Bới tung rừng cát tìm 'thần dược'

Bới tung rừng cát tìm 'thần dược'
TP - Những ngày qua, người dân nhiều xã thuộc huyện Phú Vang (tỉnh TT- Huế) đổ xô vào những cánh rừng tự nhiên trên cát bạch sa (rú cát) ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để đào tìm cây mật nhân.

> Thần dược gây nghiện: mua dễ, nghiện nhanh và...tử vong

Loại cây này được đồn là “thần dược” trị bá bệnh, có giá trị cao khi bán cho thương lái ngoại tỉnh.

Phá rừng tự nhiên vì tin đồn

Vùng rừng trên cát xã Phú Xuân là nơi bị xâm hại nặng nhất trong nhiều ngày qua.

Cùng lực lượng chức năng kiểm tra sơ bộ chỉ trên phạm vi chưa đầy một hecta rú cát do cộng đồng thôn Ba Lăng và UBND xã Phú Xuân quản lý, nơi đây xuất hiện hàng trăm điểm đào bới tìm củ một loại cây thân gỗ mà dân địa phương quen gọi là bập bện (tên phổ biến là mật nhân).

Ông Phan Đăng Phóng, Trưởng thôn Ba Lăng, cho biết: Nạn tàn phá cây mật nhân xuất hiện ồ ạt từ hơn tuần nay. Lực lượng an ninh thôn chỉ mới phát hiện, tịch thu phương tiện và đẩy đuổi hai trường hợp vi phạm trú tại thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang).

Khi đào tìm mật nhân, môi trường sinh thái rú cát và nhiều loài cây rừng xung quanh cũng bị xâm hại nghiêm trọng.

“Tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến trật tự xóm làng. Do lực lượng của thôn mỏng, nạn đào trộm xảy ra chủ yếu vào giữa trưa và ban đêm; người lạ thoắt ẩn, thoắt hiện giữa rừng rú rậm rạp nên rất khó truy bắt, xử lý”, ông Phóng nói.

Chính quyền xã Phú Xuân phản ứng rất chậm. Cơ quan này chưa có bất kỳ phương án xử lý, hay báo cáo nào gửi cấp có thẩm quyền yêu cầu hỗ trợ.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bắc, lấy lý do bận họp hành, các tốp đào trộm chủ yếu hoạt động ban đêm, nên chưa thể ngăn chặn, xử lý triệt để.

Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi xâm nhập cánh rừng thôn Ba Lăng, nơi có hàng trăm gốc mật nhân bị xới nát vào giữa buổi sáng, các nhóm đào trộm vừa kịp tháo chạy do bị đánh động.

Cùng với người ở Phú Lương, Phú Đa, dân Phú Xuân cũng tham gia số đông theo kiểu “phong trào” để tận diệt loài cây dại được đồn thổi là “thần dược”.

Ông Phan Dũng (trú thôn Ba Lăng) cho biết: “Thôn có hơn 300 hộ thì đến 290 nhà đi đào cây này rồi, dù chưa biết mang về để làm gì. Nghe đâu nó có nhiều công dụng chữa bệnh lắm.

Người ta đồn rằng, mỗi cân củ thái lát phơi khô có giá từ 300 đến 500 nghìn đồng. Nói vậy, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy ai hỏi mua”.

Suýt chết vì “thần dược”

Khi chúng tôi hỏi phương thức, liều lượng sử dụng, cách bào chế mật nhân để làm thuốc, nhiều người dân Phú Xuân lắc đầu. Một số người cho biết, đã thử sắc uống để chữa tiểu đường, huyết áp, mỡ máu nhưng không thấy tác dụng.

Có câu chuyện được dân địa phương truyền tai nhau trong nhiều ngày qua về trường hợp một cụ ông suýt chết vì dùng “thần dược” mật nhân. Cụ T.C.Đ (85 tuổi, trú thôn Quảng Xuyên - Phú Xuân) nghe tin đồn cây mật nhân trị được bá bệnh, nên nhờ người thân đào về phơi khô, sắc uống, với liều lượng khoảng một bát canh. Sau khi dùng “thần dược”, cụ bị nôn mửa, choáng, tiêu chảy dữ dội.

“Cụ Đ. vốn mắc nhiều bệnh tuổi già, sức khỏe yếu, khi uống củ mật nhân sắc nấu thì bị ngộ độc. Nếu không phát hiện và đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, chắc cụ khó qua khỏi”, một người dân cho biết.

Theo các chuyên gia y dược, cây mật nhân có tên khoa học Eurycoma longifolia Jack, là loài thân gỗ, cao từ 4-8m. Trong dân gian, mật nhân dùng chữa chứng ăn uống khó tiêu, bệnh phụ nữ, say rượu...

Tuy nhiên, người dùng cần phải có chỉ định nghiêm ngặt từ thầy thuốc, lương y giàu kinh nghiệm người bị bệnh dạ dày, gan, mật, có sức đề kháng yếu, dùng mật nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tại vùng rú cát ven phá huyện Phú Vang như Ba Lăng, Quảng Xuyên, Xuân Ổ hiện có hàng nghìn điểm đào bới cây mật nhân. Hỏi về trách nhiệm khi cây rừng tự nhiên bị xâm hại, ông Nguyễn Xuân Ninh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phú Vang, cho biết: Kiểm lâm huyện không quản lý về cây dược liệu. Vùng rú cát bị đào bới do cộng đồng các thôn và chính quyền xã quản lý. “Chúng tôi không hề hay biết về hành vi xâm hại này, UBND xã chưa báo cáo lên”, ông Ninh nói.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, cây mật nhân gần như đã biến mất trên vùng rú cát huyện Phú Vang.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.