> Nhật có thể mua 49% cổ phần trong nhiều dự án dầu khí
> Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể khởi công vào quý III
Một trong những lễ ký kết khởi động Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Xuân Ba. |
Liên danh gồm 5 nhà thầu danh tiếng của Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Malaysia đã được chọn trao thầu.
Nếu như ở Dự án Lọc hóa dầu Dung Quất, Việt Nam bỏ 100% vốn thì tại Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, một điểm son của đầu tư nước ngoài, trong 9 tỷ USD tổng vốn, Việt Nam chỉ phải góp 25%, rất vừa sức trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
May mắn, có lẽ đến thời điểm này, hoa hậu Nghi Sơn đã không lỡ lứa, quá thì?
Tại sao Nghi Sơn?
Kể cũng vui cho sự hồn nhiên của dân mình nương theo cái lý một người làm quan cả... vùng được nhờ? Một dạo ầm cả lên rằng nhờ có ông Phạm Văn Đồng cùng Trần Đức Lương nên Quảng Ngãi đùng cái có lọc dầu Dung Quất (?) Tương tự thế, người ta xì xào may có ông Lê Khả Phiêu nên Thanh Hóa mới nẩy ra lọc dầu Nghi Sơn.
Chuyện đàm tiếu ấy rồi cũng lắng khi thiên hạ dần dà bừng tỉnh Dung Quất là cái cớ là cú hích cho động lực kinh tế là bài toán thoát nghèo cho miền Trung.
Và cao hơn cú hích thoát nghèo cho mênh mông Nam Thanh Bắc Nghệ, Nghi Sơn từ lẩu lâu (thời ông Lê Khả Phiêu đương còn bấn bíu trận mạc) đã được nhắm làm chỗ đứng cho một Trung tâm Lọc hóa dầu với nhiều lợi thế thủy, bộ cùng là thương mại.
Ngay từ những năm cuối bảy mươi của thế kỷ trước (có tài liệu khẳng định từ năm 1974), những cái đầu tỉnh nhất của ngành dầu khí Việt Nam đã manh nha đã tính toán một cơ sở chế biến dầu tại Nghi Sơn bởi lợi thế Nghi Sơn khó đâu có được.
Bữa ngồi với một chuyên gia lọc hóa dầu, tôi biên được những chuyện sau:
Quốc gia nào trên đường phát triển kinh tế cũng ước mong có nhà máy lọc dầu. Nhà máy lọc dầu là hạt nhân, là nền tảng của ngành hóa dầu (petrochemical), một hoạt động căn bản trong tiến trình phát triển công kỹ nghệ, vì đó là một kỹ nghệ sinh-ra-những-kỹ-nghệ-khác.
Ở Á Châu, từ những thập niên 1950-1960, Nhật Bản đã dành những nỗ lực đặc biệt để xây dựng một kỹ nghệ hóa dầu quy mô, mặc dù trong nước không có một giọt dầu thô.
Rồi Ðại Hàn, Ðài Loan và Singapore (cũng không có dầu thô) cũng theo gương Nhật, không những sản xuất cho nội địa mà thật sự nhắm mạnh về xuất cảng. Rồi nữa, Malaysia, Thái Lan và đặc biệt là Trung Quốc cũng đặt ưu tiên cao nhất cho ngành hóa dầu.
Tây phương càng không phải nói, với những kinh nghiệm phát triển ở Anh, Pháp, Ðức và Ý. Ở Hoa Kỳ, kỹ nghệ hóa dầu cũng thuộc loại quan trọng hàng đầu.
Trở lại những năm gần, Nghi Sơn đã được mặc định trong nghị quyết của Trung ương lẫn địa phương việc chuẩn bị xây dựng nhà máy lọc dầu.
Nghi Sơn được chuẩn bị. Háo hức cuối năm 2003, cánh báo chí được mời vô để chứng kiến sự kiện thị trấn nghèo vắng vẻ Nghi Sơn thành thị xã với diện tích tự nhiên 11.800 ha với dân số chỉ gần 65.000 người. Đã đăm đăm cùng mòn mỏi biết bao con mắt đợi Dự án Lọc hóa dầu. Chợt chột dạ cái năm bao cấp ấy được đến Long Thành của Đồng Nai.
Ông chuyên gia Xô Viết về lọc hóa dầu vẽ ra một tương lai gần là chỉ 3 năm nữa thôi, xứ lau lách bạt ngàn của đất Long Thành này sẽ long lanh một tổ hợp lọc hóa dầu chả kém gì Ba Cu của Liên bang CHXHCN Xô Viết.
