> Đắk Lắk đề nghị cấp 150 tỷ đồng chống hạn
> Khô hạn bao phủ miền Trung, Tây Nguyên
Mặn vào đất liền sâu hơn sớm hơn
Từ đầu năm đến nửa đầu tháng 3-2013, một vài đợt mưa trái mùa do ảnh hưởng của bão số 1 và áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện ở Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ. Tuy nhiên diện mưa không rộng, lượng mưa ít và không đồng đều.
Tổng lượng mưa tháng ở khu vực Tây Nguyên thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN); đặc biệt, Bắc Tây Nguyên từ đầu năm đến nay không có mưa.
Từ tháng 1 đến đầu tháng 3, dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên đều hụt nhiều so với TBNN. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Tây Nguyên thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ khoảng 10-30%; các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thiếu hụt 30-70%.
Trên một số sông đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ như các sông Trà Khúc, sông Cái (Nha Trang), sông Srêpok tại Bản Đôn. Riêng sông Đăkbla tại Kon Tum đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.
Hầu hết các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã xuất hiện khô hạn, đặc biệt trầm trọng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống.
Nam Bộ cũng không khá hơn. Từ đầu năm tới nay, dòng chảy ở trung, thượng lưu sông Mekong luôn cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 20 – 30%, nhưng ở hạ lưu thấp hơn từ 10 - 20%.
Khô hạn đã xảy ra ở nhiều vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mặn vào sâu nội đồng xuất hiện sớm hơn một tháng so với TBNN. Hiện nay, độ mặn đã vào sâu 40-50km; một số nơi thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, mặn lan tới 50 – 60km với độ mặn lên đến 3-4‰.
Khô hạn cũng khiến hàng loạt hồ cạn nước. Đến cuối tháng 2, phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và Quảng Nam còn từ 80% so với dung tích thiết kế; các tỉnh khác còn 50%; riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận chỉ còn 10-30%.
Mực nước trên hầu hết các hồ chứa thủy điện đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5-9,0m, một số hồ thấp hơn rất nhiều như Cửa Đạt thấp hơn 31,4m (-31,4m); A Vương -27,75m; Sông Tranh 2 -34,85m;
Khô hạn có thể đến tháng 8
Mặc dù có khả năng mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ đến sớm hơn so với bình thường, tức vào khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5, khô hạn vẫn được nhận định kéo dài đến tận tháng 7, thậm chí tháng 8, ở một số nơi.
Tại Trung Bộ, Nam Bộ, và Tây Nguyên, lượng mưa nửa cuối tháng 3 có khả năng ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ. Dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận và Tây Nguyên tiếp tục giảm và luôn ở đều hụt so với TBNN cùng thời kỳ khoảng 10-30%. Khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt hơn, rộng hơn ở Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4.
Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, cuối tháng 5 đầu tháng 6, có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn nhưng không lớn. Từ giữa tháng 3 đến tháng 7, dòng chảy trên hầu hết các sông đều hụt hơn so với TBNN từ 30-40% cùng kỳ. Thiếu nước, khô hạn tiếp tục xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài đến hết tháng 7.
Từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, dòng chảy trên hầu hết các sông đều có xu thế giảm dần đến cuối tháng 8 và hụt hơn so với TBNN từ 40-50% cùng kỳ, có nơi thấp hơn. Thiếu nước, khô hạn tiếp tục xảy ra trên diện rộng và kéo dài đến cuối tháng 8. Kéo theo là xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển.
Tại Tây Nguyên, tình trạng trên kéo dài đến cuối tháng 4, ở Trung Bộ đến tháng 7, tháng 8. Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, dòng chảy ở hạ lưu sông Mekong tiếp tục giảm chậm. Khô hạn tiếp tục có xu hướng mở rộng ở ĐBSCL. Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng sẽ nghiêm trọng hơn và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4.