Sau Tết , xóm trọ tan hoang vì trộm

Sau Tết , xóm trọ tan hoang vì trộm
TP - Sau những ngày dài nghỉ Tết, nhiều công nhân và sinh viên ở TPHCM và Bình Dương trở lại xóm trọ và chứng kiến nơi mình ở tan hoang vì bị trộm.

> Đột nhập nhà chú, trộm hơn tỷ đồng
> Cậy cốp xe trộm 250 triệu đồng
> Chuyện nàng dâu phá két bố mẹ chồng

Trộm “viếng thăm” mọi nơi

Sau 20 ngày về quê ăn tết, Nguyễn Mạnh Tường, sinh viên năm 2 trường ĐH Nông Lâm TPHCM tá hỏa khi thấy cửa phòng trọ của mình ở số 11/8, khu phố Tân Lập, xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương bị phá. Toàn bộ đồ đạc trong phòng bị trộm khênh sạch.

Nguyễn Mạnh Tường bên chiếc cửa mới Ảnh: Hồng Ân
Nguyễn Mạnh Tường bên chiếc cửa mới.  Ảnh: Hồng Ân.

Khu trọ của Tường có 8 phòng trọ thì 4 phòng bị trộm phá khóa cửa vào khoắng sạch đồ đạc.

“Ba giờ đêm 18-2, mình từ Bình Định vào tới nhà trọ để chuẩn bị tuần sau đi học thì thấy cửa mở tung, khóa cửa bị cưa nát, đồ đạc trong phòng tung tóe khắp nơi. Nồi cơm điện, bếp ga và chiếc máy tính bàn không cánh mà bay” - Tường kể.

Gia đình Tường chẳng khấm khá gì nhưng khi vào đại học, bố mẹ cũng gom góp mua bộ máy tính với các vật dụng để Tường học hành và sinh hoạt. “Đợt này mình phải cố gắng đi làm thêm để sắm sửa lại chứ không dám xin tiền ba mẹ nữa - Tường nói.

Cùng chung dãy nhà trọ với Tường, Trần Thị Luynh, quê Thái Bình, sinh viên Trường ĐH khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cũng bị mất trộm. Gia đình thuê cho Luynh một phòng trọ với đầy đủ tiện nghi.

Trước Tết, do đồ nhiều nên Luynh nhờ chủ nhà trọ làm hai lớp khóa, vậy mà khi trở lại, nhà trọ khóa đã bị cưa. “Khi đặt chân tới phòng trọ, không tin vào mắt mình: Phòng trống hoác, máy tính bàn, bếp gas, tủ sách vở và cái tủ lạnh nhỏ bị trộm dọn hết”- Luynh kể.

Cách khu nhà trọ của Luynh và Tường khoảng 500m, là dãy trọ 12 phòng của ông Ngô Minh Trí ở số 48 hẻm 9, khu phố Tân Lập, xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương. Khi chúng tôi đến, ông Trí đang cùng nhóm thợ hàn thêm cổng và cửa phòng của 8 phòng trọ mới bị trộm phá.

“Tối 16-2, tôi còn đi kiểm tra và thấy không có vấn đề gì vậy mà 9 giờ sáng hôm sau sinh viên báo bị trộm phá cửa lấy đồ”- ông Trí kể và nói thêm: “Ở quanh Làng Đại học Quốc gia năm nào sau tết cũng có tình trạng trộm phá cửa lấy đồ nhưng không ai nghĩ bọn chúng lại táo tợn tới mức phá cửa trộm giữa ban ngày thế này”.

Nghèo lại thêm khó

Dãy trọ trên đường Bùi Văn Ba nơi chị Phượng thuê trọ cũng bị trộm ghé thăm trong dịp Tết. Ảnh: L.N
Dãy trọ trên đường Bùi Văn Ba nơi chị Phượng thuê trọ cũng bị trộm ghé thăm trong dịp Tết. Ảnh: L.N.
 

“Làm cả năm mình mới dành dụm mua được cái tủ lạnh, nay phải “cày” cả năm nữa mới sắm lại được”- chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 nói, sau khi bị trộm khoắng sạch đồ ngày 16-2.

“Đã nghèo còn gặp eo. Về quê ăn Tết đã không có tiền, trở lại thành phố cũng khó khăn vậy mà tới nơi thấy mất đồ nữa”- chị Phương than thở.

Ông Huỳnh Văn Gia, chủ trọ của chị Phượng ở xóm 23/41 đường Bùi Văn Ba, quận 7 cho biết đã báo với công an phường về vụ trộm vào cạy cửa.

“Hôm phòng cô Phượng mất trộm tôi với vợ về quê ở Long An nên không biết gì. Lên tới nhà thấy cửa phòng tan hoang tôi gọi báo cho cô Phượng và công an phường nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm gì từ công an”- ông Gia nói.

