Nếp nhà GS Ngô Bảo Châu

Nếp nhà GS Ngô Bảo Châu
Cả GS-TSKH Ngô Huy Cẩn và PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền đều nói mỗi lần được hỏi về việc nuôi dạy Ngô Bảo Châu ông bà đều bối rối.

Nếp nhà GS Ngô Bảo Châu

> Ngô Bảo Châu một năm sau giải thưởng
> Những điều chưa biết về Ngô Bảo Châu
> Giáo sư Ngô Bảo Châu: Những kỷ niệm về trái bóng tròn

Cả GS-TSKH Ngô Huy Cẩn và PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền đều nói mỗi lần được hỏi về việc nuôi dạy Ngô Bảo Châu ông bà đều bối rối.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng bố mẹ và các con
Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng bố mẹ và các con.

“Hồi đó cô chú chẳng bao giờ nghĩ phải giáo dục con thế này hay thế khác. Tuy rất cố gắng nuôi dưỡng con trong hoàn cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng việc nuôi dạy Châu rất tự nhiên”, GS Ngô Huy Cẩn nói.

Nếp nhà

Theo PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền, cái may mắn của Ngô Bảo Châu và những đứa trẻ thế hệ anh là được tắm mình trong một đời sống xã hội mà mọi thứ đều đẹp và đơn giản. Ngoài học văn hóa ở trường, Ngô Bảo Châu được học thêm đủ thứ nhưng gia đình chẳng mất đồng học phí nào cả. Ai cũng thích thú, tự nguyện dạy cho đứa trẻ cái mà mình giỏi khi thấy đứa trẻ thích học. “Cuộc sống đẹp vì nhiều người tin là nó đẹp và có nhiều người sống tử tế”, bà nói.

Tuổi thơ của Ngô Bảo Châu quấn quýt với mẹ và đại gia đình bên ngoại, đặc biệt là ông ngoại. Sau ngày cưới, vì chưa có nhà riêng nên chú Cẩn cô Hiền ở chung với gia đình ông bà ngoại tại 47 Hàng Bài. Khi Ngô Bảo Châu học A0 ĐH Tổng hợp (nay là THPT chuyên ĐH Quốc gia Hà Nội) thì chú Cẩn được phân một phòng tập thể 24 m2 ở tầng 4 khu tập thể Nam Đồng và cả nhà chuyển về đó ở.

Năm Ngô Bảo Châu vào lớp 1, chú Cẩn sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, mọi việc nuôi dạy con phó thác cho vợ và nhờ ông bà ngoại hỗ trợ. Hằng ngày, cô Hiền và ông ngoại thay nhau đưa đón Châu đi học ở Trường Thực nghiệm. Ngoài học văn hóa ở trường, cô Hiền còn cho con đi học vẽ ở Cung thiếu nhi, học đàn violon ở nhà riêng một ông thầy trên phố Triệu Việt Vương. “Hồi nhỏ, song song với học văn hóa, cô được theo học đàn cello 7 năm ở Trường Âm nhạc Việt Nam. Khi vào ĐH cô mới thôi không học nhạc nữa. Vì thế cô cho Châu học đàn, học vẽ như cách nuôi dạy con của nhiều gia đình Hà Nội khác. Nó là điều rất tự nhiên trong suy nghĩ của cô về việc nuôi dạy một đứa trẻ, ngoài học chữ thì có lẽ âm nhạc là thứ tốt đẹp nhất trên đời, chứ không kỳ vọng về một sự thành đạt lớn lao nào của con mình”, cô Hiền tâm sự.

PGS Vân Hiền cho rằng người có ảnh hưởng trong việc tạo dựng một đời sống tinh thần phong phú, sâu sắc tới Ngô Bảo Châu chính là ông ngoại - cụ Trần Lưu Hân. Cụ vốn là học sinh trường Bưởi và là hiệu trưởng một trường tư thục hồi trước Cách mạng tháng Tám. Sau này, cụ đi bộ đội rồi học kỹ sư vô tuyến điện ở Trường ĐH Bách khoa. Ngoài công tác chuyên môn, cụ còn dịch, biên soạn các cuốn sách tìm hiểu khoa học kỹ thuật dành cho thiếu nhi như Radio thật là đơn giản, Mít đặc - Biết tuốt... “Ông yêu Châu lắm. Châu cũng rất yêu ông. Thậm chí chỉ có ông mới là người được đưa Châu đi thi vì Châu bảo cứ nghĩ đến ông và biết ông đang chờ ngoài phòng thi là thấy yên tâm. Châu bảo ông đưa đón thì con mới làm được bài. Hôm biết thi đỗ vào lớp 7 chuyên toán Trưng Vương, ông chở cháu đến ngay cơ quan cô. Nhìn thấy hai người mặt rạng rỡ, cô đoán ngay là có tin vui”, PGS Vân Hiền kể.

