> Kiểm soát quyền lực nhà nước để tránh lạm quyền
> Đề cao vai trò doanh nhân trong Hiến pháp
Đó là ý kiến của các đại biểu (ĐB) tại Hội nghị “Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” lần 2 do UBND Đà Nẵng tổ chức.
Làm khó mô hình “chính quyền đô thị”
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ đề cập câu chuyện “chính quyền địa phương” trong sửa đổi Hiến pháp. Theo ông, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này chưa quan tâm đến mô hình “chính quyền địa phương” như một số thành phố lớn từng đệ trình lên T.Ư mong muốn được thí điểm.
“Cùng với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, quá trình công nghiệp và đô thị hóa các đô thị đều giữ vai trò hạt nhân, đầu tàu và tác động lan tỏa đến sự phát triển của từng khu vực và toàn quốc.
Vì thế, xây dựng một luận cứ về chính quyền đô thị là yêu cầu hết sức khách quan. Với sự phân cấp chính quyền như tại các điều 115 và 116 thì dự thảo Hiến pháp chưa đề cập, thậm chí đã làm khó chính quyền đô thị.
Hiến pháp mang tính lâu dài và bền vững trong khi chính quyền địa phương ngày càng không phù hợp với xu thế chung của thời đại” - ông Ngữ cho biết.
Theo ông Ngữ, tại khoản 1 điều 115, việc phân định các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Việt Nam theo dự thảo là: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Dưới tỉnh là các cấp chính quyền, gồm: thành phố, quận, huyện, thị trấn, xã phường, thôn làng, ấp, bản... là cứng nhắc và máy móc.
Vì thế, cần để mở các quy định nhằm tránh việc quy định đó gây cản trở cho việc xây dựng văn bản luật về sau mà không thừa nhận. Cũng điều 115 tại khoản 2, câu: “Việc thành lập HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính lãnh thổ...” nên sửa thành “Việc thành lập HĐND và cơ quan hành chính...”.
Cần rạch ròi giới hạn quyền con người
Theo Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), tại điều 15 quy định về quyền con người còn chưa cụ thể và rất chung chung, vì thế, quy định về quyền cũng như giới hạn quyền con người, công dân cần phải rạch ròi, cụ thể hơn.
“Khoản quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền, trong trường hợp cần giới hạn quyền của công dân thì phải có quy định về giới hạn quyền (ở chương III của dự thảo) còn rất chung chung chưa làm nổi bật sự tôn trọng triệt để về quyền con người. Như ở điều 21 có ghi “mọi người có quyền sống” cần thêm là “mọi người có quyền sống và mưu cầu hạnh phúc” – ông Pháp nói.
Còn ông Nguyễn Đình An – nguyên Chủ tịch UBMTTQ TP Đà Nẵng góp ý nên bỏ điều 10 trong dự thảo, bởi nếu có một điều khoản về công đoàn thì các tổ chức khác như: phụ nữ, Đoàn thanh niên, cựu chiến binh... cũng cần phải có. Những tổ chức này nên có những điều luật riêng. “Đặc biệt, Hiến pháp không thể quên thanh niên được” - ông Nguyễn Đình An nói.
Tuổi trẻ cơ quan T.Ư Đoàn góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Ngày 4-3, Đoàn Thanh niên Khối cơ quan T.Ư Đoàn đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bí thư BCH T.Ư Đoàn Dương Văn An đã dự và phát biểu tại hội nghị.
Đã có 13 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó, nhiều ý kiến kiến nghị giữ lại Điều 66 Hiến pháp năm 1992 về thanh niên. Các đại biểu thống nhất cho rằng, Hiến pháp có một điều về thế hệ trẻ là cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng, nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với việc chăm lo và phát triển thanh niên.
Đồng thời xác định vị trí của thanh niên trong công cuộc lao động sáng tạo, bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra, cần bổ sung Điều 66 nội dung về trọng dụng tài năng trẻ, tiến tới có Luật về công tác phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ, đặc biệt là những tài năng trẻ của đất nước. Việc hiến định điều này là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để nhà nước ban hành chính sách, chế độ chăm lo cho thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về quyền công dân, quyền con người, sự cần thiết của việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...
Phát biểu tại Hội nghị, anh Dương Văn An nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân, trong đó có đoàn viên thanh niên vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, anh Dương Văn An đề nghị chi Đoàn các Ban, đơn vị tiếp tục tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các đoàn viên trong chi Đoàn để kịp thời tổng hợp chuyển đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Sửa những vấn đề cản trở quá trình phát triển
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết như vậy tại Hội thảo lấy ý kiến pháp chế doanh nghiệp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Bộ Tư pháp tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Liên cho biết, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tập trung vào những vấn đề bức xúc vừa qua, gây khó khăn, cản trở cho quá trình phát triển.
Vấn đề đất đai, đặc biệt là quyền sử dụng đất đã được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Trước thực trạng “nóng” về đất đai hiện nay, Thứ trưởng Liên cho rằng, những bức xúc nằm chủ yếu trong khâu quản lý đất đai và sự chưa đầy đủ của hệ thống pháp luật về đất đai thuộc sở hữu toàn dân cũng như sự yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện pháp luật.
Điều 58 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kế thừa quy định chế độ sở hữu toàn dân với đất đai nhưng đã có quy định rõ quyền sử dụng đất được coi là quyền sở hữu tài sản, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết.
Tại Hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng, khái niệm “sở hữu toàn dân” là khái niệm chưa rõ nghĩa, không xác định rõ được chủ thể của loại hình sở hữu này và đề nghị cần tiếp tục làm rõ khái niệm sở hữu toàn dân để các quy định về sở hữu không bị hiểu sai lệch và bị lạm dụng trong thực tế.
Một số ý kiến đề nghị cần sớm ngăn ngừa tình trạng đất đai tích tụ vào một số doanh nghiệp, thu hồi đất của người dân không thỏa đáng, lấy đất nông nghiệp bừa bãi để phát triển đô thị...