Ở Q.12, tình trạng trộm cắp tại các khu trọ diễn ra ngang nhiên hơn. Khu trọ công nhân hơn 40 phòng tại số 21/69 khu phố 3A, phường Thạnh Lộc, Q.12. mặc dù chỉ cách trạm dân phòng phường này hơn 500m nhưng sau Tết có tới hơn 20 phòng bị trộm phá cửa và dọn đồ.

Phòng trọ số 6A của vợ chồng anh Phạm Hồng Thanh, 46 tuổi quê Nghệ An bị trộm cuỗm nhiều đồ nhất.

Hai vợ chồng đều làm công nhân cho công ty may mặc Hàn Quốc nên đồ đạc khá đầy đủ, trước khi về quê anh chị làm thêm một khóa cửa bên trong để phòng trộm phá cửa ngoài, thế nhưng mới mùng 3 Tết chủ nhà đã gọi điện báo trộm phá cửa khênh sạch đồ.

“Làm công nhân 8 năm mới tích cóp mua sắm được hai chiếc xe máy và đồ đạc vậy mà chỉ vì về quê ăn Tết mà bị trộm vào dọn sạch ti vi, tủ lạnh, máy giặt, đặc biệt chiếc xe máy Honda mới mua hơn 20 triệu đồng. Tổng trị giá tài sản bị mất cũng tới hơn 50 triệu đồng, biết làm bao giờ cho lại?”- anh Thanh nói.

Không chỉ những khu trọ tách biệt với chủ nhà mà ngay cả những khu trọ có chủ nhà quản lý cũng bị trộm viếng thăm. Anh Hưng và chị Huyền làm công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình, trọ tại số 369 Tân Kỳ, Tân Quý, quận Tân Bình nói: “Hai vợ chồng mới cưới nên đồ đạc nhiều, Tết đưa vợ về quê tận Phú Thọ nhận họ hàng và nghĩ ở cạnh chủ nhà nên an tâm không có trộm, vậy mà khi vào tới nơi thì được chủ nhà trọ thông báo trộm vào lấy xe máy, tủ lạnh, ti vi quà cưới của hai vợ chồng trị giá 70 triệu đồng”- anh Hưng kể.

“Trộm canh me gia đình tôi đi chơi Tết nên đã đột nhập vào khu nhà trọ phá cửa trộm đồ. Do vợ chồng Hưng mất đồ nhiều quá nên chúng tôi đành miễn phí 2 tháng trọ, chứ từ trước giờ dãy nhà trọ tôi chưa bao giờ xảy ra tình trạng trộm táo bạo vậy”- chị Lê Thị Hằng, chủ nhà trọ của anh Hưng cho biết.

“Ngày nào cũng nhận được tin báo bị trộm phá của lấy đồ từ các chủ nhà trọ quanh khu làng đại học nhưng chúng tôi cũng chỉ ghi nhận và điều tra cũng như mai phục để bắt chứ khó mà tìm lại được đồ đã mất cho sinh viên, công nhân” - ông Hoàng Minh Tâm trưởng khu phố Tân Lập, xã Dĩ An, Bình Dương cho biết.

Hà Nội, nhiều công nhân và sinh viên cũng bị khoắng đồ

Tại Hà Nội, theo phản ánh của nhiều công nhân và sinh viên, khi về quê ăn Tết, đã bị kẻ gian phá khoá phòng để khoắng đồ. Chị Nguyễn Thị Tươi thuê phòng trọ tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) bị mất chiếc xe đạp mới mua giá 600 nghìn đồng.

Chị Tươi cho biết, vì chủ quan, nghĩ trộm chỉ lấy máy tính, xe máy nên khi về quê vẫn để xe đạp trong phòng. “Giá chiếc xe bằng một phần ba tiền lương tháng nên giờ tôi phải đi bộ đi làm, chưa biết đến khi nào mới tiết kiệm được 600 nghìn để mua xe mới” - chị Tươi nói.

Không chỉ công nhân tại các Khu công nghiệp ngoại thành bị mất trộm, sinh viên ở trọ quanh các trường đại học nội thành cũng trong tình trạng tương tự. Trà Giang, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân trọ tại Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, dù cửa nhà trọ đã khóa cẩn thận nhưng trộm vẫn phá khóa vào phòng lục lọi đồ đạc trong nhà.

Thông tin chính thức từ văn phòng Công an TPHCM cho biết, trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 98 vụ phạm pháp hình sự. Nỗi bất an lớn nhất của người dân vẫn là trộm cắp tài sản (44 vụ), cướp giật tài sản trên đường phố là 17 vụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.