> Kiến nghị đưa vấn đề Biển Đông vào Hiến pháp
Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, trưởng ban chỉ đạo hội thảo - cho biết, trong cuộc hội thảo lần 4 được tổ chức từ ngày 26 đến 28-11 tới, chủ đề hội nhập và phát triển bền vững là nội dung hết sức cơ bản.
Hội thảo tập trung vào 15 tiểu ban chuyên môn, trong đó có lịch sử Việt Nam, văn hóa và giao lưu văn hóa, kinh tế VN, dân tộc và tôn giáo, môi trường, hệ thống pháp luật VN, ngôn ngữ và văn học nghệ thuật, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, nông thôn VN, di cư và đô thị hóa, quan hệ của VN trong thời đại hội nhập và phát triển...
Vấn đề biển Đông, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng là một nội dung quan trọng của hội thảo và dự định sẽ có một phiên thảo luận riêng về biển Đông tại tiểu ban Nghiên cứu khu vực.
Cũng theo GS Thắng, Hội thảo là cơ hội cho các nhà Việt Nam học trên toàn thế giới trình bày những kết quả nghiên cứu của mình và giao lưu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức khoa học từ việc tập hợp các ý tưởng hội nhập và phát triển bền vững Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây cũng là dịp để các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế gặp gỡ, thảo luận, từ đó tăng cường phối hợp nghiên cứu giữa các học giả trong và ngoài Việt Nam.
Thông qua Hội thảo lần này, các học giả trong và ngoài nước sẽ tham gia đề xuất các ý kiến về quan điểm và chính sách phát triển – hội nhập của Việt Nam theo tinh thần: “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”.
Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 tiếp nhận hơn 1.200 tham luận, khoảng 800 tham luận đã được lựa chọn, trong đó có 600 tham luận của học giả trong nước và 200 tham luận của học giả nước ngoài, đề xuất các ý kiến về quan điểm, chính sách phát triển và hội nhập của Việt Nam theo tinh thần "Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững". |