Con tàu Hoàng Sa của 2,5 vạn công chức

Con tàu Hoàng Sa của 2,5 vạn công chức
TP - 25.000 cán bộ, công nhân viên chức tỉnh Quảng Ngãi ủng hộ 1 ngày lương cho Quỹ hỗ trợ ngư dân, cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để làm nên những con tàu Hoàng Sa, Trường Sa. Hôm qua, một trong những con tàu như thế đã hạ thủy tại biển Sa Kỳ.

> Hỗ trợ ngư dân có tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ

Ban điều hành Quỹ ngư dân bàn giao tàu cho thuyền trưởng
Ban điều hành Quỹ ngư dân bàn giao tàu cho thuyền trưởng.

Gởi tấm lòng ra Hoàng Sa

Sáng 13-10, tại cửa biển Sa Kỳ, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi làm lễ hạ thủy con tàu của ngư dân Lê Vinh ở huyện đảo Lý Sơn.

Con tàu với dáng thon dài 16 mét, rộng hơn 4 mét. Toàn bộ thân tàu đều được đóng bằng gỗ kiền kiền cực chắc, 5 hầm tàu đều được ép phao bảo ôn theo kiểu hiện đại, các ngư dân giới thiệu như vậy.

Chui xuống hầm tàu, thuyền trưởng Lê Lớn, em ruột ông Vinh gõ tay vào chiếc máy hiệu Yangmar của Nhật Bản nước sơn xanh mịn, vui mừng: “Máy này rất hiện đại, công suất lên đến 265 mã lực”.

Nhắc đến tên Lê Vinh, người dân Quảng Ngãi đều đọng lại câu chuyện về đội ngư dân kiên cường bám biển.

Ông Lê Vinh là chủ tàu, người em ruột là Lê Lớn làm thuyền trưởng cầm lái. Chiếc tàu này đã 4 lần bị Trung Quốc bắt và phạt tiền tại quần đảo Hoàng Sa. Số tiền bị phạt gần 200 ngàn nhân dân tệ.

Lần bị bắt thứ tư vào tháng 3-2012, Trung Quốc đã tịch thu tàu và đẩy toàn bộ ngư dân về quê trên chiếc thuyền của ngư dân Trần Hiền.

Tàu Lê Vinh hạ thủy, tiến ra biển
Tàu Lê Vinh hạ thủy, tiến ra biển.

Quảng Ngãi có quê hương hải đội Hoàng Sa với bức tượng Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa – Phạm Hữu Nhật đứng cạnh 2 binh phu, chỉ thẳng tay ra đảo Hoàng Sa.

Biểu tượng này tiếp thêm nguồn động lực để ngư dân kiên trì bám biển, và cũng trở thành ý chí kiên định của người dân Quảng Ngãi về quần đảo Hoàng Sa - mảnh đất máu thịt không thể tách rời.

Toàn tỉnh có 5.700 tàu cá thì đội tàu đánh bắt xa bờ lên đến 1.770 chiếc. Hoàng Sa, Trường Sa chính là vùng biển truyền thống của ngư dân Quảng Ngãi.

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, từ năm 2005 đến 6 tháng đầu năm 2012, Quảng Ngãi có 145 ngư dân bị chết, 58 ngư dân bị thương, 408 tàu cá bị chìm và mất tích.

Nước ngoài đã bắt giữ, đâm chìm, tịch thu 159 tàu, nạn nhân là 1.147 ngư dân. Trong số đó, nhiều ngư dân đã bị phạt tiền lên đến hàng trăm ngàn nhân dân tệ.

Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã đầu tư cho con tàu này 827 triệu đồng. Sau 5 năm các ngư dân có nghĩa vụ hoàn trả, để số tiền trên được luân chuyển cho các ngư dân khác.

Thuyền trưởng Lê Lớn, đại diện cho anh em tàu, bày tỏ: “Chúng tôi rất biết ơn cán bộ, công nhân viên chức cả tỉnh đã góp 1 ngày lương cho Quỹ hỗ trợ ngư dân. Bên cạnh đó, nhiều nhà hảo tâm cũng chung tay góp tiền giúp chúng tôi thông qua quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi”.

Không để ngư dân bỏ biển

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Mãng, quê ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), một kình ngư trẻ hiên ngang trên con tàu QNg 90046 TS, cho biết: “Chuyến biển vừa rồi, tàu em bị tàu tuần tra Trung Quốc đuổi cả chục lần. Ở Hoàng Sa làm ăn ngày càng khó khăn. Nhưng ngư dân mình xác định một mất một còn, cố gắng ra đó bám biển. Họ đuổi trước, mình kéo ra sau”.

Tháng 5-2012, các ngư dân Hoàng Sa không thể quên những thời điểm khó khăn nhất, khi Trung Quốc đơn phương cấm biển, tuyên bố cấm đánh bắt cá tại biển Đông trong vòng 2 tháng rưỡi, từ 12 giờ ngày 16-5 đến 12 giờ ngày 1-8. Đài canh Icom trong đất liền liên tục điểm danh các ngư dân trên biển.

Hàng đêm, ông Nguyễn Đức, phụ trách đài canh cộng đồng xóm Ghành Cả thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu) lại cất tiếng dù đã khản giọng: “Anh em mình ngoài đó còn đủ không? Mấy chiếc ở Đá Bắc, chiếc nào vô gần Phú Lâm, mấy chiếc hồi sáng bị đuổi chạy cụm lại một chỗ chưa?”

Có nhiều trường mẫu giáo ở các huyện miền núi như Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long cũng gởi gắm nghĩa tình xuống miền biển. Lương ba cọc ba đồng, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn dè xẻn gởi về ủng hộ quỹ kèm theo những lời tâm sự chan chứa nghĩa tình về biển đảo quê hương.

Tàu QNg 55003 TS ở xã Bình Châu (Bình Sơn), do ngư dân Trần Thế Anh làm thuyền trưởng đã chạy đua với tàu tuần tra Trung Quốc mang số 306.

Tiếc số hải sản trị giá 200 triệu đồng sau nhiều ngày lao động, ngư dân Nguyễn Văn Teo, (32 tuổi, quê ở tỉnh Ninh Thuận), vào ca bin thay thế thuyền trưởng và quyết tâm rướn ga.

Cuộc rượt đuổi trên biển diễn ra khốc liệt. Chiếc tàu nhỏ chạy vòng vèo để đánh đố chiếc tàu ngàn mã lực, dài hơn 60 mét đang nổ máy gào thét. Đến khi bị tàu tuần tra xịt vòi rồng, con tàu ngập nước nhỏ xíu của ngư dân đành phải hạ ga và dừng lại.

Vợ chồng ông Trần Phương, bà Nguyễn Thị Thuộc, mẹ của thuyền trưởng Trần Thế Anh đêm ngày cầu mong cho con bình yên trở về. Gia đình bà vừa thế chấp sổ đỏ ngân hàng để huy động tiền lo tổn phí ra khơi. Tổng cộng chiếc tàu và phí tổn hơn 500 triệu đồng. Sổ đỏ cắm ngân hàng. Trung Quốc đã bắt giữ và tịch thu con tàu.

Câu chuyện của thuyền trưởng Nguyễn Văn Mãng, Lê Vinh..., những hình ảnh thiệt hại của ngư dân vươn khơi, đánh bắt xa bờ trở thành tình cảm thôi thúc nhiều người dân Quảng Ngãi.

Khi phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ ngư dân, đông đảo cán bộ công chức đã tham gia, ủng hộ mỗi người một ngày lương.

Có nhiều trường mẫu giáo ở các huyện miền núi như Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long cũng gởi gắm nghĩa tình xuống miền biển.

Lương ba cọc ba đồng, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng các thầy cô vẫn dè xẻn gởi về ủng hộ quỹ kèm theo những lời tâm sự chan chứa nghĩa tình về biển đảo quê hương.

25.000 và 90%

Một ngày lương của mọi người, cộng với số tiền của các nhà hảo tâm, giúp ngư dân Hoàng Sa có chiếc tàu tiếp tục mở biển.

Tàu Lê Vinh được quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi giúp cho số tiền trên 90%
Tàu Lê Vinh được quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi giúp cho số tiền trên 90%.

Trên con tàu rẽ nước lao ra khơi trong lễ hạ thủy, tiếng máy tàu gầm lên đầy uy lực. Nó xuất hành trong niềm vui của tất cả mọi người. Bởi đó là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết của toàn dân hướng ra vùng biển chủ quyền của đất nước. Các ngư dân đã trở nên khánh kiệt và tuyệt vọng vì bị thu tàu. Nay, họ đã có tàu để tiếp tục ra Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Xuân Huế, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, cho biết: “25.000 cán bộ công nhân viên đã ủng hộ 2 tỷ đồng. Việc làm này thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng, giúp ngư dân bám biển. Bên cạnh đó quỹ cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Con tàu của Lê Vinh đã được quỹ ủng hộ hơn 90%. Chúng tôi hy vọng, ông Lê Vinh với truyền thống cũ, tiếp tục ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.