> Xem toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
> Toàn văn Chỉ thị của Bộ Chính trị về lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp
LTS: Ngày 3-12-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký công bố Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tiếp đó, ngày 28-12-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về vấn đề này. Thể theo tinh thần của Chỉ thị, Nghị quyết, với trách nhiệm của mình, báo Tiền Phong mở chuyên mục “Đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” dành cho bạn đọc là công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Mọi ý kiến xin gửi về Ban Bạn đọc - báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, hoặc email: suadoihienphap@tienphong.vn. |
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo nói: Lấy ý kiến nhân dân là việc rất quan trọng trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này.
Việc lấy ý kiến của nhân dân sẽ được thực hiện thông qua 12 kênh khác nhau (Nghị quyết 38/2012/QH13 của QH). Bắt đầu từ ngày 2-1, phải chuyển tải thông tin cho dân thông qua các kênh và các phương tiện thông tin đại chúng.
Cần tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận với dự thảo sửa đổi, các thông tin liên quan khi người dân có nhu cầu. Về nguyên tắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể góp ý kiến vào toàn bộ dự thảo, hoặc tập trung vào một nội dung nào đó mình quan tâm.
Thưa ông khi người dân góp ý kiến của mình họ sẽ thực hiện như thế nào?
Trước hết, các cơ quan có trách nhiệm, chính quyền và MTTQ các cấp cần tạo điều kiện để nhân dân có thông tin chung về dự thảo. Tùy từng người có thể quan tâm đến những vấn đề khác nhau thì sẽ tìm hiểu để có thông tin sâu hơn.
Cơ quan có trách nhiệm sẽ giúp người dân có thông tin đầy đủ về dự thảo, bản thuyết minh để tìm hiểu, góp ý vào những nội dung cụ thể đã được quy định tại dự thảo.
Dự thảo đưa ra lấy ý kiến nhân dân là Dự thảo đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 công bố.
Với ý nghĩa đó, chúng ta cần phát huy đầy đủ quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Ý chí, nguyện vọng của nhân dân cần phải được tổng hợp, tiếp thu một cách đầy đủ, nghiêm túc.
Ngoài việc góp ý trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có thể gửi bằng văn bản đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan, tổ chức quy định tại điều 6 Nghị quyết 38/2012/QH13.
Về phía Ủy ban dự thảo và các cơ quan liên quan, theo ông cần có cơ chế như thế nào để tiếp thu ý kiến nhân dân đầy đủ, chính xác nhất?
Việc này đã có phân công cụ thể, có bộ phận giúp việc để chọn lựa, tổng hợp ý kiến của nhân dân. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp có trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ văn bản, từ các nguồn khác nhau như mạng thông tin của Quốc hội và phương tiện thông tin đại chúng khác trên cơ sở đó sẽ tổng hợp để Ủy ban nghiên cứu, giải trình, tiếp thu những ý kiến có giá trị, phù hợp. Ban biên tập sẽ phải huy động cả cán bộ của Văn phòng Quốc hội, và các cơ quan của QH vào việc này.
Giải trình đầy đủ
Những vấn đề lớn như chế độ chính trị, chế định về quyền sử dụng đất, quyền con người, quyền công dân… mà nhân dân rất quan tâm, góp ý nếu khác với phương án tại dự thảo được tiếp thu ra sao thưa ông?
Thực ra bây giờ mới là bước đầu tiên của quá trình lấy ý kiến nhân dân. Trong quá trình đó, các tổ chức, cá nhân sẽ đóng góp ý kiến của mình. Việc này sẽ thực hiện trong thời gian 3 tháng.
Sau đó, sẽ tiến hành tổng hợp ý kiến của nhân dân để xem xét tiếp thu, giải trình những vấn đề liên quan. Việc báo cáo những vấn đề lớn nêu trên thì có lẽ phải chờ đến lúc tổng kết. Việc tổng hợp sẽ thực hiện vào tháng tư. Lúc đó nếu có những vấn đề đặt ra thì sẽ xem xét cụ thể.
Ban soạn thảo sẽ có báo cáo tiếp thu, nêu rõ những vấn đề gì tiếp thu, vấn đề gì không tiếp thu.
Những vấn đề không tiếp thu phải giải trình đầy đủ, rõ ràng. Vấn đề này cũng sẽ phải báo cáo ra quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 (5-2013). Như vậy, trước đó những vấn đề lớn, hoặc nhạy cảm (nếu có) phải báo cáo ra Trung ương và Bộ Chính trị cho ý kiến.
Cảm ơn ông.
Không nên có “vùng cấm” Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Phó Đoàn ĐBQH Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho biết: Phải làm tốt tuyên truyền vận động để nhân dân đồng thuận, đóng góp bằng trí tuệ, tình cảm của mình cho Hiến pháp sửa đổi, chứ không phải chỉ là hình thức. Để tránh việc Dự thảo mang ý chí của một bộ phận hay thậm chí là của Ban soạn thảo, ý kiến của nhân dân phải được tiếp thu nghiêm túc. Các cơ quan có trách nhiệm phải làm hết sức mình, trên tinh thần dân chủ, công khai, không áp đặt, không hạn chế ý kiến đóng góp của nhân dân. Những ý kiến trái chiều tích cực cần phải được tôn trọng. Tức là phải đảm bảo không có “vùng cấm” trong việc lấy ý kiến nhân dân. Hiến pháp sửa đổi phải thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng nhân dân. Có như vậy mới sát cuộc sống, tạo điều kiện mạnh mẽ cho đất nước phát triển trong thời gian tới. Lần này, ý kiến đóng góp của nhân dân nên công khai rộng rãi. |
Nguyễn Tuấn