> Chiến sĩ đảo Sơn Ca luyện tập bắn máy bay
> Cơ sở dữ liệu quốc gia về Trường Sa, Hoàng Sa
Phố nổi giữa biển Đông
Hai ngày hai đêm trên con tàu HQ571, chúng tôi chạm mặt đảo Song Tử Tây. Gần 2 tuần, qua 3 xã đảo, thị trấn, cùng gần chục đảo chìm, nổi của quần đảo Trường Sa là chuyến đi “trong mơ” với bất kỳ ai được đặt chân đến tuyến đầu thiêng liêng của Tổ quốc.
Để bước thật chậm trên dải đường bê tông phẳng lì từ cầu cảng vào trung tâm thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn), hít những hơi thật sâu, cảm nhận vị nồng ấm của đất, mặn mòi của biển.
Hai bên những hàng cây xanh mướt, thẳng tắp. Từng ngôi nhà hai tầng mái ngói đỏ tươi nằm bên Nhà khách Hà Nội, cách đó vài dãy có Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ...
Đối diện bên trục đường sân bay là ngôi chùa Trường Sa Lớn uy nghiêm. Diện mạo đảo ngày một khang trang, bề thế. Dáng vẻ của phố thị đang hiển hiện. Đằng sau cột mốc chủ quyền, tấm biển đá ghi rõ: “UBND thị trấn Trường Sa”.
Đặt chân đến bất kỳ đảo nào, đều dễ dàng nhận thấy những hàng trụ điện bằng quạt gió, năng lượng mặt trời chạy ôm quanh đảo, xen giữa hàng cây phong ba, bão táp. Giữa trung tâm các đảo, không thiếu trụ cột ăng ten tiếp sóng điện thoại, truyền hình.
Cán bộ và người dân trên đảo có thể sử dụng khá thoải mái các thiết bị điện như ti vi, quạt máy, nồi cơm, ấm nước, tủ lạnh, điện thoại...
Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng kiêm Chủ tịch thị trấn Trường Sa, vui vẻ: Những năm gần đây, cơ sở vật chất của đảo ngày càng hoàn thiện, điều kiện sinh hoạt của quân và dân được cải thiện đáng kể.
Gắn bó với đảo từ năm 16 tuổi, kinh qua đủ các loại đảo chìm nổi ngoài Trường Sa, Trung tá Đinh Trọng Thắm - Đảo trưởng kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn, cũng không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay ở đây. Toàn đảo Sinh Tồn hiện có 12 trụ quạt gió, 72 trụ đèn chiếu sáng.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thư, Phó chính ủy Đoàn Trường Sa (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân), Phó chủ tịch HĐND huyện đảo Hoàng Sa: Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều được triển khai hệ thống năng lượng sạch và máy phát điện dự phòng. Ngôi trường đầu tiên đang được triển khai, đảm bảo các yếu tố cơ bản phố thị về điện, đường, trường, trạm...
Chào đời trên biển đảo
Hơn 3 tuổi, bé Hồ Song Tấn Minh (đảo Song Tử Tây) theo anh chị đến lớp mẫu giáo tại phòng học trong trụ sở UBND xã. Minh không chỉ là công dân nhí đầu tiên được sinh ra ngay tại Trường Sa mà cái tên mang “sức nặng” của tên đảo, tên 2 vị tướng.
Chị Trương Thị Liên (35 tuổi), mẹ Minh kể: Ban đầu, gia đình gọi cháu bằng tên Út Tư vì là đứa thứ 4. Nhưng sau có đoàn công tác biết chuyện, một vị cán bộ xin ghép tên họ bố (Hồ), tên đảo (Song) và tên hai vị tướng Tấn và Minh trong Hải quân để đặt cho cháu. Lần nào gặp khách, Minh nhoẻn cười hồn nhiên. Không khí trong lành biển đảo, chất biển trong từng bữa ăn giúp Minh luôn khỏe mạnh.
