> Cử tri mong xử lý nghiêm tham nhũng, lãng phí
> Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN sẽ do Đảng quy định
> Quốc hội dành 1,5 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội
Phó Chủ tịch Hội Luật gia VN Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Minh Tuấn |
Xử nghiêm cán bộ sai phạm
Tuần này QH thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, theo ông điểm mới nào của dự thảo là quan trọng?
Thật ra, dự thảo Luật cũng không có nhiều thay đổi gì lớn. Điểm thay đổi quan trọng nhất – đó là Luật không quy định về Ban chỉ đạo PCTN như Luật hiện hành. Theo NQTƯ 5, Ban chỉ đạo PCTN Trung ương sẽ chuyển về bên Đảng, do Tổng Bí thực trực tiếp chỉ đạo.
Phải nói rằng, công tác PCTN thời gian qua có rất nhiều khó khăn, phức tạp. Báo cáo của Chính phủ nhận định, “Tuy đạt được kết quả tích cực nhưng nhìn chung công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Chính phủ cũng thừa nhận, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Trong điều kiện như vậy, chúng ta phải dựa rất nhiều vào nhân dân và báo chí. Do đó phải có tạo điều kiện hơn nữa cho báo chí tham gia vào công tác PCTN. Bởi báo chí là một kênh, một công cụ đắc lực trong PCTN.
Chúng ta có hệ thống pháp luật, có quyết tâm, vì sao thời gian qua chống tham nhũng lại hạn chế - kết quả như một số ĐB phân tích “mới chỉ phát hiện tham nhũng vặt?”
Việc PCTN thời gian qua chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng vẫn tiếp tục tồn tại, chưa bị đẩy lùi. Tôi cho rằng việc công khai hóa hơn hoạt động PCTN của Chính phủ, như việc đọc Báo cáo về PCTN ngay tại phiên khai mạc, là một việc làm đúng đắn.
PCTN cần đi theo xu hướng dựa nhiều hơn vào QH, cơ quan dân cử, nhân dân và báo chí. Vì sao PCTN được nhận định là chúng ta có nhiều chủ trương, chính sách và luật pháp khá đầy đủ, nhưng khi triển khai thì không đạt yêu cầu, ách tắc, không đạt kết quả? Nguyên nhân quan trọng nhất và cuối cùng - theo tôi là con người, là cán bộ.
Nghị quyết của Đảng đã nhận định rõ là có hiện tượng tham nhũng, suy thoái, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao. Tức là có những người có chức quyền cao nhưng lại tham nhũng. Vì vậy, không lạ là tại sao công tác PCTN không đạt yêu cầu, bởi vì đơn giản là họ không thể tự xử lý mình được.
Để PCTN đạt kết quả tốt hơn, ngoài việc phải tăng cường luật pháp, hoàn thiện bộ máy như Nghị quyết của Đảng chỉ ra (thành lập cơ quan chỉ đạo PCTN thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư trực tiếp chỉ đạo), còn phải thay đổi cán bộ trong các lĩnh vực khác nhau; tổ chức luân chuyển và nghiêm khắc xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm.
Bước đi tiếp theo
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, tham nhũng nghiêm trọng nhưng xử lý, khắc phục hậu quả chưa tương xứng. Có trường hợp đổi tội danh, có vụ việc lớn, nhưng không thấy có tham nhũng?
Thực tế đúng như vậy. Vừa rồi tại Quốc hội, Thủ tướng cũng nhận khuyết điểm trong quản lý điều hành, đó là một việc đáng hoan nghênh. Nhưng đó chỉ mới là bước đầu, cử tri và nhân dân mong muốn nhiều hơn. Báo cáo tập hợp kiến nghị cử tri của UBTƯMTTQ Việt Nam phản ánh suy nghĩ của cử tri và nhân dân muốn lãnh đạo Nhà nước, nhất là Chính phủ phải bước những bước tiếp theo. Tức là phải xử lý những trường hợp gây tổn thất lớn cho tài sản của Nhà nước, xã hội; xử lý những trường hợp cán bộ thoái hóa biến chất.
Tình trạng mà UB Tư pháp khi thẩm định Báo cáo PCTN đã nói rõ là tổn thất, lãng phí lớn như vậy, kém hiệu quả lớn như vậy là điều rất đáng quan tâm. Hàng chục ngàn tỷ thất thoát mà khi đưa ra điều tra thì không phát hiện ra hành vi tham nhũng. Ở đây cũng thể hiện trách nhiệm, năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật.
Cử tri phản ánh và chúng ta cũng thừa nhận, tham nhũng xảy ra ở bộ phận cán bộ có chức quyền. Cách nào để ngăn chặn, phòng ngừa, thưa ông?
Phải thực hiện việc minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ. Khi kê khai tài sản, có một tỷ lệ khai không thật: Người ta đang sở hữu tài sản đó nhưng không khai, hoặc cho người khác đứng tên. Như vậy, các cơ quan chức năng, cơ quan PCTN phải điều tra xác minh, làm rõ điều đó. Chúng tôi đã từng kiến nghị vấn đề này từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải rồi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa làm được. Theo tôi, cơ quan PCTN phải có lực lượng tinh nhuệ để phát hiện, xác minh, thu thập chứng cứ ban đầu, trước khi chuyển cơ quan chuyên môn. Nếu Ban chỉ đạo ngồi đó ra chủ trương, chính sách thì kết quả sẽ hạn chế là đương nhiên.
Phát biểu về PCTN ông từng nói rằng “người ta thường rất khó và ít ai có thể tự nhổ răng, tự cắt ruột thừa của mình?”
Chúng ta tin rằng với những thay đổi, công tác PCTN sẽ có kết quả tốt hơn. Tất nhiên niềm tin phải dựa vào cơ sở thực tế. Khi chúng ta có quyết tâm thay đổi Ban chỉ đạo thì đó là một bước thay đổi lớn. Đó là cơ sở để tin, đặc biệt là có một tổ chức mới để chỉ đạo PCTN như Nghị quyết của Đảng xác định. Nhưng vấn đề không phải là tôi hay ĐBQH nói, hay mong muốn, mà là hàng triệu cử tri và nhân dân đang chờ kết quả của những bước tiếp theo nữa.
Cảm ơn ông !
Như ông nói, trong đấu tranh chống tham nhũng, cần dựa vào nhân dân và báo chí? Quy định Báo chí phải cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền (như dự thảo Luật PCTN sửa đổi-PV) là không hợp lý và sẽ cản trở báo chí tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN. Có thể coi đấy là một bước lùi. Theo Luật Báo chí, báo chí chỉ có nghĩa vụ cung cấp thông tin về nguồn tin nhận được khi có quyết định của Chánh án, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trở lên trong khuôn khổ những vụ án cụ thể, bằng quyết định chính thức. Báo chí có nghĩa vụ bảo vệ, giữ bí mật nguồn tin của họ. Nguồn tin đó chính là nhân dân, nếu quy định như vậy, ai còn dám cung cấp thong tin cho báo chí? Khi đã thừa nhận PCTN không hiệu quả, thì vai trò báo chí là cực kỳ quan trọng trong PCTN. Cần phải mở, phải trao cho báo chí thêm quyền hạn hơn nữa chứ không phải là bó hẹp lại. |