Mũ bảo hiểm rởm - đội cũng như không

Mũ bảo hiểm rởm - đội cũng như không
Cứ 10 ca cấp cứu vì tai nạn xe máy thì có tới 9 ca người điều khiển phương tiện sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) không rõ nguồn gốc. Đặc biệt thời gian gần đây, bên cạnh những ca chấn thương sọ não, số nạn nhân bị chấn thương hàm mặt cũng tăng lên tới gần 30%.

> Khó xử lý mũ bảo hiểm rởm vì 'lách được luật'
> Vẫn tràn lan mũ bảo hiểm kém chất lượng

Đó là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Việt Đức khi được hỏi về số nạn nhân bị tai nạn khi tham gia giao thông bằng xe máy.

Khác với người đi xe ô tô, người tham gia giao thông bằng xe máy là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất nếu xảy ra tai nạn. Họ không được bảo vệ bằng vỏ thép, dây bảo hiểm, vật duy nhất có thể giữ tính mạng cho họ chỉ là chiếc mũ nhựa nhỏ nhắn ở trên đầu.

Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do mà không ít người vẫn chấp nhận sử dụng biện pháp bảo vệ an toàn cho chính mình theo kiểu đối phó.

“Chưa nói đến việc quản lý chất lượng mũ của các cơ quan chức năng, nhưng có thể thấy rằng bản thân người điều khiển phương tiện cũng thừa biết chiếc mũ mà họ sử dụng có đảm bảo an toàn được hay không? Với giá chỉ 30-40 nghìn đồng, người ta có thể dễ dàng mua ở bất cứ vỉa hè nào một chiếc mũ mà chỉ cần… rơi nhẹ đã vỡ.

Có thể vì tiếc tiền, vì tiện dụng, có thể vì đối phó, cũng có thể vì ý thức tự bảo vệ kém, nhưng hiểm họa là thường trực và tiêu chí cuối cùng là đảm bảo an toàn cho người sử dụng đã không đạt được mục đích. Hay nói cách khác, khi chấp nhận đội những chiếc mũ rởm này, người ta đã tự thỏa hiệp với rủi ro của chính bản thân. Đó là điều đáng trách” – ông Hùng nói.

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Việt Đức, chỉ riêng trong tháng 1-2013, số ca cấp cứu vì tai nạn mô tô xe máy là 934 trường hợp. Trong đó có 912 trường hợp thừa nhận là đã sử dụng MBH không rõ nguồn gốc, gần đạt tỷ lệ 100%.

Khi mà bản thân người bị nạn cũng không biết quý trọng mạng sống của mình thì việc đổ thừa cho cơ quan quản lý chỉ là một cách đánh tráo vấn đề.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Uy - Phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, hiện MBH có thể đảm bảo an toàn cho người điều khiển phương tiện có thể tạm chia làm hai loại: Loại kín đầu và loại hở cằm.

Loại hở cằm chỉ thích hợp cho giao thông trong nội đô và ở tốc độ trung bình chứ để đảm bảo an toàn tối đa thì vẫn chưa thích hợp. Bằng chứng là gần đây có rất nhiều trường hợp cấp cứu, bệnh nhân đội mũ hở cằm, tuy thoát được chấn thương sọ não nhưng lại bị chấn thương hàm mặt khá nặng.

Bệnh nhân Trần Đức K (22 tuổi), trú tại xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam là một ví dụ. Mặc dù chỉ chạy xe trên đường làng và có đội MBH hẳn hoi, nhưng cú húc tại khúc cua vuông góc chỉ cách nhà K chưa đầy 100m cũng khiến K bay người ra khỏi xe, lao thẳng đầu vào bức tưởng rào phía đối diện.

“Nếu không có chiếc MBH nửa đầu, có lẽ tôi đã chấn thương sọ não. Chỉ bị vỡ xương hàm và gãy mấy cái răng vẫn còn là may” – K lý nhí nói khi được hỏi về tình huống gặp nạn của mình.

Tình huống cũng giống như K, nhưng anh Trần Văn Bình, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội thì lại nhập viện với chiếc MBH rởm vỡ nát khi tự lao xuống chiếc mương thoát nước gần nhà. Đến bây giờ, anh Bình vẫn đang phải thở máy và chưa có dấu hiệu hồi phục.

“Đội mũ không cài quai hoặc đội MBH rởm, trong bất kỳ tình huống nào thì khi có tai nạn, người tham gia giao thông đều phải chịu một hậu quả như nhau. Vậy thì đừng làm một việc thừa, hãy mua một chiếc mũ tử tế” - Thạc sỹ Uy nói.

Bác sỹ - Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hiệp- Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương: “Nhiều vụ tai nạn về mắt do mũ bảo hiểm”

a
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hiệp.

“Thời gian qua, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân trú tại Hà Nội và các tỉnh lân cận bị các tổn thương về mắt do các mảnh vỡ MBH gây ra.

Có bệnh nhân bị nhẹ sau khi điều trị là khỏi ngay nhưng cũng có bệnh nhân bị vết thương quá nặng, dẫn đến mù lòa, thương tật suốt đời. Phần lớn những bệnh nhân này bị tai nạn giao thông, ngã xuống đường và bị vỡ MBH, dẫn đến các mảnh vỡ sắc nhọn của mũ gây thương tích về mắt.

Chúng tôi không hỏi kỹ họ sử dụng MBH đạt chất lượng hay kém chất lượng nhưng chắc chắn một điều, sử dụng MBH rởm, không đảm bảo chất lượng sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tổn thương về mắt cao hơn do chính các mảnh vỡ của mũ gây ra.

Trong trường hợp đội MBH đúng quy cách, đảm bảo chất lượng thì khi bị tai nạn giao thông, mũ sẽ có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu và góp phần bảo vệ đôi mắt cho người sử dụng. Chính vì vậy, qua Báo An ninh Thủ đô, chúng tôi đề nghị mọi người hãy nói không với MBH kém chất lượng, nên dùng mũ chuẩn, có tác dụng bảo vệ sức khỏe, trong đó có đôi mắt quý báu của bạn!”.

Theo Nguyễn Long
An Ninh Thủ Đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.