Thiện tự trong lòng

Việc học của Ngô Bảo Châu ở Trường Thực nghiệm nhìn chung là trôi chảy, suôn sẻ nếu như không có chuyện Ngô Bảo Châu thi trượt vào lớp 6 chuyên toán Trưng Vương. GS Hồ Ngọc Đại chủ trương giáo dục phát triển tư duy cho trẻ nhưng không tạo áp lực để đứa trẻ được thoải mái, vui vẻ, vì thế mà không mấy ai chú ý đến tố chất đặc biệt về toán của Ngô Bảo Châu, mặc dù lúc đó mô hình lớp chuyên toán đang rất thịnh hành.

Những năm Ngô Bảo Châu học cuối cấp 1 thì chú Cẩn về nước. Khi làm toán cùng Châu, chú Cẩn nhận ra khả năng tư duy toán khá đặc biệt của con. Chú rất ngạc nhiên khi thấy con giải dễ dàng các bài tập trong sách giáo khoa. Chú quyết định cho con đi theo con đường chuyên toán. Ngô Bảo Châu cũng rất hào hứng với hướng đi mà bố vạch ra, đó là lý do mà anh rất thất vọng khi mình thi trượt lớp 6 chuyên toán của Trường Trưng Vương (năm sau anh đỗ với số điểm cao của top đầu).

“Châu là một đứa trẻ đặc biệt ham hiểu biết, rất ham học nên chúng tôi gần như chẳng bao giờ phải nhắc Châu học. Tuy là con một nhưng chúng tôi không coi Châu là hoàng tử, dù hồi nhỏ các cô bạn của mẹ toàn gọi Châu là hoàng tử đầu to”, GS Ngô Huy Cẩn nhận xét. Tuy nhiên, cô Hiền cho biết thật ra chú Cẩn cũng khá nghiêm khắc trong việc rèn nếp sống cũng như nếp học cho Ngô Bảo Châu. Cô Hiền tủm tỉm cười khi nhớ lại thời anh còn học cấp 1: “Chẳng biết bố dạy học cho con thế nào mà thỉnh thoảng cô lại thấy Châu nước mắt nước mũi giàn giụa chạy từ trên gác xuống lấy khăn lau mặt. Nhiệm vụ sau bữa ăn của Châu là rửa bát. Anh chàng cũng ngồi rửa bát, đằng trước giăng mấy cái chậu. Có hôm Châu đề nghị, mẹ ơi, hay là mẹ nói với bố là mẹ rất thích rửa bát để con khỏi phải rửa!”. Cô Hiền tuy chiều con nhưng cũng rèn con theo cách của mình: “Trẻ con hồn nhiên, dễ tin lắm. Cô bảo, ai mà nói dối thì sẽ bị thối mồm, các chú công an phát hiện ra ngay. Vậy mà tin lắm. Hoặc như chú bảo cô là cái bùa, cứ nói mẹ sẽ không yêu nữa nếu không nghe lời mẹ là Châu sợ lắm, nghe lời ngay”.

Ngô Bảo Châu rất biết chia sẻ, quan tâm tới người thân, đặc biệt là với mẹ. Những năm khó khăn, bà ngoại Ngô Bảo Châu về hưu kiếm thêm bằng cách bán xôi chè buổi sáng. Châu cũng phải tham gia giúp bà, sáng nào cũng cùng mẹ ngồi nặn bánh. Thời cả nhà đã chuyển về Nam Đồng, sinh hoạt rất bất tiện do nhà ở trên tầng 4 mà nước máy tận dưới sân tầng 1. Có hôm đi làm về, cô Hiền ngạc nhiên thấy Châu đang giặt quần áo cho cả nhà. Cô Hiền kể: “Hồi đó suy nghĩ của cô còn phong kiến lắm, trong nhà có những việc nam giới không làm, vì thế cô không muốn Châu giặt đồ của mẹ. Nhưng Châu bảo không tin vào việc kiêng khem mê tín, Châu nói thỉnh thoảng lao động chân tay để đầu óc được thư giãn”.

Theo Hồ Ngọc
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG