> Bó tay với chiêu 'lách' xe không chính chủ, đối phó CSGT
> Bắt chứng minh 'xe chính chủ' là vô lý
> Bi hài tìm chính chủ: Chi phí lớn hơn giá trị xe
> Những trường hợp khó sang tên đổi chủ xe
> Ế ẩm xe không chính chủ
Là người thường xuyên tham gia giao thông bằng ô tô trên QL 21 nên từ khi Nghị định 71 có hiệu lực (10-11), anh Nguyễn Văn Nam thường bị một số chốt trực của CSGT qua các khu vực Phú Lãm (Hà Đông), Thạch Bích (Thanh Oai) dừng xe kiểm tra.
Do xe anh đi là của anh trai để lại nên sau khi xuất trình đầy đủ các giấy tờ (đăng ký xe, bằng lái, bảo hiểm) anh nhận thêm câu hỏi của CSGT là xe đã sang tên đổi chủ chưa.
Vì biết Nghị định 71 chưa xử lý người điều khiển phương tiện đi xe không chính chủ nên anh Nam đã trình bầy với CSGT việc này, cuối cùng CSGT đã để cho anh đi.
Tương tự, nhiều người tham gia giao thông bằng xe máy, ô tô trên các tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông và Bắc Thăng Long - Nội Bài nhiều ngày qua cũng cho biết, khi đang lưu thông trên đường họ vẫn bị một số chốt CSGT, thậm chí là cảnh sát khu vực và dân phòng chặn lại, đặc biệt về ban đêm.
“Ngoài hỏi các giấy tờ theo quy định họ hỏi tôi cả giấy tờ xe chính chủ. Cũng may xe tôi do người nhà để lại và có làm giấy tờ sang tên đổi chủ ngay sau khi mua nên không bị công an hỏi thêm gì nữa”, chị Nguyễn Thị Thu, một người dân sông ở thôn Đình Thôn xã Mỹ Đình, Từ Liêm thường tham gia giao thông trên trục đường Bắc Thăng Long – Nội Bài cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết, từ khi Nghị định 71 có hiệu lực ngoài tuyên truyền, nhắc nhở CSGT làm nhiệm vụ trên đường chỉ xử lý các lỗi vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, uống rượu bia khi lái xe, đi sai làn đường và dừng đỗ không đúng quy định...
“Với lỗi xe không sang tên đổi chủ Phòng CSGT Hà Nội chưa có chủ trương xử phạt và trong quá trình làm nhiệm vụ trên đường nếu người vi phạm có đầy đủ giấy tờ điều khiển phương tiện theo quy định thì chỉ xử lý các lỗi vi phạm. CSGT không được phép hỏi xe có chính chủ hay không”, ông Thắng nhấn mạnh.
Chiều 19-11, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, sau 1 tuần (từ 10 đến 18-11), Nghị định 71 có hiệu lực, Phòng CSGT đã tiếp nhận hơn 594 trường hợp đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện.
Trong đó 381 trường hợp ô tô, 213 trường hợp xe máy. Xử lý vi phạm 32 trường hợp (29 ô tô, 3 xe máy) do đã quá 30 ngày không sang tên đổi chủ theo quy định.