Trung Quốc leo thang độc chiếm Biển Đông

Trung Quốc leo thang độc chiếm Biển Đông
TP - Trung Quốc sẽ phát hành bản đồ mới rất phi lý bao phủ toàn bộ biển Đông. Theo các chuyên gia, động thái gây hấn này không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền các quốc gia trên biển, trong đó có Việt Nam mà còn là bước leo thang thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông.

> Trung Quốc: Sau bản đồ sẽ là tàu chiến?
> Philippines quan ngại bản đồ mới của Trung Quốc

Bản đồ “Địa hình Trung Quốc” này, do Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press) in ấn, dự kiến sẽ được Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) công bố, phát hành trên toàn quốc vào cuối tháng 1-2013 tới.

Bản đồ “Địa hình Trung Quốc” này, do Tập đoàn xuất bản bản đồ Trung Quốc (Sinomaps Press) in ấn, dự kiến sẽ được Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) công bố, phát hành trên toàn quốc vào cuối tháng 1-2013 tới. Theo báo chí Trung Quốc, bản đồ mới với hình dạng theo chiều dọc, đề cập hơn 130 đảo và quần đảo ở biển Đông. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.

TSKH. Lương Văn Kế (Khoa Quốc tế học, ĐH KHXH&NV Hà Nội), chuyên gia biển Đông:

“Cuộc chiến” bản đồ phi lý

TSKH. Lương Văn Kế
TSKH. Lương Văn Kế.
 

Ai cũng có quyền vẽ bản đồ theo khả năng, năng lực tiếp cận, đánh giá, đo đạc, khảo sát. Ví dụ như Việt Nam có thể vẽ bản đồ của Mỹ nhưng vấn đề ở đây vẽ bản đồ theo mục đích nào. Nếu nhằm động cơ xuyên tạc, tạo cơ sở pháp lý sai trái thì phải lên án, phản đối.

Theo tôi, động cơ Trung Quốc xuất bản, phát hành bản đồ mới, có đến hơn 130 các đảo, quần đảo ở biển Đông lần này tiếp tục là động thái phục vụ cho mưu đồ độc chiếm biển Đông của nước này.

Vẽ bản đồ là việc của Trung Quốc, nhưng nếu gom các đảo, quần đảo ở biển Đông vào cái gọi là cương vực, lãnh thổ quốc gia của nước này rõ ràng là hành động sai trái, phi lý, mang mục đích chính trị đối nội, đối ngoại của Trung Quốc.

Cùng với chiêu bài này, trước đó Trung Quốc thông qua Luật về thăm dò đáy biển mà thế giới rất quan ngại. Rõ ràng các động thái của Trung Quốc đang muốn chứng minh một cơ sở pháp lý ngụy biện cho sự chiếm biển Đông của mình.

Nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế. Nói rộng ra ở đây, bên cạnh cuộc chiến “võ mồm” rêu rao các chứng cứ xuyên tạc,vi phạm luật pháp, công ước quốc tế, Trung Quốc đang tiến hành cuộc chiến bản đồ với hộ chiếu in hình đường lưỡi bò, và sắp tới là bản đồ “địa hình Trung Quốc”.

Thực tế, lợi ích biển Đông với các quốc gia trên thế giới rất đa dạng, nhiều cấp độ nhưng chỉ duy nhất Trung Quốc có tham vọng bá chiếm, tạo ra các xung đột đầy kịch tính trên biển Đông, bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn, như đường lưỡi bò 9 đoạn, quy định cấm đánh bắt cá, kiểm soát tàu thuyền trái phép trên biển...

PGS.TS Trần Ngọc Vương (Hà Nội), chuyên gia nghiên cứu biển Đông:

Trung Quốc leo thang tham vọng độc chiếm biển

PGS.TS Trần Ngọc Vương
PGS.TS Trần Ngọc Vương.
 

Tôi không bất ngờ trước động thái phát hành bản đồ mới của Trung Quốc, nó chỉ là một trong chuỗi hành động hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông mà Trung Quốc đã khởi xướng lâu nay.

Bản đồ ôm trọn các đảo, quần đảo ở biển Đông mà Trung Quốc xuất bản, phát hành lần này tiếp tục đẩy mạnh tham vọng độc chiếm biển Đông.

Không có cơ sở pháp lý nên cái nước này gọi là “tăng cường nhận thức cho người dân” về quyền ích biển nhưng chỉ là hành động xuyên tạc, lừa dối ngay chính người dân nước mình.

Mà cốt lõi ở đây thứ chủ nghĩa dân tộc, ở cả ba dạng thức duy ý chí kết hợp với chủ nghĩa yêu nước kiểu đế chế, tính chất bành trướng. Trung Quốc dựa vào ưu thế nước lớn để bắt ép các quốc gia khác trong mối xung đột.

Việt Nam cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái này, kết nối với các nước bị xâm phạm trong khu vực để tạo tiếng nói chung. Tiếp tục công bố, đưa các tư liệu, chứng cứ pháp lý, lịch sử ra công luận quốc tế để phản đối các hành động leo thang tham vọng độc chiếm biển Đông này.

TS. Nguyễn Nhã (TP Hồ Chí Minh), chuyên gia nghiên cứu biển Đông:

Cần có liên minh an ninh biển

TS. Nguyễn Nhã
TS. Nguyễn Nhã.
 

Việc xuất bản, phát hành bản đồ “Địa hình Trung Quốc” lần này, càng cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ muốn từ bỏ tham vọng sai trái của mình nhằm độc chiếm biển Đông mà còn liên tục tăng thêm tính phức tạp, xung đột trong khu vực. Giải quyết vấn đề biển Đông, đòi hỏi Việt Nam, các nước cần nỗ lực lớn, kiên trì chính sách kiên định, phù hợp.

Nên xây dựng liên minh an ninh biển, trong đó gồm những nước chịu ảnh hưởng tranh chấp trực tiếp: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia... đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cường quốc lớn trong khu vực, trên thế giới.

Trước hết, các nước có tranh chấp trực tiếp cần lên tiếng mạnh mẽ, nếu bản thân mình không cương quyết thì khó có ai có thể giúp. Về lâu dài, cần tăng cường sự đồng thuận ASEAN về vấn đề giải quyết tranh chấp biển Đông, để tạo sức ép chung trước các hành động phi lý, vi phạm chủ quyền và gây hấn trên biển.

Tuy nhiên, cái khó, Trung Quốc lại chọn chiêu bài song phương thay vì đa phương để giải quyết vấn đề rõ ràng không phù hợp và không thiện chí. Cần có các giải pháp đưa vấn đề biển Đông ra công luận quốc tế. Chắc chắn với tính phi lý, không đủ bằng chứng, cơ sở pháp lý, Trung Quốc sẽ chịu nhiều bất lợi.

Yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay hoạt động sai trái

Ngày 14-1, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước một số hoạt động vừa qua của Trung Quốc ở biển Đông, đặc biệt là việc công bố chính thức nội dung và đưa vào hiệu lực “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam”, tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012-2022” trong đó có tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị khẳng định: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, làm cho tình hình biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các hoạt động sai trái đó”.

Vietnam+

Nguyễn Huy
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.