Hòn Thơm và những cư dân Robinson

Câu cá trên biển Hòn Thơm
Câu cá trên biển Hòn Thơm
TP - Hòn Thơm thuộc quần đảo An Thới nằm ở phía nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Xã có 18 hòn đảo lớn nhỏ nhưng dân cư chủ yếu tập trung sinh sống ở 2 đảo lớn là Hòn Thơm và Hòn Rọi, còn lại là hoang đảo với vài gia đình “Robinson”.

> 'Thư giãn đèn mờ' trên đất mỏ
> Du lịch sinh thái phá rừng

Đảo Thơm chuyển mình

Từ thị trấn Dương Đông Phú Quốc đi xe du lịch khoảng 30 phút đến cảng biển An Thới, từ đây đi tàu đò chừng 30 phút nữa sẽ đặt chân lên đảo Hòn Thơm. Hòn Thơm là một xã đảo rộng 571 ha, được Thủ tướng ký quyết định thành lập năm 2003, dân số hiện có trên 2.600 người sống chủ yếu bằng nghề đi biển.

Hòn Thơm xưa là nơi trú ngụ của tàu thuyền lúc giông bão hay mùa trăng. Đất lành chim đậu, ngư phủ thập phương trở thành dân nhập cư đông đảo nhất, chủ yếu từ miền Trung trở vào.

Hòn Thơm những năm trước đây khét tiếng với mại dâm và bạo lực. Sau những ngày dài đánh bắt trên biển, ngư phủ tứ xứ tràn lên bờ ăn nhậu, chơi bời và… đánh nhau.

Gái mại dâm, trong đó có người đã bị nhiễm bệnh, từ đất liền ra đảo hành nghề chủ yếu phục vụ ngư phủ. Chương trình “Ngư phủ và bạn tình của họ” do một tổ chức nước ngoài tài trợ đã được chuyển tới Hòn Thơm vào năm 2003.

”Chúa” đảo Trần Thị Thêm và người cháu ngoại trên đảo Mây Rút
”Chúa” đảo Trần Thị Thêm và người cháu ngoại trên đảo Mây Rút.

Tuy nhiên thời điểm đó đã có hai trường hợp chết vì căn bệnh thế kỷ trên hòn đảo này. Lực lượng bộ đội Biên phòng năm 2011 phá một đường dây mua bán gái mại dâm từ Cà Mau ra đảo Hòn Thơm. Khi chưa thành lập xã, Hòn Thơm không điện, không nước, không đường, không trường học, không trạm xá…

Bây giờ Hòn Thơm đang chuyển mình. Nhộn nhịp các tour du lịch ngắm biển, câu cá, lặn ngắm san hô và lên các hoang đảo thưởng thức đặc sản biển. Những hòn đảo nhấp nhô cùng biển xanh, và đá triệu năm sóng vỗ mòn thành những hình thù kỳ thú.

Mùi dứa dại thoảng thơm một vùng. Ngư dân Hòn Thơm đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè. Chủ tịch Hội nông dân xã, ông Phạm Văn Bình cho biết: “Toàn xã hiện có 42 hộ nuôi cá lồng bè, 8 hộ nuôi ốc hương, thu nhập bình quân vài trăm triệu mỗi năm; có những hộ như gia đình như ông Trần Thanh Liêm thu nhập 2 tỷ, hộ Nguyễn Tiến Ngọc thu 650 triệu đồng. Việc mua bán hải sản tươi sống cũng nhộn nhịp ngày đêm”.

Chủ vựa thu mua hải sản “Út Sư Tử”, tên thật là Võ Thị Xuân giải thích: “Hồi đó ở hòn người ta thấy tôi uốn tóc kiểu sư tử nên mới gọi như vậy. Gọi riết rồi thành thương hiệu luôn.

Chứ tôi mà hung dữ thì không bị người ta cướp chồng để thành góa phụ như bây giờ. Thôi thì ráng làm nuôi con ăn học. Thu mua hải sản mỗi ngày cũng kiếm được vài triệu tiền lời. Tết nay bán lứa cá bóp bè trên biển cũng thu được gần tỷ bạc”.

Chủ tịch UBND xã Hòn Thơm, ông Dương Thanh Vân, cho biết: sản lượng đánh bắt hải sản các loại năm 2012 được 662 tấn, đạt 147% kế hoạch; nuôi cá lồng bè và ốc hương được 114 tấn, đạt 207% kế hoạch.

90% dân trên đảo có điện, xã đã có trạm y tế; đã có trường học chung cho ba cấp gồm mẫu giáo, tiểu học và THCS, tổng số 420 học sinh.

Gia đình “Robinson”

Ông Sáu Hoàng cùng con ruột, dâu, rể, cháu trên đảo Mây Rút
Ông Sáu Hoàng cùng con ruột, dâu, rể, cháu trên đảo Mây Rút.
 

Tôi đặt chân lên hòn Mây Rút - hòn đảo nằm cách Hòn Thơm chừng vài hải lí, đi tàu đò khoảng nửa tiếng đồng hồ. Quanh đảo là một khu bảo tồn biển được thả các phao lớn ghi dòng chữ “cấm đánh bắt hải sản”. Thấy có người lạ, đàn chó chừng 5-6 con vây lấy khách sủa vang trời.

“Chúa” đảo, cụ bà Trần Thị Thêm, 83 tuổi, lưng đã còng gập nhưng mắt còn sáng, nói chuyện còn minh mẫn: “Chồng tôi tham gia chống Pháp bị địch truy lùng ráo riết, sợ quá vợ chồng con cái dắt díu nhau trốn biệt ra đây từ năm 1946. Ông qua đời đã mấy năm, thọ 86 tuổi. Tôi sinh tổng cộng 16 người con, 7 gái, 9 trai. Tuy nhiên chỉ nuôi được 10 đứa, con lớn trên 60 tuổi, nhỏ nhất cũng đã tuổi 40. Trước đây tôi đẻ ông ấy đỡ, sau này con đẻ thì tôi đỡ. Nhau rốn thì cũng dùng dao kéo cắt bình thường”.

Theo lời bà Thêm, lúc mới ra đảo gia đình luôn sống trong đói khổ và sợ hãi. Cá đầy dưới biển nhưng mới ra chưa có câu, lưới để đánh bắt. Kiến càng nó cắn, rồi rắn rít bò dưới đất, leo đầy trên xà nhà, con nào con nấy to đùng nhìn phát khiếp.

Những lúc dông bão, sóng biển đập rầm rầm rung rinh cả đảo hoang, thổi bay nhà cửa, đồ đạc. Để có cái ăn trước mắt, hai vợ chồng chặt cây rừng trên đảo đốt than rồi chèo xuồng vào chợ Cây Dừa (An Thới, Phú Quốc) bán đổi gạo ăn, mua câu, lưới… đi về hết cả ngày trời.

Mấy tháng sau khi ra đảo thì trồng được rau ăn, vài ba năm sau cây trái cho quả, cứ vậy bán đổi gạo sống qua ngày. Sau giải phóng vừa sắm được chiếc ghe thì bị bọn cướp lên đảo lấy để vượt biên. Con, cháu, chắt tổng cộng trên 30 người, chưa kể mấy người con gái “xuất đảo” đi lấy chồng.

Hòn Mây Rút bây giờ là cả một đại gia đình “Robinson” với 5 hộ gia đình gồm con, dâu, rể quần tụ tại Bãi Tiên, Bãi Giữa và Bãi Chót. Khách du lịch thỉnh thoảng ghé đảo.

“Cách đây gần 10 năm, có người trong đất liền ra đây hỏi mua cái Bãi Tiên này 3 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Di chúc ông xã để lại cũng ghi là không có bán đất, bán đảo gì hết, để lại cho con cháu đời sau nó ở”, bà Thêm nói.

Người con thứ sáu của bà Thêm, ông Phạm Minh Hoàng (sáu Hoàng) đã 60 tuổi hiện sống ở Bãi Giữa, tham gia du kích xã từ năm 1975, từng là trung đội phó của Đại đội 3 (Huyện đội Phú Quốc), sau đó làm xã đội trưởng An Thới.

Gia đình có 7 người con, lớn nhất 32 tuổi, nhỏ nhất 15 tuổi, ông đã có dâu, rể. Sau khi xuất ngũ ông Hoàng lại trở về hòn Mây Rút sống bằng nghề câu mực. Gia đình ông vẫn sống trong căn nhà lá tồi tàn ven biển, tài sản trong nhà hầu như không có gì ngoài mấy cái nồi nấu cơm và chiếc giường tự lắp ghép để ngủ.

“Mỗi đêm câu được vài ba kg mực, mỗi kg bán được 100 ngàn đồng. Cái lo nhất là các cháu bị mù chữ. Trường học xa xôi quá, mà đi học thì lấy tiền đâu ra. Cái nghề đi câu chỉ chạy ăn từng bữa”, ông Hoàng tâm sự.

Hỏi người ta mua đất mấy tỷ bạc sao không bán vào đất liền mà ở, ông Hoàng lại lắc đầu: “Tôi sinh ra ở đây, đảo Mây Rút là quê hương tôi, và tôi cũng không thể bước qua lời nguyền giữ đảo của người cha”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG