“Bó tay” với khu dân cư tự phát

“Bó tay” với khu dân cư tự phát
TP - Các đô thị ở ĐBSCL xuất hiện nhiều khu dân cư tự phát và chính quyền địa phương đang lúng túng trong xử lý tình trạng “khu ổ chuột hoá” này để ngăn chặn việc tạo ra bộ mặt đô thị nhếch nhác.

> Hàng chục cán bộ bị đề nghị truy tố

Thiếu hành lang pháp lý

Trước thực trạng khu dân cư tự phát mọc lên nhiều, ngày 31-5-2011, UBND TP Cần Thơ có công văn số 1996 chỉ đạo việc xử lý.

Theo đó, các cấp khẩn trương kiểm tra, chủ động xử lý vi phạm. Tuy nhiên, đến nay hầu như chưa xử lý được trường hợp nào, cũng chưa ngăn chặn được tình trạng tự phát.

Điển hình như khu dân cư tại khu vực Bình Thường B, phường Long Tuyền (Bình Thủy, Cần Thơ). Khu dân cư này nằm phía sau một khu dân do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ làm chủ đầu tư nên được quan tâm xử lý, nhưng “bó tay”.

Khu dân cư tự phát rộng hơn 1 ha, có 104 lô nền, hình thành cuối năm 2010, nay đã và đang mọc lên nhiều căn nhà.

Ban đầu, một số người đến mua đất trồng cây lâu năm, cứ 200 m2/người, theo quy định họ được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị.

Sau đó, họ chia ra bán cho các hộ khác 100 m2/nền. Thế là hình thành khu dân cư tự phát không có vỉa hè, cây xanh, chỉ có hai con đường rộng 4 m rải đá sơ sài với cống thoát nước không đảm bảo kỹ thuật. Khu dân cư tự phát này “ăn theo” khu dân cư bên ngoài bằng một con đường rộng 5 m.

Ông Dương Tấn Hiển, PGĐ Sở TN-MT TP Cần Thơ, kiêm GĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất, cho biết việc “ăn theo” của khu dân cư tự phát đã làm quá tải hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía trước, biến cả khu vực thành một cụm đô thị nhếch nhác.

“Chúng tôi đã chỉ đạo Thanh tra Sở TN-MT phối hợp địa phương kiểm tra khu dân cư tự phát để có hướng tháo gỡ”, ông Hiển nói. Dễ thấy sự nhếch nhác của cụm đô thị khi khu dân cư tự phát có mật độ xây dựng đến 90% diện tích, trong khi quy định chỉ cho phép khu dân cư mới xây dựng khoảng 40%.

Ông Huỳnh Trung Thanh, GĐ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Bình Thủy, than rằng chưa xử lý được vì “thiếu hành lang pháp lý”. Ông Thanh kể, quá trình đo đạc cấp sổ đỏ cho các hộ mua bán, phát hiện dấu hiệu “lách luật” để xây dựng khu dân cư tự phát nên đã tạm ngưng, tuy nhiên “rà soát các văn bản pháp lý hiện hành về quản lý đất đai thì chưa có đủ cơ sở để xử lý”.

Quy định của pháp luật, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch được duyệt. Nhưng quy họach sử dụng đất của TP Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 chưa được phê duyệt.

Ông Thanh nói, muốn ngăn chặn các khu dân cư tự phát “điều quan trọng nhất là phải hoàn thành quy hoạch sử dụng đất”.

Bỏ tôm bắt tép?

Trong xử lý tình trạng lập khu dân cư tự phát, tỉnh An Giang là địa phương có những động thái xử lý khá mạnh.

Như báo Tiền Phong ngày 7-1, bài “Lập khu dân cư trái luật: Hàng chục cán bộ bị đề nghị truy tố”, phản ánh kết luận của Công an tỉnh An Giang, điều tra 7 khu dân cư tự phát ở TP Long Xuyên (An Giang) đang đề nghị truy tố 22 người, trong đó có 21 cán bộ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những khu dân cư nhỏ do cán bộ chủ yếu ở cơ sở lập ra.

Ở TP Long Xuyên (An Giang), theo một công văn của Tỉnh ủy An Giang giữa năm 2012, liệt kê được 27 “khu dân cư xây dựng trái luật” mà hầu hết do các cơ quan nhà nước lập ra.

Đó là khu dân cư của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, của Ủy ban MTTQ tỉnh, của Sở VH-TT-DL, Sở Tài chính. Một số sở có 2 khu dân cư như Sở TN-MT, Sở KH-ĐT. Tỉnh Đội An Giang cũng có 2 khu dân cư, ở phường Mỹ Thới và phường Bình Khánh.

Công văn của Tỉnh ủy An Giang yêu cầu các cấp ủy có khu dân cư tự kiểm điểm và báo cáo. Đồng thời, “tổ chức cho cán bộ, đảng viên có lô nền nhà tại các khu dân cư xây dựng trái luật trên địa bàn TP Long Xuyên tự giác kê khai, giải trình, kiểm điểm”.

Việc kiểm điểm nhằm “giúp cho cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhận thức rõ những vi phạm trong quá trình thực hiện, xây dựng khu dân cư”.

Còn với cá nhân “kiểm điểm cán bộ, đảng viên có lô nền tại các khu dân cư xây dựng trái pháp luật sẽ được gắn với nội dung kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4”.

Tuy nhiên, kết quả kiểm điểm cho đến nay, mới tương đối sáng tỏ 7 khu dân cư của các đơn vị và cán bộ nhỏ, còn những khu dân cư của các cơ quan lớn ở tỉnh thì chưa. Dư luận địa phương đang băn khoăn, có bỏ tôm bắt tép?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG