Cần kê khai tài sản vợ con quan chức

Cần kê khai tài sản vợ con quan chức
TP - Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất buộc kê khai tài sản cả vợ và con thành niên của quan chức, trong phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) hôm qua. Có ĐB cho rằng, phải coi tội phạm tham nhũng như phản quốc, không chỉ phòng chống mà phải tuyên chiến để tiêu diệt.

Con cái giàu lên bất thường

Đề cập về đối tượng kê khai, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, phải mở rộng diện kê khai tài sản đến tất cả cán bộ, công nhân viên chức. Bởi, cán bộ công chức, viên chức đều có thể liên quan quản lý tài sản, tiếp xúc giải quyết công việc của người dân.

Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ các biến động tài sản của người đó từ khi vào công tác cho đến khi nghỉ hưu. Mọi biến động lớn tài sản như bố mẹ cho, tài sản tham nhũng, tài sản có được chính đáng, tất cả đều được cơ quan chức năng giám sát.

“Hiện nay có nhiều trường hợp học sinh mới ra trường, mới vào làm công chức Nhà nước chưa bao lâu, bố mẹ đều làm cán bộ công chức nhưng đã có khối tài sản lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng do cha mẹ hoặc người thân chuyển cho và rất nhiều trong số đó là tài sản không rõ nguồn gốc”- ông Thường nói.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đồng tình và đề nghị phải kê khai tài sản của con cái thành niên.

“Tất nhiên các đồng chí lãnh đạo có con cái rất trưởng thành, thành đạt chứ không phải ai cũng gian dối trong việc kê khai tài sản. Nhưng cũng nhiều cán bộ con cái tự nhiên giàu lên một cách bất hợp pháp. Trong kê khai tài sản không có kê khai con thành niên, nên có lãnh đạo kê khai tài sản rất ít”- ông Thuyền nói và cho rằng, kê khai tài sản con thành niên của cán bộ, công chức để chứng minh rằng “con anh làm như thế, kinh doanh thế thì một tháng nộp thuế bao nhiêu, thu nhập bao nhiêu và mấy năm đó được bao nhiêu”.

ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cũng cho rằng, ngoài việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của gia đình cán bộ, gồm vợ, chồng, các con vị thành niên còn phải kê khai minh bạch tài sản các con đã thành niên, của bố mẹ, anh chị em ruột.

Những đối tượng này phải trung thực kê khai để “cơ quan quản lý thẩm định, xác minh theo quy định của pháp luật. Nếu người kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự”- ông Nhiên nói.

Theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), cần bổ sung quy định làm rõ con cái cán bộ đi học nước ngoài là từ nguồn nào, một vấn đề mà trong nhân dân đang có rất nhiều ý kiến.

Coi tội tham nhũng như phản quốc

ĐB lê Thị Nguyệt
ĐB lê Thị Nguyệt.
 

ĐB Nguyễn Bá Thuyền trăn trở: Chúng ta đã ban hành một “rừng luật”, nhưng vì sao tham nhũng được phát hiện và xử lý không nhiều. Nguyên nhân do tổ chức thực hiện; luật pháp chưa quy định chặt chẽ.

Do vậy, để xử lý tội tham nhũng cần sửa tất cả các văn bản có liên quan. Trong đó, thực hiện 3 không: không được đặc xá; không được giảm án; không cho hưởng án treo đối với tội tham nhũng.

“Chúng ta phải coi tham nhũng như ma túy, như tội phản quốc và phải tuyên chiến với tham nhũng bởi tham nhũng đã thách thức sự lãnh đạo của Đảng”- ông Thuyền nói.

Theo ĐB này, hành vi cố ý làm trái là tham nhũng. Ví như, con tàu trị giá 100 tỷ nhưng mua 200 tỷ, chênh lệch đến 100 tỷ nhưng chúng ta chỉ xử được hành vi đó là cố ý làm trái thì rất không công bằng và rõ ràng đã bỏ lọt hành vi tham nhũng.

Hoặc một con đường nhà nước có thể làm hàng trăm tỷ nhưng lại cho tư nhân đầu tư một chiếc cầu con con để bán vé, đó là dấu hiệu tham nhũng rất rõ.

ĐB Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) cho rằng, tham nhũng, dù ở cương vị nào cũng phải bị xử ở mức cao nhất. Càng có chức vụ cao càng phải xử nghiêm. Thậm chí, người đứng đầu phải bị xử nặng hơn, nếu để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng có thể phải cách chức để răn đe.