Một góc cảng nước sâu Nghi Sơn. |
Thời gian nhoáng cái đã khiến một Long Thành với những niềm tin chắc khừ ấy trở nên lung lay, hoang phế. Rồi một Dự án Lọc hóa dầu Long Sơn của Vũng Tàu Bà Rịa bị bỏ quên? Rồi một thời những đàn bò thả rông thư thả đếm bước trên những con đường dẫn vào nơi sẽ đặt địa điểm nhà máy lọc dầu Dung Quất của Quảng Ngãi. Tôi cũng đã bắt gặp những đàn bò đủng đỉnh như thế sau này ở thị xã Nghi Sơn.
Thời điểm ấy có tâm lý sốt ruột nôn nóng để lập đầy khu công nghiệp Nghi Sơn... Những địa lợi trời cho của khu kinh tế Nam Thanh Bắc Nghệ đã được chính phủ phê duyệt rộng 18.611 héc ta gồm khu thuế quan và phi thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng nước sâu khu dịch vụ - du lịch.
Một bọn cò đã dẫn đám vô lại Yang hay Dương tận Hồng Kông (sau khi lừa địa phương nghèo Hà Tĩnh không xong) về Nghi Sơn trưng ra cái dự án 30 tỷ USD! May thay, chuyện cô hoa hậu của cái gia đình nghèo khó Nghi Sơn đã không bị thất tiết với đám vô lại ấy mà công đầu phát giác phải thuộc về cánh báo chí chuyên tọc mạch!
Rồi Dung Quất ra dầu, xuất xăng. May mắn, đến lượt Nghi Sơn được khởi động!
Đánh thức nàng công chúa ngủ quên là một kiểu nói cách gọi. Và ở đây, khiêm tốn thôi, hoa hậu Nghi Sơn đã không lỡ lứa, quá thì. May mắn đã không thất tiết với một gã Yang nào đó (từng khoe ầm lên là hào hoa phong nhã và có gia sản 30 tỷ?!) giờ nàng lại gặp được ý trung nhân.
Chàng trai tuấn tú - Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn. Công ty gồm ba bên Việt Nam - Kuwait (Cô oét) - Nhật Bản liên doanh góp hơn 9 tỷ USD thực hiện Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn: PetroVietnam PVN góp 25,1%, Tập đoàn dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait Petroleum International) - 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan ICK- 35,1%, và Công ty hoá chất Mitsui MCI - 4,7%.
Trần ai thủ tục cưới xin
Cũng chả phải ngẫu nhiên Nghi Sơn lọt vào mắt xanh của 3 nên liên doanh.
Đầu tiên là cái cảng nước sâu Nghi Sơn. Xứ mình thì có nhiều cảng nước sâu nhưng tàu dầu cỡ lớn của quốc tế như VLCC cỡ 250.000 tấn hoặc hơn thì chỉ vào được Nghi Sơn. Còn Dung Quất chỉ phù hợp cỡ tàu AFRAMAX cỡ 100 - 150.000 tấn và tàu loại PANAMAX dưới 60.000 tấn. Mà dân buôn dầu thường lựa tàu trọng tải lớn thì mới ăn!
Lọc dầu là bước đầu tiên để lựa hàm lượng lưu huỳnh rồi mới tiếp đến bước hóa nghĩa là chế thành 11 loại sản phẩm.
Trong số 11 chủng loại ấy có xăng 90-92-95, dầu hỏa, dầu diésel, dầu FO, benzel, nhựa đường... Rồi nữa, sản phẩm quý giá khác từ hoá dầu là chất dẻo.
Công suất 200.000 thùng/ ngày, tương đương 10 triệu tấn/năm bằng công nghệ hoá dầu tiên tiến, Nghi Sơn mỗi năm bình quân làm ra 300.000 tấn chất dẻo. Thời giá bây giờ khoảng trên ngàn USD/tấn, gấp 4 lần một tấn xăng cao cấp.
Người dân Nghi Sơn phập phồng chờ Dự án. |
Trong quá trình đàm phán, Kuwait Petroleum International đã thoả thuận cung cấp cho Nghi Sơn 100% nguyên liệu trong quá trình vận hành. Dầu Trung Đông không được ngọt như Bạch Hổ, thuộc loại chua nghĩa là tỷ lệ lưu huỳnh cao.
Với công nghệ hiện đại, Nghi Sơn đều xài dễ dàng cả chua lẫn ngọt (Dung Quất chỉ xài được dầu ngọt dạng như Bạch Hổ) đảm bảo ổn định lâu dài đầu vào của nhiên liệu.
Những mê đắm ấy hóa ra lại dẫn đến những năm tao bảy tiết gian nan của việc cưới hỏi. Đầu tiên tạm gọi thứ thách cưới hoành tráng nhưng không ít những khốn khổ! Ấy là khoản giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án.
Bao nhiêu là những gian nan tất tả các phương án đền bù cho hàng ngàn hộ dân xã Tĩnh Hải (Tĩnh Gia) phải di dời để nhường chỗ cho nhà máy lọc hóa dầu đứng chân.
Các mức giá cho đất thổ cư, đất vườn, đất ruộng đất sản xuất và gần như sau cùng là kinh phí hỗ trợ cho tái định cư vv... và vv... Câu nói vui giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước không ngại bằng thời buổi này giải phóng mặt bằng!? Một thời ở Nghi Sơn là bời bời những nan giải GPMB.
Có lắm duyên do dẫn đến trục trặc vướng trở. Đã xảy ra những la lối, xô xát kể cả chuyện buồn súng nổ, người chết... Mồ hôi, máu, công sức của quan của dân Thanh Hóa, của Tập Đoàn dầu khí Quốc gia - PVN suốt 7 năm qua đã đổ xuống đất này để bàn giao mặt bằng sạch 328 ha cho nhà máy đứng chân!
Cũng phải kê biên ra đây công sức của các ông mối đã từng lao tâm khổ tư đã làm nên mối nhân duyên đẹp. Sau nhiều cuộc thương thảo không phải dễ dàng giữa các đối tác, đầu năm 2008, Lễ ký kết hợp đồng Liên doanh dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn đã diễn ra với sự chứng kiến của các vị: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait - Mohamemad Al Aulaim; Ông Tổng lãnh sự Nhật; và lãnh đạo tỉnh ủy UBND tỉnh Thanh Hóa...
Vẫn chưa xong. Tiếp theo là 3 cái... lễ nữa. Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư; Lễ ký thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa các đối tác;Lễ khởi công san lấp mặt bằng...
Tưởng đã có thể định ngày cưới, hóa ra vẫn còn phải đợi!
Thế mà nhoáng cái 5 năm đã vèo qua. Giải thích sự chậm trễ này, cách đây không lâu (đầu tháng 10-2012), ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch PVN, thận trọng như bản tính của ông rằng, các ông với tư cách góp vốn đầu tư cũng sốt ruột lắm lắm.
Nhưng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, Dự án được tiến hành theo quy chuẩn quốc tế, các đối tác phải cân nhắc cẩn trọng trước khi quyết định rót vốn. Cả hai đối tác, Nhật và Kuwait đều muốn những điều khoản tương đối vững chắc... Hiện tại về cơ bản đã giải quyết xong.
Điều khoản ấy là gì nhỉ?
Ông Phùng Đình Thực chỉ cho tôi tìm đến Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nơi tập trung các đầu mối... Ông cho biết thêm, thời gian 5 năm tưởng như bình lặng lẫn rì rì chậm với người khác nhưng là gấp gáp là quyết liệt với nhiều cá nhân bộ phận có trách nhiệm của PVN cùng những cơ quan có trách nhiệm khác trong việc thương thảo, đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia cũng như đẩy nhanh tiến độ đàm phán...
Đến Công ty TNHH Lọc hóa dầu, tôi không có dịp gặp lại hai nhân vật từng khai sơn phá thạch gây dựng công ty những ngày đầu gian khó. Chị Bình. Anh Dương. Bây giờ hai người đương chững chạc ở vị thế mới.
Chị Trần Thị Bình, chuyên gia Lọc hóa dầu là Phó TGĐ Tập đoàn. Còn Cao Hoài Dương là Tổng Giám đốc Tổng Công ty phân bón hóa chất dầu khí.
Bây giờ GĐ Công ty là người nước ngoài. Ngồi với người phó, tôi không lúng túng trước cái cười xinh của người đẹp Võ Thị Thanh Ngọc, Phó GĐ Công ty nhưng hơi hoang mang trước sự kín kẽ của chủ nhà.
Bởi chuyện gần chuyện xa cũng chả thể moi được cái ý tứ nào trong các điều khoản mà các đối tác ấy đã đề nghị quyết liệt dai dẳng này khác. Cứ ám lâu mỗi một chi tiết này thôi.
Cô Phó TGĐ hé ra là suốt những năm đàm phán ấy, chỉ mong được điện thoại thôi đổ chuông, được nghỉ ngơi là lấy làm may mắn lắm rồi!
Tổng vốn đầu tư Dự án là 9 tỷ USD thì gần 5 tỷ USD là vốn vay. Vay ở đâu? Tôi cũng loáng thoáng biết được những trần ai để các đối tác tiếp cận được nguồn vốn vay từ JBIC, IFC, NEXI và vài tổ hợp ngân hàng trong nước và quốc tế.
