Dân ngày càng lo sợ động đất

Dân ngày càng lo sợ động đất
TP - Tối 22-10, động đất 4,6 độ richter mạnh nhất từ trước đến nay tại Bắc Trà My (Quảng Nam) rung lắc nhà cửa dữ dội khiến hàng ngàn người dân tháo chạy hoảng loạn. Chủ tịch huyện chui xuống gầm bàn, gọi điện báo cáo tỉnh và nghe các xã báo cáo tình hình …

> Động đất rung chuyển Bắc Trà My khiến thêm 246 nhà dân bị nứt

Nhà cửa nứt nẻ sau trận động đất tối 22-10 tại Bắc Trà My. Ảnh: Nguyễn Thành
Nhà cửa nứt nẻ sau trận động đất tối 22-10 tại Bắc Trà My. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sáng 23–10, Bắc Trà My mưa mù trời, khiến tâm lý người dân địa phương càng thêm nặng trĩu. Trụ sở UBND huyện vừa xuất hiện thêm 2 vết nứt mới.

Báo cáo nhanh của huyện Bắc Trà My, đã có thêm 246 nhà dân bị nứt, trong đó xã Trà Sơn 78 nhà, Trà Bui 97 nhà, Trà Đốc 35 nhà…, nâng tổng số nhà cửa thiệt hại sau các trận động đất lên 829 nhà. Sơ bộ thiệt hại của trận động đất tối 22-10 khoảng 1,2 tỷ đồng.

Chiều qua, ông Nguyễn Ngọc Truyền - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: tỉnh đã báo cáo tình hình động đất và thiệt hại lên Thủ tướng và các bộ ngành.

Chủ tịch huyện Đặng Phong không giấu được lo sợ, cho biết động đất kéo dài hơn chục giây, nhà cửa vật dụng chao đảo, rơi vỡ. Cả thị trấn nhốn nháo tháo chạy ra đường.

“Thật sự khủng khiếp. Tôi phải ngồi xuống dưới gầm bàn làm việc để điện thoại thông báo cho lãnh đạo tỉnh và nghe điện thoại của anh em cán bộ các xã điện báo về. Suốt đêm không dám ngủ. Ai bảo an tâm thì lên đây mà ở, mới hiểu dân sợ mức nào !”.

Ông Phong cho biết đã điện báo khẩn với Chủ tịch tỉnh Lê Phước Thanh đang họp Quốc hội, kiến nghị đưa vấn đề Sông Tranh ra Quốc hội một cách rốt ráo nhất, bởi ngưỡng lo sợ đang tăng từng ngày.

Mặc dù đã được tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng tránh nhưng người dân và cả cán bộ vẫn hoảng sợ.

Anh Nguyễn Xuân Hải, kinh doanh dịch vụ internet tại thị trấn Trà My, kể: “Động đất mạnh kèm theo tiếng nổ lớn. Tưởng chừng như ai nhấc bổng mình lên rồi hạ xuống”.

Anh Hải cập nhật kiến thức động đất ngay từ khi có những rung chấn nhẹ, nhưng đến nay, sự hoảng loạn càng tăng.

Ông Hồ Văn Vai, dân xã Trà Đốc, cho biết dù đã bỏ nhà xây ra ở nhà gỗ rồi, nhưng đến nước này chỉ còn cách lên rừng ở mới an tâm.

Trận động đất này mạnh đến mức nhiều người dân ở TP Tam Kỳ, các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên… xa hàng trăm cây số vẫn cảm nhận được rung lắc rất rõ.

Dân bỏ vào rừng

Hàng loạt hộ dân các xã Trà Tân, Trà Đốc hối hả dựng nhà, chuyển nơi để “chạy” động đất.

Tại ngã ba Trà Tân ngay dưới chân đập, nhiều hộ gia đình kinh doanh, buôn bán đã đóng cửa, thu dọn nhà về xuôi.

Dọc tuyến đường vào xã Trà Đốc, dân đã chuẩn bị gỗ để dựng nhà mới, chuyển nhà đi nơi ở khác.

Nhà của anh Hồ Văn Viên (thôn 1 Trà Đốc) được đánh dấu nứt nẻ sau các trận động đất trước. Vết nứt cũ nay toác thêm.

Không cần chờ nhận tiền hỗ trợ từ BQL dự án thủy điện 3, anh vay mượn tiền mua gỗ, tôn dựng nhà mới.

Học sinh Bắc Trà My tập huấn đối phó động đất
Học sinh Bắc Trà My tập huấn đối phó động đất.

Nhà anh Hồ Văn Lâm bên cạnh cũng chằng chịt nứt nẻ. Vợ chồng anh đã chuyển xuống nhà bếp dựng bằng vách nứa để ở mấy tháng nay. Vợ đang mang bầu khiến anh lại càng thêm lo sợ.

Buổi sáng, mặc trời mưa tầm tã, thanh niên, phụ nữ thôn 2 Trà Đốc đội mưa chuyển gỗ giúp ông Hồ Văn Phong. Nhà ông Phong sắp đổ ụp sau động đất. Giờ không chần chừ được nữa, anh Thiện, con trai ông Phong huy động anh em, làng xóm chuyển gỗ lên rừng dựng nhà mới. Nơi dựng nhà mới nằm sâu trong rừng, cách làng hơn 2km. “Nếu có vỡ đập, hay động đất mạnh ở trên rừng vẫn yên tâm hơn”, Thiện nói.

Nguy cơ 5.000 hộ dân bị cô lập

Mặc dù chưa vào mùa mưa lũ, nhưng mực nước sông Trường bắt đầu dâng cao, khiến ngầm sông Trường trên tuyến đường ĐT 616 thường xuyên bị chia cắt, người dân các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui nằm trong vùng động đất bị cô lập.

Ông Đặng Phong cho biết: “Huyện đã nhiều lần kiến nghị xây dựng cầu vượt sông Trường nhưng chưa được phê duyệt. Nếu có mưa lũ, động đất thì hơn 5.000 hộ dân sẽ bị cô lập, không có cách nào tiếp cận được”.

Cũng theo ông Phong, kinh phí xây dựng cầu vượt sông Trường dự trù khoảng 50 tỷ đồng, nhiều năm qua chưa được Trung ương phê duyệt, trong khi ngân sách huyện không có.

Nếu xảy ra sự cố, thì toàn bộ vùng Trà Đốc, Trà Tân, Trà Bui không có cách nào ứng cứu vì nước lũ qua ngầm sông Trường chảy mạnh.

Hằng năm tại khu vực này thường xuyên xảy ra chết người vì người dân liều mình vượt lũ.

Liên quan đến việc thông báo động đất, lãnh đạo huyện cho biết: Dù trạm quan trắc động đất vừa khánh thành cách đây mấy ngày, nhưng kết quả cập nhật thông tin vẫn còn chậm, chưa kịp thời để cho chính quyền huyện và người dân chủ động.

Cụ thể, tối 22–10, mặc dù động đất diễn ra lúc 20h41, nhưng mãi đến gần 23h chính quyền huyện mới nhận được thông báo kết quả từ Viện vật vật lý địa cầu là 4,6 độ richter.

Trao đổi với báo chí bên lề QH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh nói: “Chúng tôi tin vào các nhà khoa học, nhưng rõ ràng là động đất ngày càng lớn và thường xuyên. Nhà khoa học cho rằng khó đạt cực đại 5,5 độ richter, nhưng nhân dân rất lo lắng”.

Ông Thanh cho rằng, vấn đề an dân là rất khó. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu, vấn đề nào quá khả năng trong nước thì thuê chuyên gia nước ngoài đánh giá thực trạng để khẳng định chắc chắn đảm bảo an toàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.