“Tham nhũng chủ yếu phát sinh từ khu vực công, khu vực Nhà nước, vì vậy, chống tham nhũng thường bị gắn với cụm từ nhạy cảm vì nó đụng chạm đến một khu vực dễ bị tổn thương.

Để đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả hầu hết các nước đều huy động đồng thời cả hai khu vực xã hội và Nhà nước. Trong đó khu vực xã hội phải được ưu tiên hơn”- ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phát biểu.

Đề xuất tịch thu tài sản bất minh

ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) kiến nghị, cần có cơ chế tịch thu những tài sản bất minh, nghi ngờ là tài sản do tham nhũng mà có.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) mong muốn có chế tài đủ mạnh, buộc người kê khai trung thực, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai.

Nên thiết kế một điều luật riêng về cơ chế tài tịch thu những tài sản cố tình che giấu không kê khai. Đối với những trường hợp có sự nghi ngờ về tính trung thực của bản kê khai tài sản, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu kê khai lại.

Sau khi kê khai mà vẫn còn nghi ngờ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tiếp. “Nếu qua xác minh phát hiện có tài sản cố tình che giấu thì tiến hành xử lý, ra quyết định tịch thu sung công quỹ nhà nước” - ĐB Nghĩa nói.

“Cán bộ nào đó mua tài sản mà quá khả năng thu nhập thì phải chứng minh nguồn gốc tài sản đó ở đâu, còn nếu không được sẽ bị tịch thu. Nếu chúng ta không làm được việc này thì kê khai không có ý nghĩa gì” - ĐB Thuyền kiến nghị.

 Việc các cơ quan nhà nước chống tham nhũng có thể được ví von như “một người tự tắm cho mình”. Bất kỳ Chính phủ nào trên thế giới cũng muốn xây dựng một bộ máy liêm chính. Tuy nhiên, nếu công chức và bộ máy của anh ta không chịu tắm, không muốn tắm và sợ tắm thì người dân, xã hội, với tư cách đương nhiên của mình sẽ phải tắm cho họ và bắt buộc họ chữa các bệnh nan y phát sinh do họ không chịu tắm rửa”.  

Về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản, thu nhập, ĐB Phạm Văn Hổ (Phú Yên) kiến nghị, cần xác định rõ cơ quan nào, đơn vị nào có thẩm quyền xác minh tài sản, kiểm soát thu nhập đối với các đồng chí giữ chức vụ chủ chốt của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội...

“Cần quy định rõ hơn việc cơ quan đơn vị có thẩm quyền yêu cầu xác minh, kiểm soát tài sản đối với các đồng chí có chức vụ trên để dễ thực thi trong thực hiện nhiệm vụ”- ĐB Phạm Văn Hổ nói.

Cơ quan điều tra tham nhũng độc lập

Nhiều ĐB kiến nghị trong tình hình hiện nay, cần thành lập cơ quan độc lập về PCTN. Để PCTN hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới thành lập cơ quan điều tra tham nhũng độc lập với Chính phủ, do tổng thống điều hành, cơ quan này có quyền khởi tố, điều tra ban đầu các hành vi tham nhũng, sau đó chuyển cho cơ quan chuyên trách xử lý.

Mô hình này rất hiệu quả. “Nên chăng Việt Nam cũng áp dụng, thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng trực thuộc Chủ tịch nước” - ĐB Phạm Xuân Thường đề xuất.

Đồng tình phải có cơ quan độc lập PCTN, nhưng ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, nên thành lập cơ quan PCTN thuộc Quốc hội. Mỗi năm chỉ cần tập trung làm vài vụ điển hình, làm thực chất.

Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM), cố tình làm trái công vụ phải coi là tham nhũng. “Phải quyết tâm có cơ quan điều tra độc lập, còn cụ thể như thế nào sẽ tính. Cơ quan này tập trung điều tra tham nhũng cổ cồn trắng, từ cấp thứ, bộ trưởng trở lên” - ĐB Đương kiến nghị.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM):

Lập Ủy ban quốc gia chống tham nhũng

“Tôi đồng ý với ý kiến của nhiều đại biểu về việc thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội, phù hợp với xu hướng của nhiều nước. Tên gọi của cơ quan này là Ủy ban quốc gia về phòng, chống tham nhũng. Tôi đề nghị Quốc hội bầu đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam làm chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư vừa là người phụ trách cao nhất công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, vừa có bộ máy tham mưu của Đảng là Ban Nội chính, vừa có nhà nước để thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng. Việc Đảng trực tiếp lãnh đạo phòng, chống tham nhũng như vậy là chính danh và hợp pháp”.

Nguyễn Tuấn
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.