Nhưng tôi cũng được chủ nhà mời dự một sự kiện. Sự kiện? Có lẽ chả thể gọi khác đi được! Sự kiện ấy như là một thứ đăng ký kết hôn vậy? Bởi không có hoặc thiếu sự kiện Lễ ký (lại lễ ký) do Bộ Công thương chủ trì phối hợp với PVN và Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tổ chức vào chiều 15-1-2013 có tên Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ Việt Nam thư trao thầu EPC Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn thì Lọc hóa dầu Nghi Sơn chả thể khởi công! ( Đây đang bàn đến việc hôn nhân hợp pháp chính tắc. Bởi không hiếm việc cưới nhan nhản ra nhưng đã đăng ký kết hôn đâu).
Những nghĩ loáng thoáng, nút thắt cho Dự án được tháo gỡ nguyên nhân do có Cam kết bảo lãnh của Chính phủ nước sở tại gọi là GGU. Rằng có những ưu đãi như hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ưu đãi thuế nhập khẩu này khác nên dự án bây giờ mới xuôi chéo mát mái vv... Nhưng hóa ra, như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (đến dự lễ ký) đã thẳng thắn rằng nếu không chứng minh được Dự án có lợi cho các bên liên quan thì không thể tiến hành việc ký kết hôm nay được.
Chỉ cần một bên kém một chút thiện chí, nôn nóng là Dự án vỡ. Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được tiến hành và thành công theo phương châm cùng thắng, cùng có lợi (Win-Win)
Thanh Hóa, một năm hên?
Tôi gặp trong Lễ ký này các yếu nhân tỉnh Thanh từng bạc mặt trong công cuộc GPMB Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ngoài ông Bí thư Tỉnh ủy Mai Văn Ninh (hồi là Chủ tịch tỉnh từng có mặt ngay tắp lự mỗi khi Nghi Sơn có sự cố này khác) có cả ông Nguyễn Văn Lợi khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy, nay đã hưu.
Ông Ninh bộc bạch, bài học cùng kinh nghiệm xương máu của Nghi Sơn đã trợ giúp Thanh Hóa rất nhiều trong công cuộc GPMB di dời 1.117 hộ ven đường (đoạn từ Tam Điệp vào TP Thanh Hóa) trong việc cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1.
Đầu tháng 2 dương này, sân bay dân dụng Sao Vàng của Thanh Hóa sẽ được khai trương. Cái sân bay cho xứ Thanh, đã rậm rịch triển khai trên quy hoạch lẫn thực địa ngay gần Khu Kinh tế Nghi Sơn và Trung tâm Lọc hóa dầu này.
Nhưng đã điều chỉnh điều chuyển ngay bên sân bay quân sự Sao Vàng, cũng theo phương thức cải tạo nâng cấp tiết kiệm đâu rất nhiều ngàn tỷ.
Đất Nghi Sơn đây thuở trước có Đào Duy Từ không được nhà nước Đàng Ngoài trọng dụng phải bỏ xứ mà đi vào phụng sự Chúa Nguyễn. Thời nay ở xứ Nghi Sơn này hơi bị khác?
Có một người cũng có mặt trong lễ ký. Mà vị này từng xây xẩm với công cuộc GPMB DA Nghi Sơn, ông Lê Đình Thọ. Ông Thọ những năm GPMB là Phó Ban khu Kinh tế Nghi Sơn.
Hoàn thành việc GPMB, ông được điều về làm Phó chủ tịch tỉnh. Rồi được cất nhắc vị thế mới là Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ Việt Nam.
Trong câu chuyện với ông Thọ, được biết, một con lộ 4 làn xe nay mai sẽ được khởi công (chưa rõ là vốn của bên nào?) dài gần 50 km nối liền Dự án Nghi Sơn với Sân bay Sao Vàng!
Thời buổi suy thoái kinh tế cùng lạm phát và những khó khăn này, chả phải bất ngờ uỵch một phát, như có người nói mà là tất tả nhọc nhằn một dự án trị giá 9 tỷ USD kể cũng là một việc hên đầu năm này của Thanh Hóa? Bên cạnh niềm vui, ông Bí thư Mai Văn Ninh cũng hé thêm cơ hội và cũng là thách thức trước mắt và lâu dài.
Ấy là việc tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tìm được việc làm, ngay trong quá trình xây dựng nhà máy.
Theo đại diện chủ đầu tư, sẽ có khoảng 2.000-3.000 lao động phổ thông tại địa phương được tuyển dụng. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cần khoảng 1.000 lao động có trình độ và lao động phổ thông làm việc dài hạn.
Đã từng phập phồng những cái mốc, những là 2013, rồi 2014 và 2017 và những thời điểm gì nữa đây để cái ngày Nghi Sơn ra xăng xuất dầu? Lạy Giời cùng Cơ chế, mong sao cuộc hôn nhân DA Lọc hóa dầu Nghi Sơn trọn vẹn đừng vỡ đổ trong cái thất thường của lòng người thói đời này?
Đầu năm 2013