Nhà nghèo mua 12 triệu đồng hoa quả mỗi ngày?

Nhà nghèo mua 12 triệu đồng hoa quả mỗi ngày?
TP - Sau khi lực lượng chống buôn lậu bịt chặt các đường mòn, ngõ tắt trên biên giới Lạng Sơn, tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng), lượng người dân khu vực biên giới xuất cảnh sang Trung Quốc tăng đột biến, mỗi ngày có hơn 2.000 người qua lại, khi về khệ nệ mang, vác hàng Trung Quốc.

> “Lá chắn xanh” chống buôn lậu ở Lạng Sơn
> Hàng lậu áp sát biên giới

Buôn lậu biến tướng

Trung tá Khuất Duy Phúc, Phó trưởng đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: Chưa khi nào cửa khẩu Cốc Nam lại diễn ra tình trạng cư dân ùn ùn kéo đến làm thủ tục xuất nhập cảnh như vậy.

Trong số này, có nhiều người dân địa phương qua biên bằng giấy thông hành và mua hàng theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày.

Lợi dụng điều này, nhiều đầu nậu đã thuê sổ thông hành, thuê dân bản địa vận chuyển hàng lậu với thù lao cao.

Ngày trước công mang vác hàng chỉ là 2.800 đồng/kg, nay tăng lên 7.000 đồng/kg. Nhiều cụ già bảy, tám mươi tuổi vẫn lội bùn đi cõng hàng, có gia đình 7-8 người đều sang trao đổi hàng bên Trung Quốc.

Cụ Nông Thị E ngoài sáu mươi tuổi, loáng một chốc qua chợ Lũng Nghịu bên kia biên giới, lúc về mang về một đống giầy, tất, áo ấm các loại. Cụ cười bảo: “Mùa đông rồi, thời tiết vùng biên lạnh lắm, mua về mặc thôi”.

Một cán bộ hải quan đang trực tại cửa khẩu Cốc Nam cho biết, hôm qua, cụ cùng con, cháu mua chăn, hàng mùa đông về, lúc khai báo, giá mỗi đôi giầy chỉ có 5.000 đồng, còn chăn giá 30.000 đồng. “Biết là có sự gian dối, nhưng chúng tôi đành phải bó tay”.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn (HQ) cho biết, để hạn chế người dân bị lợi dụng mang vác thuê hàng hóa tiêu dùng, thời gian qua, lực lượng hải quan (HQ) thu thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Biện pháp này đã tỏ ra có hiệu quả, nhưng theo quyết định 139/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 254 về quản lý hoạt động thương mại với các nước có chung đường biên giới, cư dân biên giới được mua hàng hóa nhập khẩu trong định mức 2 triệu đồng mà không phải chịu bất kỳ loại thuế nào.

Quy định này khiến cơ quan HQ lo lắng, nếu không có biện pháp thống nhất trong quản lý hóa đơn chứng từ, thì nạn mang vác hàng thuê sẽ bùng phát, ông Trưởng nói.

Ông dẫn chứng, một gia đình nghèo giáp biên giới có 6 người không thể ăn hết 12 triệu đồng tiền hoa quả một ngày, nhưng họ vẫn đi chợ biên giới mua hoa quả đều như vắt chanh. Và khi hàng về, các đầu nậu thu gom, thoải mái đưa về nội địa tiêu thụ.

Tăng cường kiểm tra

Trước thực trạng trên, Cục HQ Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị tăng cường chống buôn lậu, tập trung lực lượng và phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu để quản lý chặt chẽ số người xuất cảnh, nhập cảnh mang vác hàng hóa.

Ngày 17-12, đoàn công tác Ban 127 T.Ư có buổi làm việc tại tỉnh Lạng Sơn, đi thị sát, kiểm tra một số “điểm nóng” buôn lậu, cửa khẩu biên giới.

Các ngành chức năng địa phương đề nghị trung ương sớm ban hành những hướng dẫn cụ thể, thực hiện Quyết định 254, sửa đổi Thông tư liên tịch 06 liên bộ, nhằm hạn chế việc lợi dụng chính sách để buôn lậu.

Điểm nóng Cốc Nam được tăng cường 13 cán bộ HQ tập trung phân luồng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa cư dân biên giới ngay tại khu vực cổng một, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, lợi dụng chính sách ưu đãi để mang vác hàng lậu qua cửa khẩu.

Thượng úy Đào Công Ngọc, Phó trạm Biên phòng Cốc Nam cho biết, đơn vị điều động thêm nhân lực để kiểm tra, đóng dấu kiểm chứng Biên phòng, siết chặt kiểm tra đúng đối tượng thuộc diện hưởng chế độ 254, cương quyết chỉ giải quyết một lượt người/ngày qua biên giới.

Tại cổng kiểm soát “số hai” (tiếp giáp nội địa), có Tổ công tác phối hợp giữa hai lực lượng HQ và Biên phòng, chia ca, kíp thường trực tuần tra, kiểm soát và chốt chặn 24/24.

Kiểm tra tất cả phương tiện qua lại khu vực cửa khẩu, nếu phát hiện hàng hóa vận chuyển không có giấy tờ hợp pháp, không chính chủ thì tạm giữ, xem xét xử lý theo quy định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.