Nhà cổ trên đảo Lý Sơn lưu dấu Hoàng Sa

Nhà cổ trên đảo Lý Sơn lưu dấu Hoàng Sa
Ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) còn 24 ngôi nhà cổ, có niên đại hàng trăm năm. Mỗi ngôi nhà đều thấp thoáng bóng dáng của những đội “hùng binh Hoàng Sa”, gắn với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của các tộc họ.

Nhà cổ trên đảo Lý Sơn lưu dấu Hoàng Sa

> Lần đầu bắn pháo hoa trên đảo Lý Sơn

Ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) còn 24 ngôi nhà cổ, có niên đại hàng trăm năm. Mỗi ngôi nhà đều thấp thoáng bóng dáng của những đội “hùng binh Hoàng Sa”, gắn với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của các tộc họ.

Ngôi nhà cổ của ông Định đã “thay áo mới”
Ngôi nhà cổ của ông Định đã “thay áo mới”. Ảnh: P.Khang

Lưu dấu Hoàng Sa

Chị Thái Ngọc Trang, 32 tuổi - thành viên đoàn khách tham quan đến từ Hà Nội - không giấu được cảm giác thích thú: “Dù đã tìm hiểu khá nhiều về đảo Lý Sơn, song, khi có mặt trên đảo, được thả bước trên những cánh đồng tỏi xanh non, thơm nồng, tận mắt ngắm nhìn những di tích gắn liền với “Đội hùng binh Hoàng Sa” như tượng đài Trường Sa kiêm quản Bắc Hải, Âm linh tự, đình làng An Hải, mộ gió, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên xen lẫn bồi hồi, nghe lòng dậy lên tình yêu biển đảo. Đặc biệt, khi đến thăm những ngôi nhà cổ trên đảo Lý Sơn, tôi có cảm giác như đang “sờ nắn” được Hoàng Sa vậy”.

Tiếp lời khách đường xa, giọng ông Dương Quang Định (68 tuổi) - chủ ngôi nhà cổ, rộng chừng 80 mét vuông, ở thôn Tây, xã An Hải - nhỏ nhẹ: “Hơn 400 năm trước, tổ tiên tôi cùng với 6 vị tiền hiền từ làng chài huyện Bình Sơn vượt biển ra đảo Lý Sơn khai làng, lập ấp.

Nhiều người trong tộc họ đã gia nhập vào các đội dân binh ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật theo lệnh vua ban”. Ngôi nhà cổ ông Định “thừa kế” được xây dựng cách đây khoảng 150 năm, theo kiểu “nhà rường đắp đất”, với hệ thống cột kèo “rau muống” hình rồng và các hoành phi, câu đối chạm khắc công phu.

Theo ông Định, “nhà rường” là theo cách gọi của từng vùng (có nơi gọi là nhà mái), còn “đắp đất” là vì, tiền nhân đã đắp thêm một lớp đất giữa hai mái để giảm bớt bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời, giúp ngôi nhà luôn thoáng đãng và cũng ấm hơn trong mùa đông.

Ở đảo Lý Sơn, “chất liệu” này được thay bằng cây cỏ đế, san hô hoặc cũng có thể, tiền nhân đã chở rơm rạ từ đất liền ra để đắp lên mái nhà. Kiểu “thiết kế” này vừa phù hợp với thời tiết khắc nghiệt trên đảo và cũng phòng tránh được hỏa hoạn”. Ngoài ngôi nhà cổ, ông Định còn lưu giữ một chiếc khóm (trang thờ), mà theo ông có tuổi thọ không dưới 200 năm, được tổ tiên truyền lại. “Báu vật” này, ông Định làm nơi thờ tự các dân binh đội Hoàng Sa.