Mỗi năm, các xã đảo, thị trấn Trường Sa lại đón thêm mầm sống mới. Như bé Đặng Phương Nam mới 13 tháng tuổi, con cô giáo Bùi Thị Nhung - trường Tiểu học thị trấn Trường Sa.
Bên dãy nhà liền kề san sát của các hộ dân, không gian đảo thêm gần gũi với tiếng cười nói, học bài ê a của trẻ. Anh Nguyễn Văn Trung (38 tuổi, hộ dân Trường Sa Lớn), bộc bạch: Ở đảo, điều kiện sinh hoạt không thua kém gì đất liền, cơ ngơi khá đầy đủ, với ti vi, tủ lạnh, máy giặt...
Người dân tăng gia sản xuất, trồng rau, thả gà để thay đổi bữa ăn. Trước đây, một số gia đình liên kết chung nhau đi thuyền thúng đánh bắt gần bờ các loại cá bò, giò để về bán cho bộ đội, nâng cao thu nhập. “Mạng di động gọi lúc nào cũng được nên không còn cảm giác xa xôi, cách trở so với đất liền. Các trường hợp đưa con vào bờ học, khám chữa bệnh hay sinh đẻ... đều được đảo tạo điều kiện tối đa”, anh Trung nói.
Du lịch Trường Sa
Cán bộ chiến sĩ làm công tác tuần tra quanh đảo. |
Trung tá Nguyễn Văn Lưu, cán bộ quân chủng hải quân - người nổi tiếng với thâm niên gần 40 lần dẫn đoàn ra thăm Trường Sa, kể: Bây giờ ra đảo thuận lợi hơn nhiều. Chỉ vài chục năm trước, việc ra Trường Sa hầu hết phải dựa vào kinh nghiệm. Trang thiết bị hạn chế.
Nhiều lúc đến được đảo rồi nhưng không thể tiếp cận vì sóng to. Trên thuyền, dưới đảo chỉ biết nhìn nhau rồi vẫy tay chào tạm biệt. Tàu phải rời đi thăm đảo khác.
Theo Trung tá Lưu: Con tàu HQ571 chính là niềm tự hào của lực lượng Hải quân, vừa được bàn giao và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 3-2012. Giúp công tác ra thăm đảo chẳng khác nào đi du lịch giữa biển Trường Sa.
Thiếu tá Nguyễn Văn Sửu, Thuyền trưởng tàu HQ571, tự hào: Đây là tàu chở quân, dân hiện đại nhất của lực lượng của Hải quân hiện nay. Vị thuyền trưởng 42 tuổi có biệt danh “cây phong ba di động” với hơn 10 năm gắn bó với sứ mệnh vận tải quân, nhu yếu phẩm ra các đảo Trường Sa.
Năm 1997, tốt nghiệp Học viện Hải quân (Nha Trang), Thiếu tá Sửu về công tác Vùng 4 hải quân, đảm nhận chức vụ thuyền phó rồi lên thuyền trưởng tàu HQ 613 (loại tàu vận tải, chở hàng).
Không ít lần đối diện trực tiếp với những trận cuồng phong trên biển, nhưng bản lĩnh, sự gan dạ, mưu trí đã giúp vị thuyền trưởng trẻ chèo lái con tàu cập đảo thành công.
Thường trực cuộc sống trên biển, nhìn Thiếu tá Sửu trẻ trung so với tuổi đời, lúc nào cũng nở nụ cười hiền hậu. “Biển khơi cho chúng tôi sự cởi mở, phóng khoáng. Đây cũng là bản chất của những người đi biển, của chiến sĩ Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió luôn tâm niệm biển là nhà, đảo là quê hương”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên, khi nghe tiếng chuông trên đảo Sinh Tồn, liền hứng khởi làm thơ. Tiếng chuông trên đảo Sinh Tồn/Man man cõi Phật, muôn muôn cõi người/Mênh mông biển bao la trời/ Mái chùa thân thuộc ngàn đời hiện ra/ Trường Sa bỗng hóa quê nhà/ Câu kinh tiếng mõ gần xa sớm chiều... |