Cược hạnh phúc lấy... đô la

Cược hạnh phúc lấy... đô la
Chuyện kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động tưởng chừng chỉ là vấn đề giấy tờ, thế nhưng có những đứa trẻ không thể khai sinh vì mẹ chúng đang là vợ của người đàn ông ngoại quốc.

Cược hạnh phúc lấy... đô la

Chuyện kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động tưởng chừng chỉ là vấn đề giấy tờ, thế nhưng có những đứa trẻ không thể khai sinh vì mẹ chúng đang là vợ của người đàn ông ngoại quốc.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Nguyệt và cô con dâu (ở giữa) từng kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động
Gia đình ông Nguyễn Hữu Nguyệt và cô con dâu (ở giữa) từng kết hôn giả để đi xuất khẩu lao động.

Kết hôn giả, ly hôn thật

Chị Bùi Thị Hằng (thôn Đồng Thịnh, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) làm thủ tục ly hôn, rồi kết hôn với người chồng Đài Loan để đi xuất khẩu lao động. Có lẽ, chị Hằng thuộc số ít người may mắn đi xuất khẩu rồi trở về như lời hứa ban đầu của môi giới.

Trớ trêu thay, khi chị trở về gia đình sống với chồng nhưng “không phải chồng”, vì 2 người đã ly hôn, muốn kết hôn lại cũng rất khó vì muốn đăng ký kết hôn lại phải tìm thấy “tung tích” chồng giả Đài Loan để ly hôn.

Cuộc sống đoàn tụ vợ chồng vui vẻ là thế, ấy vậy mà chỉ một lần vợ chồng cãi vã, anh chị tuyên bố bỏ nhau. Người thân nội ngoại lúc đó mới ngỡ ngàng, làm vợ chồng với nhau mấy chục năm trời, nay nói bỏ nhau là bỏ được ngay.

Theo chị Bùi Thị Nắm - chị ruột chị Hằng, có lẽ đây là vụ ly hôn nhanh nhất mà tôi được biết, vợ chồng bỏ nhau mà thủ tục đã làm từ ba năm trước.

Người dân xã Tam Dị thường nhắc đến trường hợp của chị Nguyễn Thị Phương với sự thương cảm cho thân phận phụ nữ. Chị Phương ly hôn chồng để kết hôn giả với người Hàn Quốc nhằm thuận tiện cho việc xuất khẩu lao động. Số tiền 16.000 USD lấy chồng giả phải đi vay mượn.

Sang Hàn Quốc, số tiền làm được chị gửi về cho chồng trả nợ dần, thế nhưng sau một năm, hạn cư trú đã hết, người chồng Hàn Quốc cũng cao chạy xa bay. Không thể gia hạn cư trú, chị Phương bị bắt và trục xuất về nước.

Lúc này, chị Phương ngộ ra mình thiệt thòi, người chồng chị đang sống ở quê nhà lúc này chỉ là “tình nhân”.

Cuộc sống ở quê nhà bộn bề, nợ nần chưa trả hết, mỗi lần cãi vã chị lại bị gia đình nhà “tình nhân” đem trả về nhà bố mẹ đẻ với lý do: “Đã ly hôn rồi nên nó không còn là con dâu nhà này nữa”.

Cháu Gia Linh hơn 3 tuổi nhưng vẫn chưa thể làm giấy khai sinh vì mẹ kết hôn giả với người Hàn Quốc
Cháu Gia Linh hơn 3 tuổi nhưng vẫn chưa thể làm giấy khai sinh vì mẹ kết hôn giả với người Hàn Quốc.

Đó là những trường hợp trở về rồi bỏ nhau, chị Bùi Thị Nắm cho biết, xã Tam Dị này còn có nhiều trường hợp “một đi không trở lại”.

Đồng ý cho vợ ly hôn để lấy người chồng ngoại quốc nhằm thuận lợi cho việc xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Xuân Hà (thôn Đồng Thịnh) chẳng thể ngờ rằng có ngày vợ anh tuyên bố không về nữa.

Anh Hà đau xót ôm đứa con nhỏ vào lòng. Anh không bao giờ ngờ được vợ anh bị những cám dỗ xứ người lôi kéo. Bỏ lại chồng con, chị Lan ở lại Đài Loan sống với tình duyên mới.

Ông Nguyễn Văn Nguyệt – bác ruột anh Hà chia sẻ: “Nhà cao cửa rộng mà làm gì khi chồng mất vợ, không nuôi con mình, đi nuôi con người. Cháu bé thiệt thòi nhất, bố nó có thể đi thêm bước nữa, nhưng cháu bé dù sao cũng chỉ có một mẹ duy nhất”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Lục, Chủ tịch xã Tam Dị trong xã có gần 200 phụ nữ lấy chồng ngoại quốc với mục đích xuất khẩu lao động. Khi trở về nước, sống cùng chồng thật nhưng thủ tục ly hôn đã làm từ trước đó, nay chỉ cần vợ chồng bất đồng, giận nhau là lập tức đường ai nấy đi.

Xã Tam Dị có khoảng 40 cặp vợ chồng đã ly hôn hoặc trong tình trạng cơm không lành, canh không ngọt. Hạnh phúc gia đình chưa bao giờ mỏng manh, dễ vỡ đến như vậy.

Những đứa trẻ “ngoài xã hội”

Ở xã Tam Dị hiện nay có không ít những đứa trẻ ra đời nhưng không thể làm giấy khai sinh vì mẹ đã đăng ký kết hôn với người ngoại quốc.

Chị Lưu Thị Xuân (thôn Tân Mùi) đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc nhưng sau đó ở nhà lấy chồng là người cùng thôn.

Tuy nhiên, hai người không thế đăng ký kết hôn vì trên giấy tờ, chị đã có chồng. Nay đứa con của anh chị đã hơn 3 tuổi nhưng vẫn chưa thể làm giấy khai sinh cho cháu.

Ông Nguyễn Ngọc Lục, Chủ tịch UBND xã Tam Dị giải thích, hiện tại chị Xuân có hôn nhân hợp pháp với người Hàn Quốc. Theo quy định của pháp luật, đứa con chị Xuân mang họ của người cha Hàn Quốc.

Giấy khai sinh cho cháu chỉ làm được khi chị Xuân có đơn ly hôn với người chồng Hàn Quốc hoặc làm đơn cam đoan đứa con mình sinh ra là con ngoài giá thú và chỉ được mang họ mẹ. Tuy nhiên, ông Lục cho biết, tất nhiên bố đẻ của đứa bé không đồng ý và chúng tôi cũng chỉ biết hướng dẫn làm thủ tục lên cấp trên.

Éo le hơn là trường hợp của cháu Gia Linh, cháu nội của ông Nguyễn Hữu Nguyệt được sinh ra tại Hàn Quốc và đưa về Việt Nam sống cùng ông bà. Đến nay đã hơn ba năm mà ông Nguyệt chưa làm được làm giấy khai sinh cho cháu.

Mẹ cháu Gia Linh – chị Nguyễn Thị Thêu xuất khẩu lao động Hàn Quốc bằng con đường kết hôn giả. Người chồng Hàn Quốc chị cũng chỉ gặp một lần duy nhất sau đó không còn liên lạc.

Sang nước bạn, năm 2009, chị Thêu gặp và kết hôn với anh Nguyễn Hữu Nhật. Gọi là kết hôn nhưng anh chị chỉ làm đám cưới vì chị Thêu đã đăng ký kết hôn với người Hàn Quốc.

Một năm sau, chị Thêu sinh cháu Gia Linh, nhưng lúc này chị đã hết hạn visa, không đăng ký khai sinh cho cháu để có thể về nước nên nhờ một người bạn thân là lao động hợp pháp làm khai sinh giúp.

Theo cán bộ tư pháp xã Tam Di, để làm khai sinh cho cháu Gia Linh, chị Thêu phải ly hôn với người chồng Hàn Quốc. Sau đó, gia đình làm thủ tục nhận cha, mẹ, con thì trẻ mới được đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, việc liên hệ với người chồng Hàn Quốc là không thể vì người này đã cầm tiền rồi "biến mất” ngay khi chị Thêu sang Hàn Quốc.

Muốn làm thủ tục ly hôn vắng mặt người chồng, chị Thêu phải đưa ra giấy đăng ký kết hôn. Nhưng lúc làm thủ tục là do “cò” môi giới lao động làm trọn gói, chị Thêu chỉ biết ký vào tờ giấy theo yêu cầu của “cò”, chứ đâu có biết giấy tờ nào.

Hầu hết các phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc trong xã Tam Dị đều chung hoàn cảnh tương tự như chị Thêu, kết hôn với người nước ngoài mà không biết mặt chồng, không biết đến giấy tờ tùy thân và hệ lụy là không làm được khai sinh cho con.

Ông Nguyễn Hữu Nguyệt buồn rầu: “Điều gia đình tôi lo lắng nhất lúc này là không làm được giấy khai sinh cho cháu Gia Linh. Trong khi chỉ 2 năm nữa cháu phải vào lớp 1, không biết có trường nào nhận cháu học không. Gia đình tôi hàng ngày lo lắng cháu tôi thất học mất. Hơn nữa, giấy khai sinh cũng ảnh hưởng đến quyền lợi suốt đời một con người, vậy mà cháu tôi vì sai lầm của bố mẹ mà đang chịu hậu quả nặng nề”.

Chúng tôi lại tìm đến UBND xã, ngay cả ông chủ tịch Nguyễn Ngọc Lục cũng không thể biết được đến khi nào những đứa trẻ này mới làm được giấy khai sinh...

Theo Dương Tùng
Khám Phá

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.