> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nói về văn hóa từ chức
6 nhóm giải pháp
Đăng đàn đầu tiên, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) hỏi, sau khi nhận trách nhiệm, nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân, Thủ tướng có giải pháp gì để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, với trọng trách là ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đã nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ về tất cả hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, điều hành trên tất cả lĩnh vực, trong đó có yếu kém, khuyết điểm trong giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, nâng cao năng lực, chất lượng trong xây dựng thể chế, cơ chế luật pháp và hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, luật pháp.
Thứ hai, nâng cao năng lực dự báo, phân tích, đánh giá tình hình và phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đầy biến động và bất trắc. Theo Thủ tướng, năng lực này chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ ba, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện các quy hoạch chiến lược. Nhà nước phải quản lý bằng kế hoạch, quy hoạch nhưng vừa qua quy hoạch, kế hoạch không sát, không phù hợp, kém hiệu quả, chất lượng. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí đầu tư, cản trở tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thanh tra, kiểm tra, giám sát. Điển hình là giám sát, kiểm tra đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
“Phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Không làm tốt việc này thì hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý điều hành của Chính phủ sẽ không đáp ứng được. Đây cũng là một khuyết điểm lớn của Chính phủ”, Thủ tướng nói.
Thứ năm, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp. Vừa qua, bộ máy tổ chức còn nhiều khiếm khuyết.
Cần hoàn thiện bộ máy với tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức.
“Hoàn thiện lại việc phân công, phân cấp cho phù hợp để đề cao trách nhiệm, phát huy được sự năng động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp trên. Việc này đã làm nhưng còn khiếm khuyết”, Thủ tướng thừa nhận.
Cuối cùng, Chính phủ đang chỉ đạo nâng cao đạo đức, phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu các cấp, cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ, chức trách trước nhân dân.
Thủ tướng khẳng định, phải làm tốt theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng bộ máy hành chính với đội ngũ cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Nghiêm túc lắng nghe ý kiến của nhân dân, cán bộ đảng viên, chuyên gia trong quản lý, thực thi, hoạch định chính sách. Trong đó, hết sức chú ý tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao năng lực giải trình của người lãnh đạo các cấp, qua đó chịu sự giám sát của nhân dân.
Không thoái thác bất cứ nhiệm vụ nào Đảng giao phó
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói:
“Trước kỳ họp này, toàn dân đều được chứng kiến các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong đó có Thủ tướng có lời xin lỗi và xin Trung ương Đảng kỷ luật. Còn tại Quốc hội, Thủ tướng chỉ xin lỗi về trách nhiệm chính trị liên quan đến một số tập đoàn nhà nước, khiến người dân đặt câu hỏi dường như Thủ tướng xem nhẹ trách nhiệm trước dân hơn trước Đảng. Dù sao thì Thủ tướng đã có lời xin lỗi trước Quốc hội cũng là một điều đáng ghi nhận vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử”.
Theo ĐB Dương Trung Quốc, nhìn ở góc độ khác, việc xin lỗi (một hành vi văn hóa rất đáng khích lệ trong nhân dân) cần được giới hạn trong mối quan hệ giữa bộ máy công quyền với nhân dân. Không thể xin lỗi chậm trễ giờ bay của ngành hàng không mà bỏ qua những chế tài xử phạt đã quy định nếu gây thiệt cho khách hàng.
“Việc làm cho dân hiểu Nhà nước tạo quyền cho vàng SJC khiến dân bất an và chịu thiệt thòi kéo dài để rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ xin lỗi vì không giải thích rõ khiến dân hiểu lầm... Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không chỉ là lời xin lỗi.
Phải chăng Thủ tướng nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động một cuộc phấn đấu của Chính phủ, hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, mà thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình để các quan chức từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm”, ông Quốc nói.
Là một nhà sử học, ĐB Dương Trung Quốc nhắc lại chuyện xa xưa các cụ coi việc cáo quan hồi hương là một cách giữ tiết tháo. Đảng ta từng có một vị tổng bí thư, người có công lớn trong Cách mạng Tháng 8 năm 1945, sau khi nhận trách nhiệm chính trị về những sai lầm trong cải cách ruộng đất 1956 đã từ chức và tiếp tục phấn đấu để rồi ba thập kỷ sau trở lại với cương vị tổng bí thư, kịp góp phần khởi động công cuộc đổi mới trước khi từ trần.
