Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52

Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52
TP - Dưới nền trụ sở báo Tiền Phong có một căn hầm đã được lấp. Nhưng chúng tôi biết chỉ khơi chút chút cái nền nhà kia là phát lộ một tầng vỉa của một quá khứ tất tả, bi hùng... Lòng đất Thủ đô chỗ nào mà chả có tầng vỉa ấy?

> Con trai giáo sư Từ Giấy và 'cẩm nang đỏ' (kỳ 3)
> Kỳ 2: Từ nơi này, Vũ Xuân Thiều đã vút lên
> Kỳ 1: Chuyện với tướng quân Phùng Thế Tài

Ông hàng xóm của tôi, cựu phóng viên báo Tiền Phong nhà thơ Phan Cung Việt có lắm cái lạ. 40 năm tòng sự nhõn một sở làm. Lắm anh nói vui, hoặc là yêu nghề lắm lắm hoặc là gàn lắm lắm thì mới vậy? Riêng tôi thấy ông tuổi càng cao càng chăm.

Ông chăm tập thể dục sáng. Chăm viết. Bằng cớ khuya lắc khuya lơ, cửa nhà ông vẫn sáng đèn. Ông hội viên Hội Nhà văn này chăm ra sách. Mỗi năm đều có thơ tập, truyện tập. Mỗi một việc lười, thất thập rồi mà vẫn sao nhãng chuyện vợ con chưa cùng ai cả?

Năm 1972, Phan thi sĩ này có hai dấu mốc quan trọng như ông nói, không phải đáng nhớ mà cần thiết phải nhớ! Năm ngày khi Thành cổ Quảng Trị được giải phóng, PV Báo Tiền Phong Phan Cung Việt đã có mặt.

Nên nhớ thời điểm đó, chưa có phóng viên nào vượt qua sông Bến Hải vào miền Nam trừ những phóng viên theo cánh Tây vượt Trường Sơn vào chiến trường B. Phan Cung Việt theo thuyền đánh cá đi đường bể.

Sau đó ông ghé Vĩnh Linh vượt tuyến vào một xã thuộc Triệu Phong và chạm mặt với sông Thạch Hãn. Giở tờ Tiền Phong hồi ấy thấy 3 phóng sự vắt qua 3 kỳ báo ký tên Phan Việt Nguyên.

Dấu mốc thứ hai. Phan Việt Nguyên mấy đêm suýt chết ở nội ngoại thành trận B52 cuối năm 1972. Như nhiều phóng viên khác, ông theo sự phân công của Ban Biên tập phải ra chỗ bom đạn mà viết bài.

Bây giờ giở tờ Tiền Phong số ra ngày thứ năm 26-12-1972 (hồi ấy Báo ra tuần 2 số, thứ năm và chủ nhật) đã ố vàng nhưng vẫn rõ chữ. Có vẻ số ra thứ năm (26-12 tập trung về sự kiện B52 đánh Hà Nội), phóng sự Chí thép trong vòng lửa của Phan Việt Nguyên rờ rỡ trên trang 2.

Bên trên tên tác giả là con số 21-12-1972. Có chi tiết một anh tự vệ nhà máy nọ tham gia tiếp đạn phòng không. Quê ở Bình Định tập kết. Có 3 con trai nghe nói đã vào quân giải phóng... Chuyện cũ, người cũ.

Những xa ngái cùng thăm thẳm bóng người, sự kiện. Giờ đọc lại vẫn cứ rân rân... Cũng số báo ấy, bên cạnh là bài Chiến công thầm lặng viết về đêm Bệnh viện Bạch Mai bị dính bom lần đầu đợt B52 ký tên Lê Thị Minh Khuê.

Không biết có phải nhà văn Lê Minh Khuê bây giờ? Sau hỏi ra thì đúng. Khi ấy chị mới ở cung đường ác liệt bom đạn bời bời Dốc Bò Lăn, Khe Nước Lạnh thuộc Tổng Đội TNXP Thanh Hóa quản lý chuyển về báo Tiền Phong làm phóng viên chính thức.

Lật tiếp trang nữa. Ghi nhanh Hải Phòng bốc lửa căm thù của hai phóng viên Đăng Trung và Đào Quản. Bên trên tên hai tác giả là dòng chữ số nói lên nhiều điều 24-12-1972. Trận ấy B52 và F111 tập trung bom như hủy diệt Thành phố Cảng.

Nhớ lâu hơn dòng kết tinh mơ đã thấy các chị công nhân vệ sinh tạp dề gọn gàng cần cù từng nhát chổi trên đường phố Hải Phòng sạch sẽ bình tĩnh đánh Mỹ. Cụm từ sạch sẽ nếu chả may rơi vào tay anh biên tập ẩu tả chắc bỏ mất...

Sang một trang khác, cũng số báo ấy có bài chân trang Gia đình hiếm có ký tên Vũ Duy Thông, phóng viên TTXVN thường trú tại Bắc Thái.

Bài báo viết về một gia đình 25 năm suốt hai cuộc kháng chiến có 11 con cháu kế tiếp nhau lên đường đánh giặc. Vũ Duy Thông? Có phải sau này là nhà thơ kiêm quan báo (Vụ trưởng thuộc Ban Tuyên giáo)? Hỏi lại quả là ông này.

Chân trang 4 là ảnh một xâu 6 phi công Mỹ kèm bài Bắt sống giặc lái B52 trên ruộng đồng Vĩnh Phú mà tôi quên mất tác giả.

Bây giờ giở tờ Tiền Phong số ra ngày thứ năm ra ngày 26-12-1972 (hồi ấy báo ra tuần 2 số, thứ năm và chủ nhật) đã ố vàng nhưng vẫn rõ chữ. Có vẻ số ra thứ năm (26-12 tập trung về sự kiện B52 đánh Hà Nội), phóng sự Chí thép trong vòng lửa của Phan Việt Nguyên rờ rỡ trên trang 2. Bên trên tên tác giả là con số 21-12-1972. Có chi tiết một anh tự vệ nhà máy nọ tham gia tiếp đạn phòng không. Quê ở Bình Định tập kết. Có 3 con trai nghe nói đã vào quân giải phóng... Chuyện cũ, người cũ. Những xa ngái cùng thăm thẳm bóng người, sự kiện. Giờ đọc lại vẫn cứ rân rân...

Khá độc đáo, một góc trang khác có bài Phim chiếu trong dịp 3 ngày lễ lớn, 19, 20 và 22 tháng 12. Báo giới thiệu hai phim Không nơi ẩn nấp và Vợ chồng Anh Lực. Phim Vợ chồng Anh Lực có thêm đoạn phim hấp dẫn do Trần Vũ đạo diễn.

Phim nói về cuộc đấu tranh giữa cái riêng và cái chung trên con đường hợp tác hóa tiến lên sản xuất theo quy mô lớn. Bom đạn rầm trời như thế không biết chiếu ở rạp nào?

Một bài khác bên cạnh của GS Nguyễn Cảnh Toàn Về óc thông minh sáng tạo của học sinh viết về một thí sinh đạt điểm cao với phương pháp giải độc đáo trong kỳ thi vào Đại học năm 1972.

Kèm đó là dung lượng đáng kể đăng toàn bộ đề và lời giải. Chao ôi, bom đạn chết chóc tang thương. Thế mà báo chí ta hồi ấy vẫn bình tĩnh nhẩn nha phim ảnh và lời giải hay của một đề toán?

Một phóng viên Tiền Phong cũng qua cửa tử rải thảm Khâm Thiên và Đông Anh là Phương Nam. Tập kết ra Bắc, Phương Nam sau đó trở thành PV Tiền Phong.

Phóng viên Ph­ương Nam vào chiến trường sau lớp những PV Tiền Phong như Sơn Tùng, Tâm Tâm, L­ưu Quang Huyền... Năm 1970 ông xung phong vào Tr­ường Sơn và mặt trận phía nam bám theo nhiều đơn vị chiến đấu với t­ư cách phóng viên mặt trận cùng những bài báo ký tên Phư­ơng Nam với tít đầu khá đậm Từ miền Nam gửi ra.

Bị th­ương nhẹ trong một trận bám theo bộ đội đến tận mặt trận B2, ông đ­ược ra Bắc điều trị thì cũng là thời điểm B52 tập kích Hà Nội.

Phương Nam xung phong đi viết. Ông vác máy ảnh bươn bả khắp nội ngoại thành. Mấy lần bị bom vùi. Số báo ngày 26-12 chắc chật chỗ nên bài của Phương Nam đành xuất hiện ở các số báo khác.

Rồi cái vốn tiếng Anh, tiếng Pháp hồi học ở tr­ường Tây Mỹ Tho và Pérus Ký Sài Gòn hay là cái khiếu viết lách về mảng quân sự của một phóng viên chiến tr­ường... hay điều gì nữa cũng không biết, như­ng ngay sau thời điểm Hiệp định Paris, Phóng viên báo Tiền Phong Ph­ương Nam đư­ợc trên lựa vào vị trí công tác mới: Sĩ quan báo chí của phái đoàn quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, đeo quân hàm thiếu tá.

Cũng cần nói thêm, chỗ thường trú của nhà báo Phương Nam thời điểm đó là căn hầm ngay trong Tòa báo.

Căn hầm được đào năm 1965 bắt đầu cuộc đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Căn hầm diện tích khoảng 20m2 sâu hơn 4m không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi làm việc thường xuyên của Ban biên tập và một số phóng viên những lúc báo động dai dẳng cũng như khi địch trút bom xuống Hà Nội.

Tại căn hầm này từng là nơi xử lý bài vở từ miền Nam gửi ra của các PV Sơn Tùng, Tâm Tâm, Lưu Quang Huyền, Phương Nam và nhiều phóng viên trận mạc ở Hải Phòng, Khu Bốn... Người hàng xóm áp tường của tôi, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong Nguyễn Thanh Dương (đã mất) thường kể với chúng tôi về căn hầm này.

Từ căn hầm, ông đã thức đêm trực tiếp duyệt bài của phóng viên Mạc Lân (con trai của nhà văn nổi tiếng Lê Văn Trương. Mạc Lân đã mất).

Mạc Lân là người đầu tiên lặn lội vào Trại Phong Quỳnh Lập (Nghệ An) khi giặc Mỹ vừa ném bom giết hại nhiều bệnh nhân phong.

Loạt bài viết của Mạc Lân về Trại Phong Quỳnh Lập kèm ảnh trên Tiền Phong thời điểm đó đã vượt biên giới trở thành tư liệu cho nhiều tờ báo quốc tế lên án tội ác dã man này của giặc Mỹ.

Cán bộ PV Tiền Phong thời điểm đó khoảng gần 40 người. Bắt đầu Linebacker- I của không quân Mỹ, từ 16 tháng 4 năm 1972, trừ bộ phận phóng viên trực chiến tại cơ quan, số phóng viên còn lại đều bám trụ hoặc thường trú ở các trọng điểm đánh phá ác liệt.

Đinh Văn Nam (sau này là TBT) và Hoàng Phong bám trụ dài ngày ở Quảng Bình Vĩnh Linh. TBT Nguyễn Thanh Dương trực tiếp về Hải Phòng đang bị phong tỏa.

Ông Dương kể, đêm 26-12-1972 là ác liệt nhất. Suốt từ tối còi báo động rền rĩ cùng tiếng bom, tiếng máy bay ầm ì... Bộ phận phóng viên trực chiến cùng ông ở trong hầm vẫn làm việc.

Khoảng gần 11 giờ đêm, tự dưng căn hầm chao như võng. Tiếng bom nghe cũng khác thường. Vừa dứt chuỗi âm thanh ình ịch ghê rợn ấy thì từ trong hầm mọi người đã nghe tiếng chân, tiếng người la hét thất thanh từ phía hồ Hale ngay sát Tòa soạn. Tất cả quơ vội mũ sắt mũ rơm lên đầu chạy ra.

Trước mặt là dòng người nháo nhác kinh hãi đang chạy. Các con đường Nguyễn Du, Thiền Quang, Nguyễn Thượng Hiền và quanh hồ Hale đều có người từ phía Khâm Thiên xô lại. Len lỏi mãi mà không sao đến được Khâm Thiên vì cây đổ vì gạch đá ngổn ngang và người xô đẩy.

Đến lúc này chúng tôi mới biết B52 vừa ném bom rải thảm Khâm Thiên. Vệt bom kéo dài từ hồ Hale qua bến xe Kim Liên (nay là khách sạn Nikko) chạy dọc suốt dãy phố Khâm Thiên. Vệt bom tính từ hố bom đầu tiên chỉ cách Trụ sở báo Tiền Phong gần 100m!

Lúc đó lại có báo động. Chưa bao giờ tiếng còi lại dễ sợ như vậy. Nhiều cụ già em nhỏ chạy táo tác ngã dúi dụi. Ông Dương túm ngay vội một ông cụ già đang dắt hai cháu nhỏ dìu vội vào căn hầm ở Tòa soạn.

... Lứa chúng tôi về Tòa soạn sau sự kiện B52 ít năm còn biết dấu tích căn hầm ngay dưới nền nhà tầng 1 (tầng trệt). Không biết hầm được lấp thời gian nào? Đầu năm 1979, anh em tự vệ cơ quan được lệnh chuẩn bị khui lại căn hầm ấy phòng khi hữu sự nhưng sau lại thôi.

Rồi yên hàn lâu lâu. Rồi liền nhiều năm, tất thảy tất tả với việc báo cùng là mưu sinh này khác... Rồi Tòa soạn cũ phá đi xây mới. Nhưng chúng tôi biết chỉ khơi chút chút cái nền nhà kia là phát lộ một tầng vỉa của một quá khứ tất tả, bi hùng...

Lòng đất Thủ đô chỗ nào mà chả tầng vỉa ấy?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
Chậm trễ thi công trạm dừng nghỉ cao tốc, Bộ trưởng Giao thông chỉ đạo 'nóng'
TPO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng về tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ và chất lượng các dự án. Bộ GTVT sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm các chủ thể tham gia dự án nếu có không hoàn thành nhiệm vụ.