> Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tới 30-9
> Tập hợp ý kiến tránh phiến diện, xuôi chiều
Dự thảo Hiến pháp chỉ quy định những vấn đề cơ bản nhất liên quan địa vị pháp lý, chức năng cơ bản của các cơ quan này. Các vấn đề khác do luật định.
Từng đề xuất nhiều phương án
Việc nghiên cứu cơ chế, cơ quan bảo hiến thực sự được tiến hành một cách mạnh mẽ sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Nội dung này sau đó được tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 làm cơ sở cho việc nghiên cứu và xây dựng cơ quan bảo vệ Hiến pháp ở nước ta.
Nhiều công trình nghiên cứu gồm cả nghiên cứu so sánh các kinh nghiệm nước ngoài, thực tế và nhu cầu bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay để đề xuất mô hình cơ chế bảo hiến phù hợp.
Việc quy định như trong Dự thảo cũng không thực sự trả lời được câu hỏi “Ai tuýt còi Quốc hội?” trong trường hợp có nguy cơ một đạo luật vi hiến vẫn có thể được cơ quan lập pháp thông qua dù đã có khuyến nghị của cơ quan bảo hiến |
Các mô hình được đề xuất theo một số phương án: Thành lập Hội đồng Hiến pháp (Hội đồng Bảo hiến) hay Ủy ban Hiến pháp trực thuộc Quốc hội - hoạt động như các ủy ban khác của Quốc hội với chức năng chuyên trách giúp Quốc hội giám sát việc thực hiện Hiến pháp và kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật trước khi đạo luật được ban hành;
Thành lập Tòa án Hiến pháp với chức năng phán quyết các vi phạm Hiến pháp gồm có cả các luật, nghị quyết của Quốc hội (giám sát trước và giám sát sau), các văn bản dưới luật hoặc văn bản, hành vi của các cơ quan hành chính; kiểm tra tính hợp hiến của các hoạt động bầu cử, trưng cầu ý dân; giải quyết khiếu kiện Hiến pháp;
Thành lập Hội đồng Bảo hiến độc lập với chức năng chủ yếu là giám sát trước các luật, nghị quyết do Quốc hội thông qua trước khi được công bố; giám sát việc thi hành hiến pháp của các cơ quan nhà nước khác; kiểm tra tính hợp hiến của các hoạt động bầu cử, trưng cầu ý dân và chức năng tư vấn;
Giao thẩm quyền giám sát hiến pháp cho Tòa án tối cao. Tòa án tối cao sẽ được giao thêm thẩm quyền giám sát hiến pháp, ra phán quyết đối với các vi phạm Hiến pháp, giải quyết các tranh chấp về quyền cơ bản, hiến định của công dân.
Trong các Dự thảo chính thức cũng có sự thay đổi rất khác nhau về quan điểm xây dựng cơ quan này. Tờ trình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngày 19-10-2012 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội khóa XIII không có đề xuất về cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên trách mà đề xuất giữ nguyên cơ chế hiện nay.
Qua thảo luận, ĐBQH trong đó có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu bảo vệ Hiến pháp và thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp tại Việt Nam hiện nay, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhu cầu mở rộng dân chủ và kiểm soát quyền lực nhà nước trong giai đoạn mơi.
Cần cơ chế đủ mạnh
Dự thảo lấy ý kiến nhân dân ngày 2-1-2013 đã bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp với các đặc điểm: Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập.
Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Hiến pháp do Quốc hội phê chuẩn.
Không có các quy định Hội đồng Hiến pháp phải báo cáo, chịu trách nhiệm hay chịu sự chất vấn của Quốc hội. Cơ chế trách nhiệm, thành phần, trật tự hình thành của cơ quan này nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả hoàn toàn không được đề cập trong Hiến pháp mà để cho luật của Quốc hội quy định.
Theo Dự thảo, Hội đồng Hiến pháp chỉ có chức năng giám sát sau, nhằm đảm bảo tính hợp hiến của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của QH, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, Viện KSNDTC.
Khi phát hiện có hiện tượng vi hiến, Hội đồng Hiến pháp không có quyền ra phán quyết về tính hợp hiến, hủy bỏ hay bãi bỏ văn bản đó mà chỉ có các quyền đề nghị, kiến nghị hoặc trình cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ.
Hội đồng Hiến pháp còn có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước trước khi trình Quốc hội, Chủ tịch nước phê chuẩn.
Là một thiết chế mới được bổ sung và có vai trò quan trọng trong bảo vệ Hiến pháp nhưng Dự thảo đã thiết kế một cơ quan bảo vệ Hiến pháp với cơ chế bảo vệ rất yếu.
Gần như chỉ là sự bổ sung cho cơ chế hiện nay theo nghĩa thành lập một cơ quan tư vấn giúp cho Quốc hội giám sát việc tuân thủ Hiến pháp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương chứ không có chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động của các cơ quan này.
Việc quy định như trong Dự thảo cũng không thực sự trả lời được câu hỏi “Ai tuýt còi Quốc hội?” trong trường hợp có nguy cơ một đạo luật vi hiến vẫn có thể được cơ quan lập pháp thông qua dù đã có khuyến nghị của cơ quan bảo hiến. Một số chức năng quan trọng như giải thích Hiến pháp, kiểm tra tính hợp hiến của các cuộc bầu cử, trưng cầu ý dân đã không được ghi nhận.
Vì vậy, đối với quy định về cơ quan này, nếu tiếp tục phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo thì đề nghị phương án tách riêng một chương về Hội đồng Hiến pháp, thể hiện tầm quan trọng của cơ quan này và xác định những nội dung cơ bản về địa vị pháp lý, chức năng, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức, trật tự hình thành...cụ thể hơn. Nói cách khác là phải có thực quyền.
Hội đồng Hiến pháp phải là cơ quan bảo đảm việc tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, giải thích hiến pháp, quyền kiểm tra tính hợp Hiến và quyết định về các trường hợp vi phạm liên quan đến việc tổ chức trưng cầu ý dân và bầu cử đại biểu Quốc hội.
Các quyết định của Hội đồng Hiến pháp có hiệu lực pháp lý bắt buộc và không thể bị khiếu nại. Các nội dung bị Hội đồng Hiến pháp tuyên bố trái với Hiến pháp không thể được công bố hoặc đem ra thi hành.
Th.S Trần Ngọc Định
ĐH Luật Hà Nội