Sau những phân tích, dẫn chứng này, ĐB Dương Trung Quốc đặt hai câu hỏi với Thủ tướng: Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân? Thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đối với tôi, hôm nay thì còn 3 ngày nữa là tròn 51 năm tôi theo Đảng, hoạt động cách mạng, chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Đảng.
Trong 51 năm qua, tôi không xin với Đảng cho tôi làm, đảm nhiệm chức vụ này hay chức vụ kia. Mặt khác, tôi cũng không từ chối, thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó. Báo cáo với Quốc hội, là một cán bộ đảng viên, tôi đã nghiêm túc báo cáo đầy đủ với Đảng về bản thân mình.
Báo cáo với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương một cách nghiêm túc, đầy đủ về bản thân mình. Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về phẩm chất, đạo đức, năng lực, khả năng, sức khỏe, thương tật, cả về tâm tư, nguyện vọng của tôi. Đảng lãnh đạo, quản lý trực tiếp tôi, hiểu rất rõ về tôi”.
Thủy điện Sông Tranh 2: An toàn là yêu cầu cao nhất
Trả lời câu hỏi của Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) về các dự án thủy điện, Thủ tướng nêu rõ, khi xây dựng thủy điện, Chính phủ đề ra các yêu cầu cao nhất là phải đảm bảo an toàn về hồ, đập, đảm bảo tính mạng của nhân dân. Dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu này thì không làm.
Dẫn chứng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Thủ tướng cho biết, dự án này có tiềm năng thủy điện lớn, đã được đưa vào quy hoạch nhưng khi xây dựng dự án phải được thẩm định một cách chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
“Dự án này đang ở khâu Bộ TN&MT lập hội đồng thẩm định, đánh giá tác động môi trường. Sau khi thẩm định sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp không đảm bảo những yêu cầu trên, tác động xấu đến môi trường thì không làm”, Thủ tướng nêu rõ.
Đối với thủy điện Sông Tranh 2, Thủ tướng cho biết, các chuyên gia trong nước và 2 công ty tư vấn hàng đầu của Nhật Bản, Thụy Sỹ và các bộ, ngành chức năng đều báo cáo là đập bảo đảm an toàn.
Nhưng để chắc chắn hơn, với mục tiêu an toàn cao nhất, Thủ tướng đã yêu cầu chưa tích nước phát điện trong mùa lũ năm nay; giao cho Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, các bộ liên quan lập tổ công tác thường xuyên túc trực tại thủy điện Sông Tranh 2 để theo dõi diễn biến của động đất, kịp thời tính toán phương án báo cáo Thủ tướng với mục tiêu an toàn cao nhất.
Thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu quốc tế của Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, và một số chuyên gia này đã có mặt tại hiện trường để theo dõi, đánh giá động đất kích thích liên quan an toàn của đập. Công bố công khai, thường xuyên đầy đủ thông tin cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân ứng phó động đất kích thích…
Thực hành dân chủ là giải pháp quyết định, cơ bản nhất Về câu hỏi giải pháp nào là quyết định, cơ bản nhất, động lực nào là động lực bao trùm, cơ bản nhất để tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới toàn diện đất nước thành công, Thủ tướng cho rằng đây là câu hỏi lớn và khẳng định: Giải pháp có ý nghĩa quyết định, cơ bản, động lực bao trùm, cơ bản đó chính là thực hành dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và chăm lo lợi ích của nhân dân, là lòng dân, sự đồng thuận của xã hội. |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Quốc hội ghi nhận những cam kết của Thủ tướng Toàn bộ phiên họp diễn ra rất dân chủ, công khai, có sự theo dõi, giám sát của đồng bào, cử tri cả nước. Những câu hỏi của các vị đại biểu QH đặt ra hết sức thẳng thắn, xây dựng, đi vào trọng tâm những vấn đề lớn. Nhiều câu hỏi rất phong phú và sắc sảo. Trả lời của các vị bộ trưởng, thành viên Chính phủ cũng đi vào nội dung các câu hỏi và đã giải đáp được hầu hết các vấn đề, đưa ra được các kiến nghị cần thiết để tiếp tục giải quyết. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những cam kết của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của chính bản thân Thủ tướng và của tập thể Chính phủ trong việc khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành. |