Những cán bộ 'hư' vẫn được... nuông chiều
> Lượng hóa tham nhũng từng cấp, từng ngành
> Cán bộ giàu nhanh phải đặt nghi vấn
Tại Hội nghị Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay đã bổ sung 19 điều đảng viên không được làm. Thế nhưng việc xử lý cán bộ ở một số địa phương vẫn chưa được rốt ráo. Lãnh đạo lấy lý do chờ thủ tục, việc xử lý phải đúng quy trình, phải bỏ phiếu tập thể... khi đã thực hiện xong cái gọi là “đúng quy trình”, thì những công bộc ấy lại được luân chuyển nhận nhiệm vụ mới như một “đặc ân” hơn là hình phạt.
Chủ tịch thị trấn “ăn” hơn một ngàn cây chổi nhận công tác mới
Động thái giơ cao đánh khẽ trong xử lý công chức vi phạm tại một số địa phương đang trở thành hiện tượng đáng báo động. Thực trạng đó cho thấy công tác tổ chức cán bộ ở một số đơn vị còn nhiều bất cập. Ai chịu trách nhiệm trước dân nếu sai phạm xảy ra một lần nữa?
Thay cho vẻ mặt buồn xo, than thở lúc nhận quét rác tại chợ đêm thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu), gặp lại chúng tôi, bà Nguyễn Thị Điệp khoe: “Tết năm nay má có nhà mới”. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, bà Điệp thú thật chỉ biết vui khi Báo CATP đăng bài phản ánh. Đưa cho chúng tôi tờ báo được giữ gìn cẩn thận, bà Điệp cho biết, bản thân không biết chữ nhưng nhờ đứa cháu đọc hết rồi. Báo CATP đăng tải khó khăn của gia đình, bạn đọc cho tiền mua mền, chính quyền địa phương tặng căn nhà tình nghĩa... cuộc sống của bà không còn cảnh màn trời chiếu đất.
Bà Điệp lấy áo lau nước mắt khi nhớ quãng thời gian cơ cực. |
Trong bùi ngùi, bà Điệp nói: “Người khác khổ lắm không chứ má khổ hết biết. Tình duyên trắc trở đã đành, cuộc sống lại nghèo rớt mùng tơi”. Người chồng trước của bà đã hy sinh trong trận càng của địch để lại bằng Tổ quốc ghi công cùng bốn đứa con đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới.
Bà bước thêm bước nữa với anh lính Cụ Hồ từ miền Đông vào nhưng cuộc sống gia đình không thoát khỏi cảnh nghèo đói. Hàng ngày, bà làm đủ thứ việc như móc đất dưới sông, giặt đồ, bửa củi... nuôi chồng, nuôi con. Tháng 1-2010, bà được UBND thị trấn Gành Hào thương tình cho quét rác tại chợ đêm thị trấn Gành Hào với giá 300.000 đồng/tháng. Do không nhà cửa, bà Điệp dựng căn chòi ẩm thấp cặp nhà vệ sinh.
Cuộc sống khá vất vả, bà cũng chấp nhận. Thế nhưng tiền công quét rác không đủ sống. Bà Điệp nhẩm tính, mỗi tháng mua 10 cây chổi hết 120.000 đồng. Mỗi lần bị bệnh bà thuê người quét hộ 30.000 đồng/ngày. Báo CATP đăng tải những sai phạm của ông Huỳnh Văn Tỏ, Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào, Thanh tra Sở Tài chính kiểm tra. Theo kết quả kiểm tra, từ tháng 1-2010 đến tháng 5-2011, bà Điệp được trả công từ 500 - 1.000.000 đồng/tháng.
Các khoản chênh lệch Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào chỉ đạo thủ quỹ lập chứng từ khống để chi cho ăn nhậu, mua card điện thoại... Bà Ngô Thị Phương Linh, nguyên thủ quỹ của thị trấn Gành Hào, cho biết chính mình là người trực tiếp làm hồ sơ quyết toán, thanh toán cho bà Nguyễn Thị Điệp. Toàn bộ số tiền dư đưa hết cho Chủ tịch UBND thị trấn Huỳnh Văn Tỏ. Thấy việc làm của mình sai, tiếp tay cho cán bộ ăn chặn trên lưng của người nghèo quét rác, bà Linh sợ quá làm đơn xin nghỉ việc. Chỉ riêng khoản ăn chặn tiền công của bà Điệp, ông Tỏ chiếm dụng tương đương một ngàn cây chổi.
Ngoài hành vi chiếm đoạt tiền công quét rác của bà Điệp để ăn nhậu, ông Tỏ có nhiều sai phạm khác như quản lý về tài chính số tiền hơn 600 triệu đồng. Trước đó, hàng loạt tiểu thương ở Trung tâm thương mại thị trấn Gành Hào tố cáo ông Tỏ lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, thông đồng với các tiểu thương khác bán ki-ốt sai quy định. Theo xác minh ban đầu, 73 ki-ốt tại Trung tâm thương mại thị trấn Gành Hào bị đầu cơ. Với chức danh Chủ tịch UBND thị trấn, ông Tỏ đã thông đồng với một số tiểu thương bỏ tiền ra mua ki-ốt rồi sang bán lại. Ngày 28-12-2011, Huyện ủy Đông Hải ra quyết định đình chỉ công tác ông Tỏ để kiểm tra.
Bảy tháng sau, kết luận của Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu ban hành, ông Tỏ bị cách hết chức vụ trong Đảng và trong chính quyền. Thay vì xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, huyện Đông Hải đã điều chuyển ông Tỏ sang công tác Ban Dân tộc Tôn giáo (?).
Giúp đồng nghiệp bằng lãi suất …..90%/ tháng
Trường hợp bà Nguyễn Tố Nga, đảng viên thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm bán đấu giá bị tố cáo cho vay nặng lãi nhưng việc xử lý dừng lại ở mức rút kinh nghiệm. Theo đơn yêu cầu gửi cho Chi bộ Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu và Ban giám đốc sở ngày 20-8-2011, bà Nga kể lại chi tiết giao dịch cho vay tiền giữa bà và ông P., một cán bộ của Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu. Ngày 21-3-2011, ông P. tìm đến phòng làm việc của bà để đặt vấn đề nhờ hỏi vay giúp số tiền 300 triệu đồng. Do quen biết và công tác chung, bà Nga đã gọi điện hỏi vay và được phía cho vay bảo rằng lãi suất 30%/tháng. Hai ngày sau, ông P. đồng ý vay. Vào chiều cùng ngày, bà Nga đã giao đủ tiền cho ông P. tại quán cà phê Sunday, TP. Bạc Liêu. Thời gian vay được hai bên thỏa thuận là một ngày lãi suất chín triệu đồng.
Tuy nhiên, ông P. không trả vốn và lãi như thỏa thuận, cứ hứa lần hứa lữa. Đến ngày thứ 11 (tức 4-4-2011), bà Nga đề nghị ông P. ghi lại giấy nợ. Với tính toán của bà Nga, mỗi ngày lãi suất ông P. phải trả là 9 triệu đồng, 11 ngày bằng 99 triệu đồng. Ông P. ghi giấy nhận nợ số tiền 399 triệu đồng thay cho giấy nợ ban đầu là 300 triệu đồng. Đến ngày 5-4-2011, bà Nga đòi ông P. phải trả tiền nhưng con nợ dùng dằng không thanh toán. Tháng 8-2011, khi nghe Ban giám đốc Sở Tư pháp thông báo, ông P. làm đơn xin nghỉ việc, bà Nga sợ không thu hồi được tiền nên đã làm đơn yêu cầu Ban giám đốc và Chi bộ của ông P. can thiệp.
Với đơn trên, bà Nga thừa nhận hành vi cho vay nặng lãi mức lãi suất 3%/ngày, tương đương 90%/tháng. Theo qui định về 19 điều đảng viên không được làm, bà Nga có dấu hiệu vi phạm điều cấm thứ 17. Thế nhưng việc này đã không được tổ chức cơ sở Đảng nơi đây quan tâm xử lý. “Con nợ” tố cáo, Ban chấp hành Đảng bộ Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu có kết luận kiểm tra cho rằng bà Nga có tham gia vào việc cho vay lãi suất 30%, với vai trò là người môi giới. Do ông P. không có tiền trả, kéo dài nhiều tháng nên sau đó bà Nga đề nghị phía cho vay giảm lãi suất còn 5%/tháng. Theo lập luận của Ban chấp hành Đảng bộ Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, dù có tham gia nhưng bà Nga chỉ với mục đích giới thiệu giúp đỡ ông P. chứ không vụ lợi. Do đó, sở này đề nghị bà Nga... nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Kỷ luật bằng hình thức điều động giữ chức Phó giám đốc
Cầm lá đơn gửi cơ quan báo chí, bà Kim Thị Mộng Thu (ngụ phường 2, TP.Sóc Trăng) không giấu được bức xúc. Sáu năm nay bà liên tục gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng (hiện là Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội), nhưng ông ta vẫn chứng nào tật nấy.
Bà Thu nói: “Gia đình tôi quanh năm buôn bán kiếm cơm, ông ấy mua nhà sát nhà tôi mở quán cà phê chiếm hết lối đi. Vì quyền lợi gia đình và quyền lợi bà con khu phố, gia đình tôi tố cáo đã bị trả thù. Ông Bình còn lấn chiếm lòng lề đường quy mô hơn để thách thức dư luận”. Ghé nhà người dân khu phố trên hỏi ông Bình, ai nấy cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Quán cà phê Cây Su Đũa hoạt động gây nỗi hoang mang đối với người dân . |
Hai lần nhận quyết định kỷ luật về mặt Đảng nhưng cơ quan quản lý vẫn không xem xét xử lý ông Bình về mặt chính quyền. Trái lại, ông ta lại được nuông chiều quá mức. Ngày 13-4-2012, Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng có công văn đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, xử lý ông Bình về mặt công chức.
Ngày 29-5-2012, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng ra quyết định kỷ luật ông Bình bằng hình thức khiển trách. Báo CATP phản ánh, ngày 5-11-2012 sở điều động ông Bình giữ chức Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội. Một số người dân cho rằng, với việc luân chuyển trên ông Bình còn được “lên chức”. Trong khi ông ta làm mất lòng dân, không chấp hành quy định của chính quyền địa phương, của tổ chức Đảng... lại được phân công làm lãnh đạo trung tâm để giáo dục người lầm lỡ.
Báo CATP phản ánh, ông Lâm Thanh Phong, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho rằng báo đã dùng từ không chuẩn gây dư luận không tốt bởi nội dung phản ánh sai phạm của vị Chánh văn phòng sở liên quan đến gia đình và cá nhân ông Bình đối với dân cư xung quanh. Chẳng lẽ sở không có trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục cán bộ công chức? Ông Phong bắt bẻ “ông Bình chỉ giữ chức vụ là Chánh văn phòng sở nhưng báo viết là cán bộ lãnh đạo sở là không đúng” (!?).
Việc ông Bình học lớp cao cấp lý luận Chính trị - Hành chính được Ban tổ chức Tỉnh ủy phân công vào tháng 7-2011, lúc ông Bình chưa bị kỷ luật. Theo người dân, trước thời gian trên họ đã có đơn tố cáo hành vi xem thường pháp luật của gia đình ông Bình. Bà Thu buồn bã: “Không ngờ bị gia đình tôi tố cáo, ông Bình lại xem xét điều chuyển công tác chỗ tốt hơn. Mặt khác, ông ấy còn được xét học bằng tiền ngân sách, tức tiền thuế của dân khi đã mất lòng tin với dân”. Chúng tôi chuyển lời tâm sự của bà Thu đến lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.
Theo Thiện Thảo – Như Ý
Công an TPHCM