Luật thủ đô sẽ tạo bứt phá cho Hà Nội

Luật thủ đô sẽ tạo bứt phá cho Hà Nội
Ông Nguyễn Phi Thường. TP - Dự thảo Luật Thủ đô sẽ tiếp tục là tâm điểm bàn thảo của QH với nhiều vấn đề còn tranh cãi, dưới cái nhìn của một ĐBQH, người gắn với hoạt động của vận tải công cộng, ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, dù còn một số ý kiến khác nhau, song nhìn tổng thể, dự thảo Luật Thủ đô đã khá hoàn chỉnh, đề cập đến nhiều vấn đề đặt ra của Thủ đô.

> Nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô
> QH thảo luận Luật Thủ đô: Vẫn băn khoăn về hạn chế nhập cư

Và theo ông Thường, nếu Luật được thông qua sẽ tạo ra bứt phá cho sự phát triển của Hà Nội.

Thủ đô cần một cơ chế riêng

Dù đã được điều chỉnh khá công phu, song dự thảo Luật Thủ đô lần này vẫn nhận được khá nhiều ý kiến của các ĐBQH, cá nhân ông có cảm nhận gì từ những ý kiến đó, trong đó có không ít ý kiến “chưa đồng thuận” đối với dự thảo Luật?

Tôi cảm nhận rằng, tất cả các ĐB đều quan tâm đến dự thảo Luật. Bởi lẽ Hà Nội là Thủ đô của 90 triệu người dân Việt Nam, ai cũng đều có một tâm nguyện làm sao để cho Thủ đô phát triển tốt đẹp bền vững hơn. Và Luật thủ đô ra đời là cơ sở pháp lý tạo sự phát triển năng động, chủ động để Thủ đô bứt phá.

Qua những lần thảo luận từ QH khóa XII đến QH khóa XIII bản dự thảo Luật lần này đã có bước tiến bộ rất lớn. Trong đó các điều khoản rõ hơn, làm rõ nhiều vấn đề, cả những vấn đề về cơ chế chính sách... Tất nhiên trong thảo luận ở các góc nhìn khác nhau, các ĐB cũng có những suy nghĩ, và ý kiến khác nhau.

Là người công tác tại Hà Nội, đang hàng ngày sống nhịp sống của Thủ đô tôi cũng cảm nhận rõ những điều đó và cảm giác những bức thiết cần phải có Luật Thủ đô.

Qua thảo luận cũng nổi lên một số vấn đề như liên quan đến quản lý nhập cư. Dù phương án 1 hay 2, tựu trung lại đều đưa ra phương án hạn chế nhập cư nhưng chỉ vào những khu vực nội thành Hà Nội thôi. Các khu vực còn lại vẫn theo Luật cư trú.

Thứ hai là liên quan đến xử phạt hành chính trong 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai, xây dựng... Vấn đề thứ 3 là cơ chế tài chính, để Thủ đô có thể bứt phá được, chủ động được... để có được bộ mặt xứng tầm.

Quan điểm của tôi là Hà Nội cần phải có một cơ chế riêng, đây không phải cho TP Hà Nội mà là cho Thủ đô của 90 triệu dân.

Trong cơ chế đó cũng có hai phương án. Phương án 1 dành ưu tiên hơn; phương án 2 trong phần ưu tiên để lại nguồn ngân sách sẽ phải tách bạch rõ những phần nào DN thu được trên địa bàn TP và phần nào DN thu từ các lĩnh vực khác.

Ví như từ dầu khí, than khoáng sản ở những địa phương khác thì sẽ không tính, chỉ tính những phần thu từ địa bàn Thủ đô. Cả ba nhóm vấn đề này theo tôi cũng chỉ tập trung vào việc tạo ra nguồn lực, cơ chế để Thủ đô có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Hà Nội sẽ tập trung phát triển vận tải công cộng đặc biệt là vận tải công cộng khối lớn
Hà Nội sẽ tập trung phát triển vận tải công cộng đặc biệt là vận tải công cộng khối lớn.

Về cơ chế tài chính có vẻ như nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật “thiên vị” Hà Nội khi mà Hà Nội đã có quá nhiều lợi thế về
nguồn thu?

Là người công tác trong ngành GTVT, gắn với GTVT của Thủ đô tôi nhận thấy rằng, thứ nhất là việc tăng dân số cơ học, thứ 2 nhu cầu giao thông đô thị hóa rất nhanh.

Tình trạng qúa tải về hạ tầng giao thông của TP là rất lớn, chính vì vậy gây ra ùn tắc, ô nhiễm môi trường đe dọa sự phát triển bền vững của Thủ đô... làm ảnh hưởng không những đến bộ mặt của thành phố Hà Nội mà thực sự ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh Thủ đô của một nước Việt Nam năng động đang trên đường hội nhập mạnh mẽ.

Trên thực tế dù đã rất cố gắng, song Hà Nội chưa đủ điều kiện tập trung cho sự phát triển bứt phá giao thông. Vì vậy mạng lưới giao thông của Hà Nội hiện nay rất yếu, quỹ đất dành cho giao thông quá thấp.

Trong chiến lược phát triển giao thông 5 năm tới, Thủ đô cần 150.000 tỷ đồng. Không chỉ là việc mở rộng đường sá mà quan trọng hơn là Hà Nội phải phát triển GTĐT bền vững, tức là phải lấy vận tải hành khách công cộng khối lớn làm xương sống, với các phương tiện như: tàu điện ngầm, đường sắt đô thị..., Với kinh phí 100 triệu USD cho một cây số tàu điện ngầm, nếu không có cơ chế riêng,Thủ đô không thể đáp ứng được.

Như vậy tập trung phát triển, giải quyết bài toán GTĐT , Hà Nội rất cần đến sự tập trung, hỗ trợ từ cả nước.

