'Công nghệ' rượu pha cồn và cảnh báo chết sớm

'Công nghệ' rượu pha cồn và cảnh báo chết sớm
TPO-Sau hàng loạt cơ sở sản xuất rượu giả bị bắt giữ gần đây, người ta không khỏi giật mình vì "công nghệ" làm rượu giả đơn giản mà độc hại. Các chuyên gia cảnh báo, uống phải loại rượu này có thể tử vong.

> Đột nhập lò sản xuất rượu bằng... cồn tại Hà Nội
> Phát hiện rượu ngâm, dương tính với ma túy

Cơ sở chế biến rượu bằng cồn công nghiệp Thiên Long bị bắt quả tang ngày 26-12. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cơ sở chế biến rượu bằng cồn công nghiệp Thiên Long bị bắt quả tang ngày 26-12. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Nước giếng + phụ gia + đường hóa học = nước ngọt

Liên tiếp thời gian gần đây, Công an TP Hà Nội triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, pha chế rượu không đạt chất lượng, trong đó có cả rượu ngâm cây anh túc và rượu pha chế từ cồn công nghiệp.

Mới nhất, ngày 26-12, Đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp Đội 6 (Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường, Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất nước giải khát, rượu Thiên Long (xóm Hoa Thám, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội), do bà Nguyễn Thị Ngân (SN 1980, trú xóm Hoa Thái, La Phù) làm chủ.

Đoàn công tác bắt quả tang cơ sở này đang sản xuất, pha chế và đóng chai nước giải khát có gas hương cam và rượu Champagne.

Theo ông Kiều Đình Cảnh – Đội phó Đội Quản lý thị trường số 12, tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở thừa nhận sử dụng cồn công nghiệp chế biến rượu, dù công bố chất lượng ghi cồn thực phẩm.

Đối với pha chế nước ngọt, trong khi công bố sử dụng đường kính trắng nhưng thực tế dùng đường hóa học Tang Jing của Trung Quốc (nằm ngoài danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phấp theo quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế).

Chủ cơ sở này cho biết, họ dùng đường Tang Jing, cồn công nghiệp để tiết kiệm chi phí, sản xuất được nhiều và bán rẻ hơn - ông Cảnh nói.

“Từ cồn 95 độ, họ pha chế thành rượu Champagne chỉ còn 15 độ, hoặc các loại rượu khác. Còn nước giếng kết hợp với các chất phụ gia tạo màu, mùi, đường Tang Jing, họ pha chế thành các loại nước ngọt. Dù sản xuất, đóng chai với nhãn mác, bao bì bắt mắt nhưng giá một chai nước ngọt ở đây bán buôn chỉ 1.100 đồng; rượu Champagne, vang đào từ 10.000 - 12.000 đồng. Họ hạ giá thành sản phẩm, thu lợi nhuận cao hơn” - Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6 - Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường – Công an TP Hà Nội cho biết thêm.

Ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu, phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, cơ sở này còn tận dụng, thu gom các vỏ chai nước ngọt ngoài thị trường tái sử dụng.

Nơi chế biến rượu giả. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nơi chế biến rượu giả. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

"Công nghệ" chế rượu giả

Trung tá Phạm Giang Sơn khuyến cáo, năm hết Tết đến, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua những loại rượu làm bằng cồn công nghiệp, dù vẻ ngoài rất bắt mắt; Chỉ nên mua và sử dụng những loại rượu có nhãn mác, thương hiệu được đăng kiểm trên thị trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện nay, có hai ngành sản xuất cồn là cồn công nghiệp và cồn thực phẩm.

Cồn thực phẩm phải áp dụng phương pháp tinh chế cao, được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu sạch như ngô, sắn, khoai có chất tinh bột cao. Khi tinh chế sẽ loại bỏ các chất độc hại ra ngoài, thu được cồn an toàn.

Còn cồn công nghiệp có hàm lượng Methanol, Aldehyt độc hại cao, song giá thành rẻ, pha chế dễ, tăng dung tích rượu nên nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, vì lợi nhuận, dùng chế rượu giả. Một lít cồn công nghiệp có thể pha ba lít rượu.

Ông Thịnh cho biết, quy trình pha chế rượu bằng cồn công nghiệp rất đơn giản, ví dụ tỉ lệ một lít cồn ba lít nước lã là có thể thành rượu có nồng độ cồn 33 độ. Dụng cụ dùng chứa rượu ở những cơ sở sản xuất làm hàng giả thường là những thùng phuy có sức chứa khoảng 220 lít.

Sau nửa tiếng khuấy đều, hỗn dịch cồn công nghiệp và nước trên được cho thêm hương liệu và mùi vị theo ý muốn, là… trở thành các loại rượu (nồng độ tùy theo cách pha chế).

Dễ tử vong

Giá thành rượu cồn thường rất rẻ, chỉ khoảng 10.000đ/lít, do vậy, nhiều người ham rẻ mua uống. Nhưng, cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chỉ cần 20mg/l methanol trong máu là gây ngộ độc và trên 40 mg/l thì ngộ độc nặng.

Uống rượu giả sau vài giờ, nạn nhân có thể ngộ độc; triệu chứng xuất hiện khoảng 12 giờ sau khi uống và cấp tính sau 24 giờ. Nạn nhân cũng có thể tử vong ở thời điểm này.

Triệu chứng sau khi uống rượu giả là loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn và đau bụng. Sau đó, người bệnh nhìn mờ, thấy hai hình hoặc rối loạn cảm nhận về màu sắc, có thể không nhìn thấy…

Triệu chứng nghiêm trọng xuất hiện sau đó là tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và tim ngừng dẫn đến tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân có thể bị mù vĩnh viễn hoặc bị di chứng thần kinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cần tránh xa những loại rượu không rõ nguồn gốc, rượu cồn công nghiệp có giá thành rẻ.

Tràn lan rượu giả

Chiều 21-12, lực lượng liên ngành bắt quả tang năm công nhân đang sản xuất rượu vang Pháp và Chile từ… vang nội ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội). Dưới tầng một của ngôi biệt thự có hàng chục nghìn chai rượu giả đã dán nhãn và tem phụ tiếng Việt...

Các bịch rượu loại ba và năm lít, cùng hàng trăm tem nhập khẩu giả, cũng được tìm thấy. Hàng trăm thùng rượu in nhãn Sparrow DaLat, sau khi bị bóc nhãn sẽ thành vang Bordeaux, Vallee damour - Metisse, Moonlight.

Trong một vụ khác, sau khi thu giữ 5.000 lít các loại rượu tại số 119 A đường Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội), cơ quan chức năng kiểm nghiệm, thấy những bình rượu ngâm động vật và nhiều loại thảo dược khác nhau, trong đó có cả cành và quả cây anh túc.

Viện Khoa học kỹ thuật Hình sự (Bộ Công an) còn phát hiện một số mẫu rượu chứa tại ngôi nhà này có phản ứng dương tính với chất ma túy.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
TPO - Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.