> Dân ngày càng lo sợ động đất
Xi măng tiếp tục được vận chuyển đến đập Sông Tranh 2 chiều 24 – 10. |
Trước diễn biến phức tạp của động đất và an toàn đập Sông Tranh 2, ông Đặng Phong – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My đã yêu cầu BQL Thủy điện 3 thường xuyên cập nhật các số liệu quan trắc cho UBND huyện.
Riêng số liệu về mực nước về lòng hồ, phải cập nhật hằng ngày và nhắn tin vào số máy chủ tịch huyện và phó chủ tịch huyện thường xuyên.
Cụ thể sáng 24-10, BQL dự án thủy điện 3 cho ông Phong biết: Lúc 7h47 mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở cao trình 139,82m, lưu lượng nước về lòng hồ là 82m3/s, hiện nhà máy phát điện qua 2 tổ máy (lưu lượng 230m3/s) để duy trì mực nước lòng hồ.
Ông Vũ Đức Toàn, phó trưởng BQL dự án thủy điện 3 cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhà máy đang huy động hết công suất 2 tổ máy để đảm bảo duy trì mực nước chết cho lòng hồ. Kế hoạch sản xuất điện của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đã đạt khoảng 70 % kế hoạch năm. Động đất và không cho tích nước không ảnh hưởng đến kế hoạch của nhà máy. |
“Động đất tiếp diễn, dù Thủy điện Sông Tranh 2 không được tích nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đập không có cửa xả đáy nên nước chỉ còn cách thoát qua 2 tổ máy để duy trì mực nước chết. Sông Tranh 2 không tích nước nhưng nhà máy vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất điện” - ông Phong nói.
Việc hỗ trợ người dân Bắc Trà My thiệt hại do động đất, ông Phong cho biết vẫn chưa được phía EVN và BQL dự án thủy điện 3 đả động đến.
Huyện sẽ chất vấn EVN và BQL dự án thủy điện 3 rằng có hay không chuyện hỗ trợ? Nếu không, huyện sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ trước mắt mỗi hộ dân thiệt hại nặng khoảng 3 triệu đồng để khắc phục thiệt hại, tạm ổn định cuộc sống.
Xã Trà Sơn là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất trong trận động đất 4,6 độ richter ngày 22-10 với 78 nhà dân bị nứt nẻ, 3 trường học và trụ sở xã bị nứt nẻ nặng.
Ông Nguyễn Thanh Trang, Phó chủ tịch UBND xã Trà Sơn cho biết: “Nhà dân và trụ sở làm việc của xã, trường học bị nứt nghiêm trọng. Dù đã quen, nhưng cán bộ và nhân dân vẫn hoảng loạn mỗi khi có động đất”.
Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, trường mẫu giáo Họa My và trụ sở UBND xã Trà Sơn dù được xây dựng kiên cố nhưng đã nứt nẻ chằng chịt khắp các mảng tường. Các vết nứt to dần và lộ rõ.
Anh Trần Văn Đồng, giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Trường nứt nẻ, động đất nên học sinh hoang mang, giáo viên không thể ổn định học dù đã được tập huấn kiến thức và kỹ năng phòng tránh. Mỗi lần có động đất cả thầy và trò ai cũng tê cứng chân tay vì sợ!”. Trường này có hơn 160 học sinh và 18 cán bộ nhân viên.
Theo ông Trang, cẩm nang về động đất và kỹ năng phòng tránh được cấp phát về tận xã thôn. Nhưng nhiều người dân trong xã không biết đọc chỉ nhìn hình ảnh trên tờ rơi thấy cảnh nhà cửa, vật dụng đổ vỡ kèm với động đất thực tế xảy ra liên tục lại càng thêm sợ.
Chính quyền xã phải phân công cán bộ về từng thôn, họp dân và giải thích lại nội dung của cẩm nang.
Tại khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2 những ngày qua luôn có nhiều người dân tìm lên để tận mắt kiểm tra mực nước lòng hồ và an toàn đập Sông Tranh 2. Trong khi đó điểm sạt lở bên vai trái đập (cạnh tuyến đường ĐT 616) chưa được gia cố xong.
Ông Đặng Phong cho biết, huyện đã đôn đốc BQL dự án khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa lũ.
Chiều 24-10, hàng trăm tấn xi măng được vận chuyển đến bờ đập Sông Tranh 2 và tập kết bên trong đường hầm đập. Một công nhân cho biết: xi măng được đưa vào chỉ là để trám mặt nền đường hầm.
Trước đó, tại nhiều cuộc họp, BQL dự án thủy điện 3 và EVN khẳng định việc khắc phục sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 đã hoàn thành.