Nhưng quá tải hạ tầng không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác. Nhiều ĐBQH cho rằng có sự “ đối xử” không công bằng. Hơn nữa sứ mệnh gánh vác chia sẻ với các địa phương khác của Hà Nội liệu có còn ý nghĩa?

Dự thảo Luật cũng có đề cập đến trách nhiệm của Thủ đô với các địa phương khác, đây cũng là nét khác biệt của Thủ đô với các địa phương.

Theo tôi Thủ đô là bộ mặt cả nước chúng ta phải tập trung phát triển để mỗi khi đến Thủ đô, chúng ta phải tự hào, khách nước ngoài cũng phải có thiện cảm, yêu quý Hà Nội và giảm đi những lo ngại về ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Do vậy việc phải tập trung nguồn lực cho Thủ đô hơn so với các địa phương khác là cần thiết.

Đúng là hiện nay nhiều địa phương cũng rất khó khăn, rất cần tập trung xây dựng đường sá... Tuy nhiên, Hà Nội là đầu tàu kinh tế, chính trị, là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương, các Đoàn ngoại giao, nơi đóng đô của các trường ĐH và vì vậy áp lực tăng dân số, áp lực lên hạ tầng giao thông Hà Nội là rất lớn.

Hiện Hà Nội đã có 7 triệu dân rồi, trong lúc tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông qua ít, phương tiện giao thông cá nhân tăng trong khi xe buýt mới đáp ứng được gần 10% nhu cầu đi lại.

Hiện ô tô của Hà Nội là đã 380.000 xe, xe máy gần 4 triệu, mỗi năm tăng thêm khoảng 15%, việc phát triển hạ tầng hiện nay chỉ là đuổi theo, nhưng cũng không thể đuổi kịp. Do đó Luật Thủ đô sẽ giúp Hà Nội có được cơ sở để giải quyết tốt các tồn tại này.

Hơn nữa, việc tập trung nguồn lực cho Thủ đô để giải quyết những nút thắt về hạ tầng giúp Hà Nội bứt phá về kinh tế xã hội cũng là một cách giúp Hà Nội thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình với các địa phương với vai trò là đầu tàu kinh tế, là động lực lan toả, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.

Tạo bứt phá về giao thông đô thị

Trong 5 năm tới Hà Nội cần 150.000 tỷ đồng để phát triển giao thông, có nghĩa là khoảng 7 tỷ đô la, mỗi năm Hà Nội cần khoảng 1,5 tỷ USD. Vậy Hà Nội có thể đáp ứng được nhu cầu này?

Nếu chỉ thực lực của Hà Nội thì không thể thực hiện được, ngay cả khi có T.Ư hỗ trợ thì cũng phải dùng đến các nguồn hỗ trợ từ vốn ODA, các khoản vay nước ngoài...Tôi rất tin tưởng nếu Luật thông qua, GTVT thời gian tới sẽ khởi sắc vì trong dự thảo GTVT đã được thể hiện một bước.

Cụ thể, thứ nhất: điều 17 liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, đã đưa được vào công trình ngầm đây là nội dung đối với chúng tôi rất quan trọng đặc biệt khu vực nội thành khi toàn bộ quỹ đất phía trên hầu như đã hết, dư địa phát triển không còn, giờ phải nghĩ đến chuyện khai thác phía dưới trong khi đó Hà Nội triển khai 8 tuyến metro trong 8 tuyến đó lại có bao nhiêu km ngầm, vướng móng các tòa nhà... Đó cũng là vấn đề chúng ta quan tâm.

Thứ 2, cái khác biệt trong quản lý GTVT ở điều 18, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và VTCC đấy là đã thể hiện rất rõ chủ trương phát triển GTVT của TP tức là hạn chế xe cá nhân, phát triển VTHKCC hướng tới sự phát triển bền vững,

Kỳ vọng của chúng ta có một bộ Luật tháo gỡ về cơ chế chính sách giúp thúc đẩy Thủ đô phát triển bứt phá. Ông đánh giá thế nào nếu Luật Thủ đô được thông qua, tác động của bộ luật này đối với sự phát triển Hà Nội đặc biệt kết cấu hạ tầng đô thị?

Tôi cho rằng nếu Luật được thông qua sẽ là cơ hội rất tốt cho Hà Nội, thứ nhất trong Luật đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến GTVT.

Liên quan đến phát triển hạ tầng đất đai, khi phát triển hạ tầng được phép thu hồi đất và chính sách sẽ do HĐND quyết định đối với công trình trọng điểm, khi thực hiện các công trình đấy cho phép thu hồi đất ở hai bên đường đồng bộ để xây dựng tuyến phố... với những quy định này chúng tôi có được cơ sở pháp lý để TP chủ động trong quyết định mà không trái luật đối với việc thực hiện các con đường giao thông như các tuyến huyết mạch mà lâu nay đến 10 - 20 năm nay không thể hoàn thành, những điểm nghẽn này khiến 1 km có giá lên đến hàng ngàn tỷ đồng được ví là “ con đường đắt nhất hành tinh”. Nếu luật được thông qua với sự chủ động Hà Nội sẽ tháo gỡ được những tồn tại này.

Nếu Luật được thông qua, dưới góc độ là một ĐBQH theo ông Hà Nội cần phải có những cơ chế đổi mới thế nào để đưa Luật này vào cuộc sống?

Tôi cho rằng nếu Luật được thông qua sẽ là cú hích với Thủ đô. Nhưng nếu nói thay đổi Thủ đô ngay lập tức tôi cho rằng không có chuyện đó, mà đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thủ đô sớm thành hiện thực.

Xin cảm ơn ông!

Hạnh Ngân
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG