Tàu chạy trên vỉa hè, đụng đâu chết đó

Tàu chạy trên vỉa hè, đụng đâu chết đó
TPO - Hàng nghìn gia đình, doanh nghiệp ở Hải Phòng chiếm hành lang an toàn đường sắt dựng nhà ở, buôn bán kinh doanh, bãi hàng... Thực trạng tàu chạy trên... vỉa hè khiến nhiều tai nạn thương tâm xảy ra.

Đụng tàu là... chết

Hệ thống đường sắt Hải Phòng được người Pháp xây dựng và hoạt động hơn một thế kỉ nhằm khai thông đường vận chuyển khoáng sản ra cảng Hải Phòng rồi đi nước ngoài.

Với tốc độ phát triển đô thị, hiện gần 25 km đường sắt Hải Phòng gần như nằm trọn trong nội thành và giao cắt với 15 tuyến đường bộ tỉnh lộ, nội đô đông đúc.

Trong số này, bảy điểm đường sắt giao nhau với đường bộ hoàn toàn không có gác chắn. Nhiều km đường sắt chạy trên vỉa hè nội đô đông đúc dân cư sinh sống, qua lại. Hàng loạt đường ngang tự mở trái phép cắt qua đường sắt...

Những tồn tại này là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tai nạn giao thông đường sắt thương tâm đáng tiếc xảy ra. Từ đầu năm đến nay may mắn có duy nhất vụ tai nạn làm một người tử vong. Năm 2011, năm vụ tai nạn xảy ra làm năm người thiệt mạng. Năm 2010, năm vụ tai nạn, sáu người thiệt mạng...

Các vụ tai nạn chết người hầu hết do người dân bất cẩn. Tai nạn mới đây nhất, tàu từ Hà Nội về Hải Phòng đến gần nhưng ông K. vẫn cố đạp xe vượt qua đường sắt, đã bị chết ở khu vực xã Tân Tiến.

Một vụ khác, anh T. dù biết tàu đang đến gần, vẫn cố đạp xe băng qua đường sắt nhưng không kịp, bị thiệt mạng tại đoạn đường ngang không có gác chắn thuộc phường Hùng Vương.

Rồi, anh B. chở chị H. bằng xe máy, thấy tàu chạy xa nên cố vượt qua đường sắt, dẫn đến hậu quả chết cả đôi. Anh H. đi bộ qua đường ray nhưng không quan sát, bị tàu hỏa dâm chết tại xã Lê Thiện...

Tàu chạy trên... vỉa hè

Hơn 100 năm trước, khi người Pháp xây dựng hệ thống đường sắt Hải Phòng, đoạn dẫn ra cảng biển nằm ven đô và ngoại thành, xa hẳn khu dân cư. Giờ, tất cả nằm gọn trong nội thành đông đúc.

Bao nhiêu năm, hệ thống đường sắt này vẫn thế. Với sự phát triển của đô thị đất Cảng, nhiều đoạn đường sắt giờ chạy ngay trên vỉa hè nhiều tuyến đường nội đô, sát ngay nhà dân và doanh nghiệp như đường Trần Khánh Dư, Lê Thánh Tông... đến tận cảng Chùa Vẽ.

Ngay trên khu vực đường ray tàu, người dân sinh hoạt, nấu ăn, tràn lan... thậm chí chơi thể thao, tập thể dục.

Hàng nghìn gia đình, doanh nghiệp nhanh chân nhảy dù chiếm luôn hành lang an toàn đường sắt dựng nhà ở, buôn bán kinh doanh, bãi hàng...

Người dân lấn chiếm và tái lấn chiếm hàng lang đường sắt là vấn nạn rất khó xử lí. Cứ sau mỗi lần giải tỏa, người dân lại tiếp tục tái lấn chiếm, xong lại tiến hành cưỡng chế giải tỏa..., tạo thành cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Điển hình như hành lang đường sắt chạy qua địa bàn phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) và phường Đông Hải 1 (quận Hải An) dài chỉ có 1 km, đã có hơn 30 hộ dân nhảy dù chiếm đất dựng nhà ở, lều quán kinh doanh... cách mép đường sắt chưa đến 2 m cực kì nguy hiểm.

Gần 223 nghìn m2 và gần 180 đường ngang vi phạm

Loạn đường ngang cắt đường sắt do người dân sinh sống tự ý mở trái phép làm đau đầu các cấp chính quyền ở Hải Phòng. Số đường ngang trái phép này lên đến gần 180.

Chẳng hạn, cung đường ga Hải Phòng dài gần 4 km nhưng có tới gần 70 đường. Cung đường Cảng dài gần 3,5 km cũng có khoảng 50 đường. Cung đường Dụ Nghĩa dài 7 km có gần 50 đường ngang vắt qua...

Địa bàn phường có đến 6 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt nhưng lại nằm ngay ở khu dân cư đông đúc không phải là hiếm như phường Máy Tơ, phường Đông Hải 1...

Chính các đường ngang do người dân tự mở trái phép này không có nhân viên gác chắn, biển, đèn báo tín hiệu là nơi dễ xảy ra tai nạn đường sắt nhất.

Diện tích đất vi phạm hành lang đường sắt trong suốt chiều dài gần 25 km ở Hải Phòng buộc phải giải tỏa lên tới gần 223 nghìn m2. Trong đó, gần 111,5 nghìn m2 bị hàng nghìn hộ dân xây nhà ở kiến cố sinh sống và gần 111,5 nghìn m2 đất bị các doanh nghiệp, người dân nhảy dù chiếm dụng làm kho hàng, bãi tập kết vật liệu, bán hàng...

Hàng nghìn ngôi nhà ở Hải Phòng vi phạm thì có đến hơn 100 ngôi nhà kiên cố cao 3 và 4 tầng.

Theo tính toán của ngành đường sắt, chỉ riêng đất để tái định cư cho các hộ dân này cũng phải mất hơn 30 nghìn m2...

Tính toán sơ bộ của Đường sắt Việt Nam, để giải toả gần 223 nghìn m2 đất vi phạm này phải mất hơn 4.711 tỉ đồng.

Quận Ngô Quyền chỉ có hơn 5 km đường sắt chạy qua nhưng số tiền để giải tỏa lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Quận Hồng Bàng có hơn 7 km đường sắt chạy qua nhưng phải cần tới gần 1.700 tỉ đồng để giải tỏa...

Tàu chạy trên vỉa hè, đụng đâu chết đó ảnh 1
Tàu chạy trên vỉa hè, đụng đâu chết đó ảnh 2
Người dân vô tư bán hàng ngay hành lang đường sắt
Người dân vô tư kinh doanh ngay hành lang đường sắt.
Nhân viên gác tàu ở cầu Tam Bạc cố ngăn thanh niên vì tàu đang đến gần
Nhân viên gác tàu ở cầu Tam Bạc cố ngăn thanh niên vì tàu đang đến gần.
Người đi đường chen lấn với tàu
Người đi đường chen lấn với tàu.
Đường ngang mở trái phép
Đường ngang mở trái phép.
Tàu hàng cắt ngang qua đường bộ QL5 (cũ) mà không có rào chắn hay cảnh báo
Tàu hàng cắt ngang qua đường bộ QL5 (cũ) mà không có rào chắn hay cảnh báo.
Theo Viết
MỚI - NÓNG