Hàng ngàn người khấn vái một con rắn

Hàng ngàn người khấn vái một con rắn
TP - Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hàng nghìn người đổ về thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang để xem, khấn vái một con rắn bởi tin đây là “thần rắn” hiển linh.

> Sự thật về ‘thần xà’ hiển linh ở Việt Nam
> Bác tin đồn ‘rắn thần’ ở Lào Cai

Điểm xuất hiện của rắn thần là phía sau ngôi chùa Tân Ninh, một ngôi chùa khá cổ kính và đã được xếp hạng di tích lịch sử. Đây là một khu đất trống tuy nhiên từ khi rắn thần xuất hiện người ta đã cho dựng bạt đồng thời đặt bàn thờ, bát hương để hằng ngày cúng tế. Hang của rắn thần nằm dưới một bức tường đổ nát. Xung quanh nơi rắn thần ngự có 5 cây gỗ chết khô, mỗi cây có đường kính khoảng 40cm.

Có mặt tại đây khoảng 10 giờ sáng ngày 11-3, chúng tôi thấy nhiều người xuýt xoa: Các cháu đến thật đúng lúc bởi lúc này là giờ Tỵ (giờ Rắn) và cũng là thời điểm rắn thần xuất hiện. Xung quanh hang của rắn thần đã có khoảng 30-40 người tụ tập. Một số cụ già còn mang cả trầu cau đến têm, đặt cả một bình nước lọc đến để cho mọi người uống.

Trước cửa hang có khoảng 4-5 người đang đứng chắp tay mời “thần” hiển linh. Tại các gốc cây xung quanh cửa hang treo mấy bức ảnh thần rắn trong các tư thế và vị trí khác nhau được lồng trong khung gỗ trang trọng.

Cận cảnh rắn thần
Cận cảnh rắn thần.

Một số người có mặt tại đây cho biết họ ở tận TP Bắc Giang, Bắc Ninh và các huyện lân cận như Yên Dũng, Lục Nam… nghe tin có rắn thần xuất hiện cũng kéo về xem. Tuy nhiên, không phải ai cũng được diện kiến rắn thần bởi có những ngày thần không hiển linh. Khoảng gần 10 rưỡi, trời bắt đầu nắng to thì có tiếng người reo lên vui sướng: Rắn thần lên!

Theo đám đông xúm xít quanh miệng hang chúng tôi nhận thấy từ trong hang nhỏ ở chân tường, một chú rắn màu nâu vàng, dài khoảng 80 cm với cái đầu nhỏ từ từ trườn lên. Nhiều người mang máy điện thoại ra quay, chụp ảnh. Rắn lặng lẽ bò ra và nằm dài trên bức tường.

Một cụ già tự giới thiệu với tôi là “già làng” đứng lên cúng khấn gì đó. Sau đó mọi người thi nhau vái, bỏ tiền vào chiếc ban thờ, một số người còn nhờ cụ ông này khấn giúp với thần rắn và xin lộc từ thần.

Muôn chuyện ly kỳ

Theo lời ông Hòa, người tự giới thiệu là “già làng” thì thần rắn xuất hiện từ mồng Một Tết Nguyên đán. Đến ngày mồng 2 Tết, khi có người đến vận chuyển đống cát gần nơi thần ngự thì chiếc xe ô tô không thể nổ máy được (?).

“Thần rắn linh lắm, có người đến xem, không tin, nói xấu thần vậy là đêm về luôn mơ thấy hai người cầm gậy đứng hai bên đầu giường rồi phóng uế bừa bãi cả trên giường. Đến khi mang lễ đến đây tạ thì mới yên” – Một cụ già kể.

Chỉ là mê tín dị đoan

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND và ông Ngô Khải Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh cho biết: Nhìn bên ngoài con rắn này có vẻ giống rắn nước hoặc một loài rắn bắt chuột nhưng chưa thể khẳng định đây là loại rắn gì. Từ đầu năm nay, xã đã biết việc này và đã cảnh báo đến tất cả các bí thư chi bộ, trưởng thôn và ban ngành trong xã, thôn đây là hiện tượng mê tín dị đoan.

“Lợi dụng hiện tượng này, một số thầy đồng, thầy cúng ở các nơi kéo về nhưng chúng tôi kiên quyết ngăn chặn. Chúng tôi cũng chỉ đạo công an thường xuyên bám sát khu vực, treo biển cấm tụ tập đông người” - ông Hà nói.

Theo ông Ngô Khải Hoàn thì các biện pháp của chính quyền đã có tác động không nhỏ. Lượng người đến xem, khấn vái tại đây đã giảm đi nhiều so với thời gian trước. Tính đến ngày 8-3, đã có hàng nghìn lượt người đến xem thần rắn và bỏ tiền vào bàn thờ thần với số tiền lên tới hơn 20 triệu đồng.

Toàn bộ số tiền này hiện vẫn được chùa Tân Ninh giữ cẩn thận. Việc một số người dân trong thôn có ý định xây dựng miếu, chính quyền cũng đã biết nhưng sẽ kiên quyết không cho phép. “Tuy nhiên không phải ngày một ngày hai để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này” - ông Hoàn nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.