> Đà Nẵng thời ‘hậu Nguyễn Bá Thanh’
> Trần Đăng Khoa: Thấy Mạc Ngôn đoạt Nobel mà sốt cả ruột!
Tôi còn nhớ cách đây cũng đã lâu, chừng hơn ba mươi năm về trước gì đó, hồi ấy, tôi còn là lính Hải quân, trong lần về phép Tết, tôi lại được dự cuộc gặp gỡ ấm cúng ấy tại Phủ Chủ tịch. Vì năm đó, tôi là khách trẻ nhất trong cuộc gặp gỡ, nên được chọn phát biểu cùng với một nhà văn cao tuổi nhất. Bài phát biểu viết sẵn, được nhà thơ Chính Hữu, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn duyệt từng chữ rất cẩn trọng. Nhưng tôi vừa mới “Kính thưa….” thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng cười: “Ơ, nhà thơ thì phải đọc thơ chứ sao lại đọc diễn văn!” Cả khán phòng cười ồ.
Thế là tôi bỏ bài phát biểu cứng nhắc đã được duyệt sẵn, nói vo một cách thoải mái và đọc thơ, rồi còn đọc thêm cả thơ tình cho các nhà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ nghe.
“Nhà thơ làm thơ tình nhưng đã có người yêu chưa đấy?”. “Dạ, cháu chưa bác ạ!”. “Thế thì lãng mạn quá! Lãng mạn quá! Phải thực tiễn chứ!”- Bác Đồng cười rất vui. Một không khí đầm ấm, vui vẻ như trong một gia đình.
Đấy là cuộc gặp gỡ cuối cùng mà tôi được dự. Khi Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Tố Hữu… lùi vào hậu trường, thì cũng không còn những cuộc gặp gỡ tổ chức thường niên vào dịp Tết đến Xuân về giữa các nhà lãnh đạo với giới Trí thức, Văn nghệ sĩ nữa.
Mãi đến năm nay, cái mỹ tục đã trở thành truyền thống của nhiều năm trước đây ấy mới được khôi phục lại. Nhiều văn nghệ sĩ, trí thức từ các tỉnh phía Nam và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã về dự cuộc gặp mặt. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn trực tiếp đến thăm một số gia đình Văn nghệ sĩ, Trí thức ở cả hai miền Nam Bắc. Đó là một ứng xử đẹp. Hy vọng mỹ tục đó được duy trì đều đặn vào những ngày đầu năm mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Trong cuộc gặp gỡ vừa rồi tại Trụ sở Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có nhiều ý kiến phát biểu của văn nghệ sĩ, trí thức rất chân thành và ấn tượng. Đặc biệt là ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn lão thành Vũ Tú Nam. Bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh được viết thành văn bản rất cẩn trọng, có thể xem như một bản tổng kết một năm của Văn học và Nghệ thuật toàn quốc. Bên cạnh những thành tựu, những niềm vui là nỗi băn khoăn của anh. Nỗi băn khoăn này, tôi cũng đã bàn đến trong một loạt bài viết về văn hóa cách đây cũng đã gần một năm về trước.
Hồi đó, tôi cũng đã nói rằng, hình như chúng ta quá quan tâm đến việc phát triển kinh tế nóng mà lại sao nhãng, nếu không nói là bỏ quên văn hóa. Nhìn lại những thước phim tư liệu về Đại hội Đảng và các kỳ họp Quốc Hội trước đây, quây quần bên Bác, bên các nhà Lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ là Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Trà Giang và rất nhiều nhà hoạt động văn hóa cùng các nhân sĩ, trí thức khác. Trong Đại Hội Đảng của chúng ta khóa vừa rồi, có đến một ngàn bảy trăm đại biểu, mà không có đại biểu nào đại diện cho giới văn chương.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, “cũng đã có đại biểu được bầu ở cơ sở, nhưng lại được gợi ý là nên rút, để nhường cho các thành phần khác”. Trong số hơn 500 Đại biểu Quốc Hội, trong đó có đầy đủ các thành phần xã hội, đặc biệt có rất nhiều nhà doanh nghiệp, nhưng cũng không có đại biểu nào đại diện cho giới Văn hóa, Văn nghệ sĩ. Trong khi chúng ta có đến 7 Hội chuyên ngành, trong đó có nhiều nhân sĩ, nhiều trí thức lớn có uy tín và tầm ảnh hưởng rất sâu rộng trong nhân dân. Đó là điều rất không bình thường.
Bài phát biểu nói vo của nhà văn lão thành Vũ Tú Nam rất ấn tượng. Theo ông Vũ Tú Nam, năm 2013 là năm Rắn. Rắn thì khắc tinh với Chuột. Mà Chuột lại là biểu tượng của tham nhũng. Có lẽ cũng vì thế chăng mà trong vở kịch chèo: “Bài ca giữ nước”, từ những năm 80 của… thế kỷ trước, nhà viết kịch Tào Mạt cũng đã bàn đến chuyện chống tham nhũng bằng một lớp kịch có tên là: “Chim khoét, chuột đào”.
Nói đến bọn tham nhũng đục khoét, người ta thường nghĩ đến lũ chuột. Và ông Vũ Tú Nam hy vọng năm Rắn này sẽ là một năm khởi sắc về chống tham nhũng, một tệ nạn đã thành Quốc nạn. Tôi rất tâm đắc với ý kiến đó của nhà văn Vũ Tú Nam. Bởi tham nhũng là giặc nội xâm. Giặc nội xâm nguy hiểm hơn gấp ngàn lần so với giặc ngoại xâm. Bởi nó tàn phá từ bên trong, làm bục ruỗng từ gan ruột, làm băng hoại niềm tin của dân với thể chế và chính quyền. Mất dân là mất hết. Nhìn lại lịch sử cha ông, chúng ta thấy rất rõ điều này.
Từ những năm xa tắp, đất nước còn nghèo nàn, kinh tế không có gì, khoa học kỹ thuật cũng chẳng có gì, lại không có cả “bạn bè quốc tế”, nghĩa là không thể bấu víu vào đâu, vũ khí cũng chỉ có “hỏa tiễn bằng bùi nhùi, con cúi”, rồi “cọc gỗ Bạch Đằng”, “tên nỏ tên tre”, “tầm vông, đòn càn, giáo mác”, mà rồi chúng ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, rồi sau đó là Mãn Thanh. Chúng ta thắng mọi giặc hung tợn vào bậc nhất thế giới thời đó là vì có dân. Nói như sứ thần Nguyễn Trãi: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Mấy lần mất nước cũng vì mất dân. Khi vua chúa tin ngoại bang hơn tin dân, lại dựa vào ngoại bang chống dân, “cõng rắn về cắn gà nhà” thì mất nước là không tránh khỏi.
Trở lại với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những đại diện ưu tú nhất của dân. Có hai câu ca dao này, không biết xuất hiện từ thời nào, nhưng là người Việt Nam, hầu như ai cũng biết:
Buồn từ trong dạ buồn ra
Buồn từ ngã bảy, ngã ba buồn về…
“Buồn từ trong dạ buồn ra”, là cái buồn cá nhân, cái buồn bình thường, hầu như ai cũng có. Nhưng “buồn từ ngã bảy ngã ba buồn về” là cái buồn của văn nghệ sĩ, trí thức. Đó là nỗi buồn của người khác, nỗi buồn của dân, không còn là chuyện riêng tư nữa. Nhà thơ Tú Xương cũng nói:
Trời không chớp bể, chẳng mưa nguồn
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn..
Ta cũng có thể hiểu được nỗi buồn ấy đến từ đâu? Như tôi cũng đã nói, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ, trí thức trong tiến trình phát triển của xã hội và của lịch sử. Mặc dù số phận họ rất mong manh. Mong manh như cái đẹp. Mong manh như kiếp người. Nhưng họ lại là Hàn thử biểu của cả xã hội. Đằng sau họ là Nhân dân. Đặc biệt với những tài năng lớn, họ yêu ai, chạm đến ai, người đó sẽ bất tử, họ ghét ai, kẻ đó sẽ bị nguyền rủa đến hàng trăm năm, thậm chí là ngàn năm.
Những văn nghệ sĩ đích thực thường đi trước thời đại. Họ không xu thời, thường có tiếng nói phản biện tích cực với cái tâm trong sáng. Bằng sự mẫn cảm đặc biệt, họ có thể nắm bắt được mọi nỗi vui buồn và khát vọng của dân. Có lẽ cũng vì thế chăng mà một nhà lãnh đạo bảo tôi, hễ cứ rỗi lúc nào là ông tìm đến với sách. Ông đọc sách không phải chỉ đơn thuần giải trí hay thú vui thưởng thức văn chương. Đối với ông, đọc sách là xuống dân. Qua những trang sách, hay những bài báo, ông hiểu được xã hội đang ra sao, người dân sống thế nào. Họ đang suy nghĩ gì và có những khát vọng gì.
Bây giờ, các nhà lãnh đạo không phải chỉ đến với dân qua những cuốn sách, mà thường xuyên trực tiếp gặp dân, dành thời gian lắng nghe tiếng nói của dân, thông qua những đại diện ưu tú nhất, là các văn nghệ sĩ và đội ngũ trí thức. Tất nhiên, để tránh những sáo mòn chỉ mang tính hình thức, nói như một họa sĩ lão thành: “nếu nghe rồi lại để đấy thì cũng chỉ là chuyện gió thổi mây bay. Chúng ta cần thiết thực và hiệu quả”.
Đời sống còn rất nhiều khó khăn. Nhưng người dân quan tâm nhất bây giờ vẫn là hai việc lớn, cũng là hai việc rất nhạy cảm. Đó là ổn định tình hình, đặc biệt là Biển Đông và chống tham nhũng một cách quyết liệt và hiệu quả. Bộ Chính trị lại vừa thành lập Ban Nội chính, mà một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Nội chính là chống tham nhũng.
Nói như nhà văn Vũ Tú Nam: “Năm Rắn là năm khắc tinh với Chuột”.
Và chúng ta hy vọng năm 2013 sẽ là một năm vui...