> Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiểm tra thực hiện Nghị quyết T.Ư 4
> Góp ý sửa Hiến pháp: Để dân bầu Chủ tịch nước
> Nhân dân phải kiểm soát được quyền lực nhà nước
Ông Nguyễn Huy Ban, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Việt Nam góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Mỹ Hằng. |
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tham gia góp ý kiến là quyền làm chủ của người dân được đề cập như thế nào trong Hiến pháp sửa đổi.
Ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong Việt Nam kiến nghị phải nhấn mạnh trong điều 4 “vai trò của Đảng phải đi đôi với trách nhiệm với nhân dân”; đồng thời phải nói rõ nhân dân có vai trò và có quyền với Đảng. Nhân dân phải được tham gia phản biện đường lối, chủ trương của Đảng xem có hợp lòng dân không.
Nhân dân cũng phải có có quyền giám sát hoạt động của cán bộ Đảng viên, Tổng bí thư, Bộ chính trị. Trong Hiến pháp sửa đổi không thấy đề cập gì đến quyền của MTTQ VN, nói cách khác là quyền của nhân dân, đối với Đảng. Do đó, cần bổ sung quyền của MTTQ trong điều 9 là quyền tham gia xây dựng Đảng để Đảng trong sạch vững mạnh, cùng với nhà nước chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; giám sát, phản biện hoạt động của tổ chức Đảng và cán bộ Đảng viên.
Ông Nguyễn Thế Lực – PCT Hội nạn nhân dioxin Việt Nam thì cho rằng nếu nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân thì trong Hiến pháp phải quy định những việc trọng đại của đất nước phải lấy ý kiến toàn dân, trưng cầu ý dân chẳng hạn như việc mở rộng địa giới thủ đô, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, v.v…, và nên giao cho MTTQ thực hiện công tác lấy ý kiến.
Ông Lực cũng đồng tình trong việc Hiến pháp sửa đổi phải nhấn mạnh hơn nữa vai trò của MTTQ VN, xác định là đây là một bộ phận của hệ thống chính trị, đại diện hợp pháp cho lợi ích của dân, với tư cách là nơi tập hợp rộng rãi các lực lượng, chứa đựng các khát vọng, sáng kiến của toàn dân.
Phát huy vai trò người đứng đầu Đảng
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Tri, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cơ chế, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước do Đảng cầm quyền phải thể hiện mối quan hệ giữa tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, phản ánh vai trò, trách nhiệm pháp lý của Đảng cầm quyền trước xã hội.
Muốn vậy, người đứng đầu Đảng phải giữ vị trí quyền lực nhất trong nhà nước, là người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và nắm quyền hành pháp. Như vậy, người đứng đầu Đảng sẽ có quyền lực xã hội thực sự, có điều kiện đưa đường lối của Đảng vào thực thi trong xã hội; thực hiện các công việc đối nội, đối ngoại và có trách nhiệm pháp lý thực sự trong xã hội.
Trong dự thảo Hiến pháp ở điều 91 có ghi Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, nên bổ sung “đứng đầu chính phủ” như Hiến pháp năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Đảng, Nhà nước và Chính phủ, là nguyên thủ quốc gia.
Cũng theo PGS Tri, dự thảo đề cập đến Hội đồng Hiến pháp nhưng về mặt khoa học, phạm trù này thường mang tính chất tư vấn. Ông đề nghị nên có Tòa án Hiến pháp, tòa án Hành chính và tách khỏi cấp hành chính nhằm đảm bảo một hệ thống tư pháp độc lập, đủ mạnh với chức năng và thầm quyền đảm bảo cho niềm tin vào công lý, bình đẳng trước pháp luật.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Tá, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho rằng cần làm rõ và đề cao thực quyền của chủ tịch nước như quyền giám sát đối với Thủ tướng chính phủ, quyền triệu tập họp chính phủ, v.v... Nên nghiên cứu lựa chọn mô hình cơ quan bảo hiến tối ưu ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia châu âu đã thành công với mô hình này, thay vì thành lập một hội đồng hiến pháp.
Bà Tạ Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ tư pháp cho người Việt Nam cũng cho rằng bắt buộc phải có tòa Hiến pháp để xem xét các vấn đề của đất nước một cách liên tục trong bối cảnh Quốc hội một năm chỉ họp hai lần. Theo ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam, trong trường hợp cơ quan cao nhất của Quốc hội làm không đúng quy định của pháp luật thì tòa này sẽ xử lý được điều đó.
Trước những ý kiến nêu trên, ông Huỳnh Đảm cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu để trình Ủy ban soạn thảo Hiến pháp.Không chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến tại hội nghị thông qua người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội, ông Huỳnh Đảm đề nghị người đại diện các tổ chức này nên xem xét các hình thức phù hợp để lấy được ý kiến của từng thành viên, hội viên, tầng lớp nhân dân thuộc hội, ngành của mình cho việc sửa đối Hiến pháp.