Tân cổ giao duyên

Tiếp khách trên bộ sập gụ hơn trăm năm tuổi đặt trong ngôi nhà cổ phảng phất mùi hương trầm trên linh vị tổ tiên, cụ Võ Hiển Đạt, ở thôn Tây, xã An Vĩnh - “ông đồ cuối cùng” - “nghệ nhân duy nhất” ở đảo Lý Sơn còn rành rẽ việc phục chế thuyền câu của đội “hùng binh Hoàng Sa” - chùng giọng: “Hơn 80 năm gắn bó với ngôi nhà 150 tuổi, chứa nhiều kỷ vật Hoàng Sa của tổ tiên để lại, tôi không khỏi xót xa khi từng ngày, từng giờ chứng kiến các phần của ngôi nhà bị hư hỏng, xuống cấp. Ngôi nhà là báu vật của tiền nhân nên tôi luôn nhắc nhở con cháu lưu tâm gìn giữ.

Tuy nhiên, việc duy tu theo lối “tân cổ giao duyên” như lâu nay, tôi e rằng không bao lâu nữa, những nếp nhà cổ sẽ thưa dần, rồi vắng bóng hẳn trên đảo Lý Sơn”. Gần như toàn bộ ngôi nhà cổ của gia đình cụ Đạt được làm bằng gỗ mít. Trong nhà trang trí rất nhiều hoành phi, câu đối nói về công đức của các vị tiền hiền. Hiện nhiều bộ phận trong nhà đã được thay mới, trông có vẻ bắt mắt hơn, song, nó vẫn không thể nâng tầm cho ngôi nhà mà còn tỏ ra lỗi nhịp, gượng gạo đến xót lòng.

Cũng như thế, để chống lại sự bào mòn khắc nghiệt của thời gian, thời tiết trên đảo, ông Dương Quang Định đã thay thế lớp ngói âm dương bằng prôximăng, phủ sơn PU toàn bộ các cột gỗ trong nhà để chống mối mục. Hằng năm, ông Định còn bỏ tiền tu sửa, giữ cho ngôi nhà lâu xuống cấp bằng cách “chắp vá” tạm thời. “Những ngôi nhà cổ ở Lý Sơn còn lưu lại nhiều tài liệu chữ Hán về đội hùng binh Hoàng Sa. Bằng chứng xác thực là chủ nhân các ngôi nhà còn thờ tự những “người lính” đi Hoàng Sa và lưu giữ các tài liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo này.

Chúng tôi cho rằng đây là những di sản có giá trị văn hóa hết sức quan trọng và đang kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng để định hướng bảo tồn, xếp hạng nhằm phát huy giá trị của những ngôi nhà cổ ở Lý Sơn, chứ không để người dân tự ý sửa chữa, sẽ làm mất đi giá trị ngôi nhà. TS Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi - nói.

Nhà cổ - Homestay

Giá trị du lịch từ những căn nhà cổ Lý Sơn đã kéo các đơn vị kinh doanh du lịch tìm đến thương thuyết với chủ nhà làm du lịch homestay. Tuy nhiên, theo cụ Võ Hiển Đạt, nếu làm không khéo, loại hình du lịch này sẽ phá vỡ không gian, giá trị của hệ thống nhà cổ trên đảo. Do vậy, nên chăng, huyện Lý Sơn cần hướng đến việc bảo tồn, duy tu nhà cổ một cách khoa học, đồng thời, vận động chủ nhà mở rộng cửa cho khách đến thưởng lãm, tham quan để thông qua đó, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tài liệu liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Bởi, mỗi ngôi nhà cổ ở Lý Sơn được ví như một “bảo tàng sống”, cất giữ nhiều chứng cứ, tư liệu khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của VN, được các tộc họ trên đảo gìn giữ qua hàng trăm năm. Điển hình như “tờ lệnh” ban hành ngày 15 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15, tức là năm Giáp Ngọ - 1834 để điều động đội binh thuyền của các tộc họ trên đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa thi hành nhiệm vụ cũng được tìm thấy trong ngôi nhà cổ của ông Đặng Lên, ở xã An Hải.

Hệ thống nhà cổ ở Lý Sơn thể hiện nét độc đáo của một làng nông chài, xứng đáng được bảo tồn, tôn tạo để phục vụ tìm hiểu, nghiên cứu về một dạng văn hóa vật chất truyền thống của người Việt, liên quan đến chủ quyền của tổ quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Theo Phạm Khang
Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.