> Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô
Vùng Thủ đô Hà Nội, theo Quyết định số 118/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bao gồm Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình. Năm 2008, Quốc hội ra Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5-5-2008 về phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Và ngày 27-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1259/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Thực hiện những chủ trương này, các tỉnh trong Vùng Thủ đô đã bước đầu triển khai thực hiện theo các định hướng mới. Điển hình là nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ, nhà ở, công nghiệp, giao thông đã bước đầu thực hiện với tầm cỡ quy mô cấp vùng.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai quá trình này tồn tại, phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh, cập nhật, đảm bảo tính thời sự phù hợp với việc sáp nhập, các định hướng, chiến lược phát triển mới trong vùng theo chủ trương, nghị quyết của Trung ương.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành và các hữu quan xây dựng nội dung nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch Vùng Thủ đô. Mục tiêu nhằm tăng cường, nâng cao khả năng phát triển các mặt của các đô thị và khu vực nông thôn trong vùng với mạng lưới xây dựng đồng bộ, có tính liên kết cao.
Quy hoạch này với các kế thừa từ Quyết định 490 khi được ban hành sẽ là cơ sở cho lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng chuyên ngành cho vùng, quy hoạch phát triển các địa phương.
Phó Thủ tướng lưu ý cơ quan soạn thảo chú ý các cơ sở lý luận thực tiễn đầy đủ đối với việc tổng kết đánh giá thực hiện Quyết định 490, việc điều chỉnh, đặc biệt là việc thay đổi phạm vi quy hoạch (dự kiến thêm 3 tỉnh) theo những nguyên tắc mới. Bổ sung đề xuất mô hình phát triển kinh tế xã hội của Vùng cũng như một số vấn đề quan trọng mang tính liên vùng như an ninh – quốc phòng, khu công nghiệp, cấp nước, chất thải rắn,…
Song song với nhiệm vụ trên, các cơ quan thành viên sớm hoàn thiện tổ chức Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô cùng Quy chế hoạt động Ban chỉ đạo để phù hợp với tình hình mới.
Theo Nguyên Linh
chinhphu.vn