề nghị dự thảo cần quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân...

Đề nghị quy định Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo trước nhân dân

Về Chương VII, các ý kiến cũng cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới chỉ bổ sung quy định trách nhiệm của Thủ tướng báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban TVQH và Chủ tịch nước, còn trách nhiệm của Thủ tướng trong việc báo cáo công tác trước nhân dân thì chưa được quy định.

Các ý kiến đề nghị quy định Thủ tướng cũng phải có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về công tác của mình. Đây cũng là một phương thức để nhân dân có được cơ chế giám sát hoạt động của Thủ tướng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG