Bi kịch của thiếu nữ miền Tây lấy chồng ngoại

Bi kịch của thiếu nữ miền Tây lấy chồng ngoại
Lại một cô dâu Việt lấy chồng ngoại bỏ mạng nơi xứ người. Ai đó đau xót hỏi cô Võ Thị Minh Phương đã là nạn nhân thứ bao nhiêu? Nhưng giấc mộng lấy chồng ngoại hình như còn lâu mới tỉnh!

Bi kịch của thiếu nữ miền Tây lấy chồng ngoại

> Chồng 'ngoại' về nước để thẳm sát nhà vợ 'hờ'

> Cược hạnh phúc lấy... đô la

Lại một cô dâu Việt lấy chồng ngoại bỏ mạng nơi xứ người. Ai đó đau xót hỏi cô Võ Thị Minh Phương đã là nạn nhân thứ bao nhiêu? Nhưng giấc mộng lấy chồng ngoại hình như còn lâu mới tỉnh!

Nhiều cô gái miền Tây lấy chồng ngoại mang theo giấc mơ đổi đời không chỉ cho mình, mà còn cả gia đình
Nhiều cô gái miền Tây lấy chồng ngoại mang theo giấc mơ đổi đời không chỉ cho mình, mà còn cả gia đình.
 

Tro cốt của Võ Thị Minh Phương cùng hai con đã được chuyển từ Hàn Quốc về quê nhà trong tâm trạng bàng hoàng của người dân vùng sông nước miền Tây, ngày 30-11-2012.

Nhưng dù có là thứ bao nhiêu, thì hình như, làng quê yên bình vùng sông nước Cửu Long vẫn còn lâu mới tỉnh mộng lấy chồng ngoại, và vẫn như những con sóng liều lĩnh…

Những mảnh đời tan nát

Với con số không về hiểu biết văn hoá và phong tục xứ chồng, không nói được tiếng “quê chồng”, tên chồng không phát âm rõ, thậm chí chưa biết, cứ thế những cô gái miền Tây ru rú quê nhà, một bước ra sân bay, bay thẳng đến xứ người giờ là “quê chồng”, mang theo ước mơ đổi đời, không chỉ cho mình mà cả gia đình. Và ở những nơi mịt mù xa lạ ấy, đã có những giấc mơ thành ác mộng, những phận đời đầy nước mắt và máu…

Đọc xong bài “Cô dâu Việt ôm hai con nhảy lầu tự tử tại Hàn Quốc” trên báo Lao Động, Lộc thẫn thờ như người vô hồn: “Hổng biết giờ này Lan có sống hạnh phúc bên nhà chồng không?”. Lộc sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Cách đây mấy năm, Lộc phải lòng cô Lan cùng xóm. 18 tuổi, tuy không phải sắc nước hương trời nhưng nhan sắc của Lan cũng đủ “mặn” khiến con trai trong xóm chết mê. Nhà cùng xóm, Lộc có điều kiện qua lại với Lan hơn những đứa khác.

Nhưng mối tình vừa chớm nở thì gia đình Lan nuôi tôm thất bại, nợ nần chồng chất nên Lan phải... lấy chồng Hàn Quốc để “trả nợ” báo hiếu. Lan may mắn lấy người chồng có nghề nghiệp, lại rộng rãi nên khoản nợ mấy trăm triệu của cha mẹ cô đã được trả xong sau 3 năm.

Cho tới bây giờ Lộc còn nhớ như in ngày Lan rời vùng quê đi lấy chồng Hàn Quốc trong đầm đìa nước mắt. Lộc không dám tiễn đưa, anh núp sau bụi chuối chùi nước mắt và hứa với lòng sẽ cố gắng hết sức làm việc để con cháu sau này đừng bị nghèo; đừng vì không tiền mà mất người yêu.

Tin lời mai mối, nhiều gia đình nghèo ở miền Tây gả con cho người nước ngoài để nhận 80 -100 triệu đồng, nhưng kết quả chỉ có 8 -12 triệu đồng
Tin lời mai mối, nhiều gia đình nghèo ở miền Tây gả con cho người nước ngoài để nhận 80 -100 triệu đồng, nhưng kết quả chỉ có 8 -12 triệu đồng. Ảnh: H.V.M
 

Xót đau kẻ ở người đi

Dù sao thì đó vẫn là một trường hợp may mắn. Bởi tại Bạc Liêu có hàng ngàn cô gái lấy chồng ngoại, nhưng không phải ai cũng được như Lan.

Ông Lý Văn Tư- xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi - nuôi tôm thất bại, nợ đến gần 800 triệu đồng. Thông qua một người bán vé số, ông Tư được một người ngụ phường 8, thành phố Bạc Liêu tìm mối gả đứa con gái 20 tuổi sang Tàu với mong muốn con mình được thoát khổ. Cô Lý Thị Đào nhanh chóng được một người Tàu có tên A Hào rước về sau khi đưa cho ông Tư đúng... 12 triệu đồng tiền sính lễ.

Những tưởng cuộc sống của con gái sẽ bớt khổ hơn ở quê chồng, nào ngờ: “Mấy ngày trước, nó điện về nói không thể lên núi vác củi nổi nên xin về. Tui liên lạc với gia đình bên chồng nó thì A Hào đòi 150 triệu đồng mới chịu... nhả vợ. Chạy vạy mãi vẫn không đủ số tiền chuộc, tôi liên lạc với người mai mối thì chốt giá lại còn... 30 triệu đồng”. Vẫn không có đủ 30 triệu đồng để chuộc con, ông Tư đành làm đơn tố cáo gửi đến Công an tỉnh Bạc Liêu.

Cùng hoàn cảnh với ông Tư, tại ấp Xẻo Nhàu, xã Hưng Thành, ông Ngô Thanh Mai có con gái gả cho Cheng Xin Hua- tỉnh Hồ Nam bên Tàu vào tháng 4.2012. Lễ cưới không được tổ chức ở quê nhà mà chỉ làm đơn sơ tại một nhà hàng ở TPHCM, do người mai mối có tên Hồng đứng ra lo liệu. Sau lễ cưới, chú rể Tàu dúi vào tay ông 10 triệu đồng rồi đưa con gái ông đi mất.

Hai tháng sau, ông nhận được tin dữ - cô Phương Trúc, con gái ông- vì không chịu nổi cảnh hà khắc của quê chồng, bỏ nhà ra đi nhưng không may bị nhà chồng bắt lại được và biệt giam trong nhà, đối xử như nô lệ. Nghe con điện thoại báo hoàn cảnh đen tối mà ông không biết cách nào giải cứu cho con, cũng đành tố cáo với Công an tỉnh Bạc Liêu.

Đau đớn nhất là trường hợp của ông Đỗ Văn Những - ấp Thạnh Trị, xã Long Điền, huyện Đông Hải, Bạc Liêu. Gia đình nghèo, không đất đai, hằng ngày vợ chồng ông phải làm thuê nuôi 3 đứa con. Nghe lời những người mai mối bảo lấy chồng Tàu cuộc sống của con sẽ khá giả, cha mẹ được tiền nên tháng 8.2012, ông gả cô con gái út Đỗ Thanh Trang cho một người Tàu và được “đưa lại” chưa tới 10 triệu đồng.

Thấy con đi lâu quá mà không điện thoại về, ông điện thoại hỏi thăm thì được biết cuộc sống của con gái nơi xứ người vô cùng khổ sở, vất vả trăm bề, không tiền gửi về cho cha mẹ. Hiện cô Trang muốn về, nhưng gia đình chồng đã cất giấu hết giấy tờ, tiền bạc...

“Miễn mẹ em vui là được rồi”

Mới đây Công an thị xã Vĩnh Châu - Sóc Trăng phá vỡ một đường dây môi giới bất hợp pháp lấy chồng nước ngoài, chủ yếu là người Tàu với hơn 200 “cô dâu”. Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra thì phát hiện có đến 10 người bỏ trốn, hoặc gia đình trả tiền chuộc về.

Chị Châu Thị Chênh- xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu, một trong số các cô dâu được chuộc về - kể: Qua người mai mối, chị cùng với hàng trăm cô gái khác ở miền Tây lên TPHCM để cho 3 người Tàu “kén vợ”. Sau khi kiểm tra ''trên dưới'', ''trong ngoài'', chị được một người chấm và lễ cưới tổ chức sau đó 3 ngày.

Tuy nhiên sang Tàu, chị được đưa thẳng lên núi sống cùng với một ông chồng khác, cao tuổi hơn cha mình. Bị hành hạ, đánh đập, chị điện thoại về nhà cầu cứu gia đình. “Người Tàu giàu có không ai sang Việt Nam lấy vợ. Hầu hết những người sang Việt Nam tìm vợ lâu nay là dân nghèo, mượn tiền đi lấy vợ. Chi phí lấy vợ bên Tàu tốn kém dữ lắm, họ qua đây lấy vợ rẻ hơn nhiều...” - chị Chênh rút ra bài học xương máu.

Thấy mấy đứa con hàng xóm lấy chồng Tàu được giải thoát trở về quê mà lòng bà Trương Thị Phương - ấp Prey Chóp - nóng như lửa đốt. Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con, đầu năm 2012, một bà mai đến dụ: Gả con gái Mộng Kha, gia đình sẽ nhận được 80 triệu đồng và nó sẽ có cuộc sống sung sướng. Là người dân nghèo, tay chưa bao giờ cầm đến 10 triệu đồng, giờ nghe nói đến 80 triệu, “vừa đặng phần con, lại được phần mình” nên bà đồng ý cho Mộng Kha lấy chồng Tàu.

Thế nhưng, ngày con lên đường, bà chỉ nhận được... 12 triệu đồng và mãi đến 4 tháng sau mới nghe hung tin: “Cuộc sống quá khổ cực, con tui đòi ly hôn, nhưng bà mối nói phải có 100 triệu đền cho người ta mới về nước được. Tui vì nghèo khó mà đứt ruột gả con lấy chồng nước ngoài mong hết khổ, nay tiền đâu có đến cả trăm triệu chuộc con về?”.

Những tiếng kêu cứu từ những cô gái lấy chồng nước ngoài cứ dội về như lưỡi dao cứa vào lòng những người làm cha, làm mẹ. Theo Công an tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay có 15 trường hợp người dân nhờ giải thoát những cô dâu bên Hàn Quốc, bên Tàu. Con số này tại Sóc Trăng cao gấp đôi, và Cần Thơ có trên 50 trường hợp.

Thượng tá Võ Tấn Phong - Trưởng Công an thị xã Vĩnh Châu - nhận định: “Đa số trường hợp lấy chồng nước ngoài đều có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định. Lợi dụng điều này, những người làm mai mối bất hợp pháp tiếp cận, hứa hẹn sau khi lấy chồng nước ngoài sẽ cho mỗi gia đình từ 80 – 100 triệu đồng để làm vốn. Tuy nhiên, trong thực tế sau khi kết hôn, nhiều gia đình chỉ nhận được từ 5 – 20 triệu đồng. Có gia đình chẳng nhận được đồng nào”.

Đắng cay, phũ phàng đến thế, nhưng “phong trào” lấy chồng ngoại ở vùng quê này nói riêng và cả miệt ĐBSCL nói chung đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Bích Liên - ở xã Lai Hoà, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - nói trước khi sang Tàu làm dâu: “Theo lời người môi giới, sau khi cùng chồng lên máy bay, gia đình em nhận được 10 triệu đồng. Và tới giờ này em vẫn chưa biết tên ảnh là gì nữa; nhưng kệ, miễn mẹ em vui là được rồi”... Lời nói hồn nhiên ấy khiến tôi cứ ám ảnh mãi.

Theo Nhật Hồ
Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.